Đối với Thủ đô Hà Nội, theo quy hoạch tới năm 2030, các tuyến ĐSĐT được kỳ vọng đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân trong đô thị hạt nhân và 15-25% ở các đô thị vệ tinh. Các tuyến ĐSĐT được gắn kết với xe buýt và các phương thức giao thông công cộng khác không chỉ giúp việc đi lại của người dân dễ dàng hơn, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các khu vực và đô thị nơi tuyến đường đi qua.

Những con số chứng minh chứng sự thay đổi của người dân

Ghi nhận từ đơn vị vận hành ĐSĐT Nhổn - Cầu Giấy cho thấy, sau 15 ngày đi vào hoạt động, tuyến ĐSĐT Nhổn - Cầu Giấy đã phục vụ khoảng 750.000 lượt hành khách. Trong đó, ngày cao điểm nhất là hơn 100.000 lượt và ngày thấp nhất là gần 35.000 lượt.

Điểm đáng chú ý là số lượng khách của tuyến tàu điện Nhổn - Cầu Giấy cao vượt trội so với tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Điều này thể hiện việc người dân Thủ đô đã đi thử và chấp nhận phương thức vận tải hành khách tiện dụng này trong môi trường đô thị ngày càng đông đúc của Hà Nội.

leftcenterrightdel

Người dân Hà Nội trải nghiệm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Cầu Giấy.

Nhiều người dân cho biết, việc di chuyển bằng ĐSĐT vừa văn minh lại giúp “thoát” khỏi cảnh ùn tắc, bởi vậy họ sẽ bỏ hẳn phương tiện cá nhân để sử dụng tàu điện. Một số người dẫn chứng, nếu sinh sống ở khu vực Nhổn thì chỉ cần bước lên tàu điện và 13 phút sau đã có mặt ở đầu đường Đê La Thành. Tuyến tàu điện có thời gian di chuyển nhanh gấp hai lần xe máy, bởi vậy nếu làm việc ở phía Tây Hà Nội thì không có lý do gì để không sử dụng loại hình giao thông công cộng này.

Tại Hội thảo “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó” được tổ chức mới đây, Tiến sĩ Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Hanoi Metro chia sẻ, ĐSĐT là bộ phận cấu thành quan trọng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật; là tiền đề cho sự phát triển của giao thông đô thị hiện đại; là điều kiện để phát triển đô thị bền vững.

Theo Tiến sĩ Vũ Hồng Trường, vận tải hành khách công cộng có 3 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 là giai đoạn để phục vụ người không có phương tiện đi lại; giai đoạn 2 là cạnh tranh với phương tiện cá nhân, điều này đường sắt đô thị đã làm được; giai đoạn cuối là lấy được lòng tin và sự yêu thích người dân.

“Điểm đáng trân quý ở việc nếu sử dụng tàu điện để đi học, đi làm thì cũng đồng nghĩa với việc đóng góp vào hành động bảo vệ môi trường Thủ đô. Cứ 1.000.000 giờ di chuyển bằng ĐSĐT thì sẽ tiết kiệm được 478.000 giờ, giảm 100 tấn khí thải và đem lại giá trị khoảng 30 tỷ đồng”, Tiến sĩ Vũ Hồng Trường đánh giá.

Thực tế, các thành phố trên thế giới có từ 2 triệu dân trở lên đều phải tính đến việc tạo dựng hệ thống ĐSĐT để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ai cũng cảm nhận rất rõ sự cần thiết và phải có loại hình giao thông này trong hệ thống giao thông công cộng của đô thị như Hà Nội.

leftcenterrightdel
Các tuyến ĐSĐT Hà Nội đều bị chậm tiến độ và đội vốn. 

Dù đã có kế hoạch và những hoạch định cụ thể, nhưng việc phát triển hệ thống ĐSĐT Hà Nội còn nhiều thách thức. Các dự án ĐSĐT đã triển khai tại Thủ đô đều phải mất tới 10-15 năm mới hoàn thành và đội vốn.

Chẳng hạn, dự án Metro Nhổn khởi công năm 2010. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư lên tới 30.000 tỷ đồng, tăng 67% so với dự toán ban đầu. Dù số vốn tăng như vậy, nhưng đến nay mới chỉ có đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy hoàn thành, riêng đoạn đi ngầm và toàn tuyến thì dự kiến phải đến năm 2029 mới đưa vào khai thác.

Vượt khó, hướng tới tương lai 400km giao thông xanh của Thủ đô

Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội chia sẻ, TP Hà Nội mong muốn có ĐSĐT - Metro từ rất nhiều năm trước. Ban đường sắt thành phố đã có rất nhiều thế hệ tham gia cống hiến xây dựng hệ thống ĐSĐT.

Mục tiêu đến năm 2035, Hà Nội phải có hệ thống ĐSĐT gồm 10 tuyến, tổng chiều dài cả đi ngầm lẫn đi nổi khoảng 400km. Đây là con số đáng kể nếu căn cứ vào các dự án ĐSĐT hiện tại.

“May mắn là Hà Nội có quy hoạch về giao thông nói chung và đường sắt nói riêng, cơ bản hướng đến chiến lược rõ ràng, đi theo hướng đô thị xanh, dành không gian cho đi bộ. Việc chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân về phương tiện công cộng cần chuyển đổi nhanh, bởi nếu không nhanh sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, cần phải có những cơ chế đột phá. Chúng tôi đang tập trung mời các chuyên gia để đóng góp ý kiến, kêu gọi các nhà đầu tư và tính đến việc khai thác bền vững…”, ông Nguyễn Cao Minh chia sẻ.

leftcenterrightdel
TP Hà Nội phấn đấu tới năm 2035 phải có 400km ĐSĐT phục vụ giao thông công cộng.

Vấn đề đặt ra là, khi triển khai ĐSĐT cần có cơ chế, chính sách đột phá; có tư duy mới, khung pháp lý mới “may đo” riêng để giải quyết các vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất cũng như huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực…

Bài, ảnh: TUẤN SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.