Niềm tự hào của người dân Thủ đô

SVĐ Hàng Đẫy (Hà Nội) hình thành từ năm 1934 với khởi nguồn là từ bãi đá bóng Hàng Đẫy-SEPTO. Trải qua 3/4 thế kỷ gắn bó với các sự kiện của Hà Nội, SVĐ Hàng Đẫy (cũng có thời gian được đổi tên thành SVĐ Hà Nội) đã trở thành niềm tự hào của người dân Thủ đô. 

Sau khi Hà Nội được giải phóng (năm 1954), Chính phủ đã có chủ trương xây dựng lại SVĐ Hàng Đẫy. Ngày 16-2-1957, công trình được khởi công và hoàn thành sau 18 tháng xây dựng. Chiều 24-8-1958, Ủy ban Hành chính TP Hà Nội long trọng làm lễ khánh thành SVĐ mới, nhân kỷ niệm 13 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9. Sự kiện có sự tham gia của gần 3 vạn người dân Thủ đô và đặc biệt trên khán đài A có Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người luôn quan tâm đến công tác thể dục thể thao (TDTT) nước nhà.

SVĐ Hàng Đẫy lúc đó là sân vận động hiện đại nhất của Hà Nội và toàn miền Bắc, có diện tích sàn gần 12.000m2, quanh sân có 14 cửa ra vào và 3 cửa chính ở khán đài A, B. Xung quanh có đường pitch dành để tập luyện và thi đấu điền kinh. Hai đầu có sân bóng rổ, bóng chuyền, bãi nhảy cao, nhảy xa, ném đẩy tạ, ném đĩa... Khán đài là hệ thống xây theo hình lòng chảo có hơn 20 bậc ngồi với sức chứa 20.000 chỗ. Phía tây dọc phố Trịnh Hoài Đức là khán đài A có mái che chiếm 2/3 chiều dài phố Trịnh Hoài Đức. Dưới khán đài có 128 phòng dùng cho sinh hoạt, ăn ở, tập luyện, vệ sinh của VĐV... Cấu trúc này vẫn giữ nguyên cho đến nay với một số nâng cấp được thực hiện vào những năm 1990.

Sân vận động Hàng Đẫy đang bị xuống cấp. Ảnh: GIANG LÝ.

Trước khi có SVĐ Quốc gia Mỹ Đình, Hàng Đẫy là nơi tổ chức các trận thi đấu của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam cũng như các đội tuyển  Olympic. Đây cũng là nơi tổ chức nhiều sự kiện thể thao, văn hóa của Hà Nội và Việt Nam. Năm 1998, các trận khai mạc, bảng B và chung kết Cúp Tiger đã diễn ra tại đây.

Không chỉ là một SVĐ, Hàng Đẫy còn là "sân nhà" của nhiều đội bóng trên địa bàn Hà Nội tham dự các giải đấu quốc gia, quốc tế.

Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm gần đây, SVĐ Hàng Đẫy bị xuống cấp nghiêm trọng, dặc biệt là từ năm 2016 xuất hiện sụt lún, đứt gãy ở điểm nối giữa các khu vực trên khán đài A, B, khiến Ban quản lý sân phải dựng biển báo “Khu vực nguy hiểm, cấm ngồi”. Liên đoàn Bóng đá châu Á không cho Câu lạc bộ Hà Nội FC tổ chức các trận đấu thuộc AFC Cup 2017 tại SVĐ Hàng Đẫy với lý do không đạt chuẩn về an toàn.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đã phải quyết định hạn chế bán vé vào sân do lo ngại về sự an toàn khi lượng cổ động viên quá đông mà các khán đài bị nứt, sụt lún nghiêm trọng sẽ rất nguy hiểm.

Yêu cầu cấp bách để phục vụ SEA Games 31

Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức SEA Games 31 vào năm 2021 thay cho Campuchia do quốc gia này không đủ điều kiện để tổ chức. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian tổ chức SEA Games 31 (khoảng 17 ngày) và Para Games 11 (khoảng 11 ngày), từ tháng 10 đến tháng 12-2021; SEA Games 31 có khoảng 16.000 người tham dự và Para Games khoảng 4.000 người.

Để phục vụ SEA Games 31, tại Hà Nội hiện chỉ có 2 SVĐ có quy mô đáp ứng được nhu cầu là SVĐ Quốc gia Mỹ Đình và SVĐ Hàng Đẫy. Tuy nhiên hiện nay, SVĐ Hàng Đẫy đã xuống cấp nghiêm trọng, nếu không xây mới hoặc sửa chữa lớn thì không thể đáp ứng được tiêu chuẩn về an toàn.

Mô hình sân vận động Hàng Đẫy mới. Ảnh : GIANG LÝ.

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ của UBND TP Hà Nội, cơ quan này cho biết, theo kế hoạch, SVĐ Hàng Đẫy sẽ được xây mới trên khu đất hiện tại với sức chứa 20.000 chỗ ngồi, cao 35m, 4 tầng hầm liên thông khu vực lập dự án. Khu nhà thi đấu đa năng có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, được xây dựng trên ô đất rộng 6.938m2. Công trình cao 8 tầng, 1 tum còn có chức năng kết hợp thương mại với văn phòng.

Theo chủ trương đầu tư, dự án xây mới SVĐ Hàng Đẫy sẽ được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, nhà đầu tư tự thu xếp 100% vốn thực hiện dự án, số tiền đầu tư dự kiến là 250 triệu euro (khoảng 6.309 tỷ đồng).

UBND TP Hà Nội cho biết, do dự án có số vốn đầu tư lớn, thuộc lĩnh vực thể thao được khuyến khích xã hội hóa và cần triển khai trong vòng 36 tháng để kịp phục vụ SEA Games 31 nên “dự án là trường hợp đặc biệt, đặc thù, cần triển khai nhanh”. Do đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chấp thuận cơ chế triển khai dự án theo thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm I, khoản 2, điều 118 Luật Đất đai và nhà đầu tư được phép triển khai thủ tục quyết định chủ trương đầu tư là Tập đoàn T&T. Dự án sử dụng diện tích hơn 3,2ha đất vốn là đất công đang được giao cho một số cơ quan, đơn vị Nhà nước sử dụng, quản lý. Do đó, việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công được thực hiện theo phương án “hình thức khác” (quy định tại điều 7 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP).

Theo ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự án  SVĐ Hàng Đẫy được xây dựng trên cơ sở đất của Nhà nước nên thực hiện theo quy định về quản lý và sử dụng tài sản công. Thẩm quyền quyết định trường hợp này là của Thủ tướng.

Thương vụ đầu tư mạo hiểm

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, việc xây mới SVĐ Hàng Đẫy không giống với các dự án xây dựng, bất động sản khác nên cơ chế xét duyệt cho việc chọn chủ đầu tư cũng phải có sự khác biệt. Điều quan trọng nhất khi triển khai dự án này là cần chọn được chủ đầu tư phù hợp, có tâm huyết với bóng đá và có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm triển khai để vận hành sao cho hiệu quả. Với các tiêu chí này thì việc UBND TP Hà Nội chọn Tập đoàn T&T (T&T Group) làm chủ đầu tư là hoàn toàn khả thi, bởi khả năng tài chính của tập đoàn này và “ông bầu” của Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội cũng chính là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T. Trên thế giới, mô hình ông chủ câu lạc bộ đứng ra xây dựng, quản lý sân bóng của câu lạc bộ là rất phổ biến. Theo quy hoạch, kiến trúc của SVĐ Hàng Đẫy mới thì đây không chỉ đơn thuần là SVĐ phục vụ thể thao mà còn có các công trình gắn với SVĐ như trung tâm thương mại, các dịch vụ tiện ích phục vụ người dân thường xuyên chứ không phải chỉ hoạt động khi có các trận đấu. Tuy nhiên, nếu xét về lợi ích thương mại cũng sẽ không nhiều, bởi nếu doanh nghiệp bỏ ra 6.000-7.000 tỷ đồng đầu tư, rồi đi “nhặt tiền lẻ” hàng năm bằng việc thu phí dịch vụ cho thuê sân, hay khai thác mặt bằng trung tâm thương mại thì sẽ phải mất rất lâu mới thu hồi được vốn, chưa nói đến có lợi nhuận.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, việc xây dựng lại SVĐ Hàng Đẫy của T&T Group là một thương vụ đầu tư mạo hiểm, bởi thực tế trên thế giới đang cho thấy, lợi nhuận từ các dự án như thế này có thể là con số 0, hoặc nếu có thì rất thấp và thời gian để có thể thu hồi vốn trung bình từ 40 năm trở lên. Vậy lý do gì khiến bầu Hiển lại dám mạo hiểm bỏ ra 250 triệu euro để đầu tư?

Trả lời câu hỏi trên của chúng tôi, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, ông đề xuất đầu tư SVĐ Hàng Đẫy trước hết bởi tình yêu thể thao, đặc biệt là bộ môn bóng đá. Ông Hiển nói: “Công trình là để phục vụ cho văn hóa, thể thao, cho xã hội chứ có phải để làm nhà ở hay kinh doanh gì đâu. SVĐ Hàng Đẫy có truyền thống về bóng đá, nhưng nhiều năm qua xuống cấp mà thành phố phải bù lỗ, không có tiền để đầu tư, cải tạo lại. Vì yêu bóng đá thì chúng tôi làm thôi chứ hiệu quả kinh tế thì nói thật là không có đâu, chỉ bỏ bạc cục đi thu tiền lẻ thôi”.

Một lý do khác nữa, Hà Nội là nơi khởi nghiệp của doanh nhân Đỗ Quang Hiển nên ông dành tình yêu rất lớn cho mảnh đất này; Tập đoàn T&T của ông cũng luôn đồng hành cùng Thủ đô. Việc được giao thực hiện dự án xây mới SVĐ Hàng Đẫy sẽ phần nào hiện thực hóa mong muốn của cá nhân doanh nhân Đỗ Quang Hiển muốn có những công trình để đời, đóng góp cho Thủ đô. Chính vì ước muốn này mà trong thời gian qua, ông Hiển đã mời các nhà thiết kế, các đối tác chiến lược hàng đầu thế giới để tư vấn, lập phương án xây dựng SVĐ Hàng Đẫy bảo đảm mục tiêu hoạt động mà UBND TP Hà Nội đã đề ra. Tháng 3-2018, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Pháp, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Pháp tại Việt Nam và Chủ tịch Hiệp hội Giới chủ Pháp MEDEF, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Bouygues (Pháp) cũng đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển dự án nâng cấp mở rộng SVĐ Hàng Đẫy. Được biết, Bouygues là một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mang tầm quốc tế. Tập đoàn Bouygues cam kết hợp tác với Tập đoàn T&T trong thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì, hỗ trợ thu xếp vốn và đầu tư cho các dự án của T&T.

"Một số ý kiến lo ngại giao SVĐ Hàng Đẫy cho doanh nghiệp là giao “đất vàng”, nhưng tôi cho rằng việc giao T&T Group triển khai dự án chính là trả lại giá trị và mang lại ý nghĩa đích thực cho mảnh "đất vàng" này". (Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh)

 ĐỖ PHÚ THỌ