Vì thế, việc bồi dưỡng nâng cao kỹ năng để thực hiện hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn (TK, CH, CN) nói chung và trên biển nói riêng cho ngư dân là rất cần thiết, góp phần giảm thiệt hại do TN, SC gây ra.

Tai nạn, sự cố trên biển vẫn diễn biến khó lường

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ tháng 7-2018 đến tháng 8-2019, tình hình TN, SC trên biển diễn biến phức tạp, cả nước xảy ra 917 vụ với 4.539 người và 534 phương tiện gặp TN, SC. Phổ biến nhất là hỏng máy tàu, tai nạn lao động, người rơi xuống biển, chìm tàu, đâm va… làm hàng trăm người chết và mất tích. Địa phương có số vụ TN, SC trên biển nhiều nhất là tỉnh Quảng Ninh và các thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, với hơn 70 vụ.

Số lượng tàu thuyền hoạt động trên các tuyến vận tải hàng hải tăng khiến công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn. (Ảnh minh họa. Nguồn: atgt.vn)

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ TK, CH, CN trên biển, Cục CH-CN (Bộ Tổng Tham mưu) thường xuyên tham mưu cho thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chuyên trách, bán chuyên trách về TK, CH, CN của các quân chủng: Hải quân, Phòng không-Không quân (PK-KQ); các bộ tư lệnh: Cảnh sát biển (CSB), Bộ đội Biên phòng (BĐBP),... Các lực lượng đã TK, CH, CN được hàng trăm tàu thuyền và ngư dân, thuyền viên, công nhân viên, cán bộ, chiến sĩ LLVT khi hoạt động trên biển, trên đảo xa. Hàng trăm người đã được cứu sống kịp thời từ các đảo xa về đất liền. Riêng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, máy bay của Quân chủng PK-KQ, Hải quân, Binh đoàn 18 đã cấp cứu 18 người từ huyện đảo Trường Sa và các tàu hải quân, CSB, BĐBP cấp cứu hàng trăm người, trong đó có hàng chục người nước ngoài từ các vùng biển xa về đất liền… Cùng với đó, lực lượng CH, CN còn tổ chức tiếp nhận, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước ngọt, thuốc men và bố trí nơi ăn, nghỉ cho hàng trăm ngư dân cùng ghe, thuyền gặp nạn ở trên tàu và ở các đảo ngoài khơi…

Gần 2 năm qua, BĐBP đã điều động hơn 9.400 lượt cán bộ, chiến sĩ, gần 300 lượt tàu, xuồng, ô tô các loại; phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng tại chỗ huy động 590 người, 263 phương tiện của ngư dân tổ chức TK, CH, CN, khắc phục hậu quả thiên tai hơn 400 vụ với 943 người và 87 phương tiện. Trong 5 lần áp thấp nhiệt đới, 9 cơn bão, các đơn vị ven biển đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng tiến hành thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 740.626 lượt phương tiện với 3.336.482 lượt người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm…

Các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh CSB, Quân chủng Hải quân, Quân chủng PK-KQ cũng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng TK, CH, CN trên biển, phát tờ rơi cho ngư dân; bộ đội các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã giúp đỡ cho 2.960 lượt tàu cá vào các âu tàu, lòng hồ để tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới…

Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan của một bộ phận cán bộ, người dân và việc chấp hành các quy định an toàn hàng hải vẫn còn hạn chế, nên vẫn để xảy ra các vụ TN, SC trên biển, gây thiệt hại về người và tài sản.

Nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn

Theo Đại tá Nguyễn Hoàng Bình, Trưởng phòng TK, CN (Cục CH-CN, Bộ Tổng Tham mưu), để thực hiện hiệu quả công tác TK, CH, CN trên biển, cần thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền về công tác bảo đảm an toàn hàng hải và TK, CN cho người đi biển. Trong đó, việc nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm cho các đối tượng tham gia lao động trên biển, nhất là ngư dân sẽ góp phần ngăn chặn, ứng cứu kịp thời, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản trên biển. Vì thế, cần thường xuyên đẩy mạnh công tác phối hợp trong diễn tập, hợp luyện công tác TK, CH, CN trên biển giữa các bên tham gia, nhằm giúp cho các lực lượng làm nhiệm vụ TK, CH, CN và người đi biển có kinh nghiệm xử lý nhanh, bảo đảm hiệu quả các tình huống rủi ro trên biển, đồng thời nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng.

Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sử dụng các phương tiện thông tin cho ngư dân, đồng thời phổ biến các quy định về bảo đảm thông tin hiện trường TN, SC với các lực lượng làm nhiệm vụ TK, CH, CN trên biển để giúp cho việc CH, CN được diễn ra nhanh chóng, chính xác, góp phần giảm nhẹ thiệt hại về tài sản và con người của tàu bị nạn và giảm thiểu chi phí cho lực lượng tham gia TK, CH, CN. Duy trì nghiêm chế độ canh trực trên các tần số cấp cứu an toàn để thu nhận kịp thời các thông tin an toàn được phát đi và hành trình tránh xa khu vực đang tiến hành công tác TK, CH, CN, cấm phát xạ, gây can nhiễu trên các tần số thông tin hiện trường.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc “tự bảo vệ, tự cứu mình” với việc đầu tư bảo đảm trang bị kỹ thuật cho tàu thuyền, phương tiện, phát huy phương châm “4 tại chỗ” khi gặp TN, SC trên biển. Đối với phương tiện bị nạn khi vẫn còn khả năng thông tin, phải triển khai đúng phương thức, tần số thông tin hiện trường đồng bộ với lực lượng ứng cứu, thường xuyên cập nhật những dữ liệu quan trọng cho lực lượng ứng cứu về vị trí, tình trạng, số thuyền viên trên tàu, điều kiện biển và thời tiết hiện trường, tình trạng diễn biến của tai nạn, thiết bị cứu sinh hiện có, yêu cầu trợ giúp phát sinh…

Ngoài ra, các đơn vị quân đội cũng cần tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, kiểm định và kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm yếu tố kỹ thuật và an toàn ra khơi. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt mạnh hơn nhằm đảm bảo tính răn đe đối với các chủ tàu, phương tiện cố tình vi phạm.

HÀ KHÁNH