Việc trở lại thị trường lao động một cách bền vững của nhóm lao động này rất khó khăn và cần nhiều chính sách, giải pháp hiệu quả…

Khó khăn tìm kiếm việc làm

Đồng Nai là địa phương có hơn 30 khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nên nhu cầu tuyển dụng lao động rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng sa thải lao động lớn tuổi trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đang diễn khá phổ biến tại một số khu công nghiệp trên địa bàn. Những doanh nghiệp trên phần lớn thuộc các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy, hải sản, lắp ráp linh kiện… dễ dàng sa thải lao động lớn tuổi, thay thế bằng những lao động trẻ với thời gian đào tạo không nhiều, cùng mức lương và mức đóng bảo hiểm xã hội thấp. Những lao động lớn tuổi sau thời gian dài cống hiến với mức lương và mức đóng bảo hiểm xã hội tăng dần, lại đứng trước nguy cơ bị doanh nghiệp đào thải. Hậu quả là tỷ lệ lao động từ 35 đến 40 tuổi thất nghiệp ngày càng cao, cá biệt, có những lao động nữ mới chỉ hơn 30 tuổi đã phải nghỉ việc.

Nguyên nhân khiến lao động lớn tuổi bị sa thải một phần do người lao động không đủ sức khỏe để làm việc trong dây chuyền công nghiệp; doanh nghiệp thu hẹp sản xuất phải cắt giảm lao động. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp tại địa phương cần thay lao động trẻ hơn, khỏe hơn, năng suất lao động cao hơn và chỉ phải trả mức lương thấp hơn lao động lâu năm. Ngoài 35 tuổi, sức lao động giảm, không qua đào tạo chuyên môn, nhiều người thất nghiệp lớn tuổi, đặc biệt là lao động nữ, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống khi rất khó để tìm kiếm một công việc ổn định. Nhiều lao động nữ lớn tuổi trên địa bàn tỉnh sau khi thất nghiệp, thường trở về làm công việc nội trợ gia đình, lao động tự do, mở cửa hàng buôn bán nhỏ hoặc quay lại làm nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Bích Phương, ngụ tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, từng làm việc cho một doanh nghiệp sản xuất giày tại địa phương, cho biết: “Sau hơn một năm nghỉ việc theo chương trình khuyến khích người lao động lớn tuổi tự nguyện nghỉ việc do công ty đề xuất, tôi vẫn chưa tìm được việc làm mới. Tôi đã nộp hồ sơ ở nhiều nơi nhưng đều bị từ chối hoặc không thấy hồi âm”. Hiện tại, chị Phương đang ở nhà phụ người thân bán hàng và hy vọng sẽ tìm được một công việc khác ổn định hơn trong thời gian tới. Chị Phương là một trong số hàng trăm lao động nữ trung niên tại Đồng Nai sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp cũ phải chật vật tìm việc làm mới. Dù được các cơ quan chức năng hỗ trợ tích cực nhưng chưa đến 10% số này hội nhập trở lại thị trường lao động.

Chú trọng đào tạo, nâng cao tay nghề

Theo ông Võ Sơn Thu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, đa số lao động lớn tuổi đều chưa qua đào tạo, khi bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng rất khó tìm được công việc phù hợp với mức lương từng được hưởng trước khi thất nghiệp. Hằng tuần, có nhiều lao động thất nghiệp lớn tuổi đến trung tâm để nộp đơn xin việc và tư vấn học nghề. Có những vị trí tuyển dụng nào trống thì trung tâm sẽ giới thiệu để người lao động lớn tuổi chọn lựa. Với những doanh nghiệp FDI có ngành nghề tương ứng, hoặc các công ty tư nhân tuyển lao động phổ thông mà không giới hạn độ tuổi thì trung tâm sẽ vận động nhận những người từ 38 đến 40 tuổi. Tuy nhiên, số người lao động lớn tuổi nhận được công việc phù hợp không cao. Nếu muốn có một công việc ổn định, người lao động thất nghiệp cần chủ động nâng cao trình độ, tay nghề, ngoại ngữ…

Thực hiện theo quy định của Luật Việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đang triển khai khá hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, trong đó có các lao động lớn tuổi. Theo đó, trung tâm đã tích cực tư vấn về việc làm, học nghề với nhiều hình thức phong phú và luôn tích cực cải tiến quy trình tư vấn nên chất lượng ngày càng được nâng cao. Chương trình đào tạo nghề theo diện bảo hiểm thất nghiệp dù mới triển khai từ cuối năm 2015 nhưng đã giúp hàng nghìn lao động tại địa phương trở lại thị trường lao động bằng chính khả năng của mình. Ông Võ Sơn Thu cho biết: "Đối với lao động lớn tuổi, chương trình đào tạo nghề sơ cấp tập trung vào những ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn, kỹ năng đơn giản giúp người lao động tự tạo được việc làm mà không lệ thuộc vào các đơn vị tuyển dụng. Trung tâm cũng linh động tổ chức các lớp đào tạo cho lao động lớn tuổi phù hợp với sở trường và nhu cầu xã hội".

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư, áp dụng các dây chuyền sản xuất với hệ thống tự động hóa cao. Máy móc sẽ thay thế rất nhiều lao động phổ thông và đem lại hiệu quả, năng suất cao hơn cho doanh nghiệp, nhưng cũng khiến nhiều lao động thất nghiệp, đặc biệt là người lao động lớn tuổi. Người lao động lớn tuổi nên chuẩn bị sẵn sàng, chủ động trang bị những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết để có thể tự xoay chuyển khi doanh nghiệp có những biến đổi. Khi có trong tay một nghề nào đó, người lao động có thể tự tạo việc làm phù hợp với mình.

HOÀNG NGÂN