Việc tổ chức đón công dân được coi là việc làm ý nghĩa, góp phần giảm gánh nặng chống dịch lên TP Hồ Chí Minh, đồng thời, tạo điều kiện cho công dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh được trở về quê hương. Tuy nhiên, hiện nay, việc tổ chức đón công dân tại các địa phương đang có sự không thống nhất, nhiều địa phương lúng túng trong việc triển khai, một số địa phương lại quyết định chưa đón công dân về vì cho rằng như thế là vi phạm Chỉ thị 16.
Anh P.T.Đ, công dân thuộc địa bàn tỉnh Yên Bái đưa cả gia đình vào TP Hồ Chí Minh để mở quán nước từ tháng 5-2021. Không may, cuộc sống tại nơi ở mới chưa kịp ổn định thì dịch Covid-19 bùng phát. Cả gia đình anh gồm hai vợ chồng, hai con nhỏ, một cháu sinh năm 2005, một cháu sinh năm 2015 lâm vào cảnh thất nghiệp.
 |
Cán bộ y tế và tình nguyện viên sẵn sàng lên đường đón công dân Quảng Nam về quê tránh dịch, sáng 21-7. Ảnh: TTXVN. |
Khu vực anh Đ ở là vùng phong tỏa, cách ly. Số tiền dành dụm cạn kiệt dần, gia đình anh đối mặt với nguy cơ thiếu đói. “Dù có nhiều đoàn thiện nguyện hỗ trợ khu vực gia đình tôi ở nhưng vì chưa đăng ký tạm trú, tạm vắng, chúng tôi không được phát giấy chứng nhận của phường nên không thể nhận đồ cứu trợ”, anh Đ trải lòng.
Sống lay lắt hơn một tháng qua bằng nguồn hỗ trợ ít ỏi của người em họ với gạo và rau, cùng một mạnh thường quân cùng quê giúp đỡ 500.000 đồng, đến giờ, gia đình anh Đ sắp không còn khả năng duy trì cuộc sống. “Không chỉ gia đình tôi, nhiều người ở Hội đồng hương tỉnh tôi đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh cũng rơi vào cảnh khó khăn, bần cùng do dịch bệnh. Mong muốn duy nhất của chúng tôi bây giờ là được chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ phương tiện trở về quê hương. Nhiều người vì rơi vào cảnh khốn cùng đang bàn nhau sẽ đi xe máy về quê”, anh Đ ngậm ngùi. Đó là cách họ học theo đoàn hơn 300 chiếc xe máy của người dân mấy tỉnh Tây Nguyên trở về cố hương.
Trước hoàn cảnh bĩ cực của gia đình anh Đ, đem mong muốn của anh Đ cùng nhiều người trao đổi với lãnh đạo tỉnh Yên Bái, chúng tôi được biết, tỉnh đã nắm được một số hoàn cảnh khó khăn của công dân đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thời điểm hiện tại, tỉnh chưa thể đón công dân trở về. “Tỉnh sẽ giao các huyện, thị, thành phố thống kê từng trường hợp cụ thể và có giải pháp đối với từng trường hợp”, lãnh đạo tỉnh Yên Bái khẳng định.
Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phía Nam nghe báo cáo về tình hình thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã khẳng định, các địa phương cần chủ động, có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, đưa đón công dân về địa phương chu đáo an toàn, không nên để bị động, với tinh thần cùng cộng đồng trách nhiệm. Các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền người dân tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch của chính quyền địa phương đang sinh sống; đồng thời, tổ chức đăng ký, thông báo công khai để người dân biết, tuyệt đối không để tình trạng: Do không tổ chức được mà người dân phải vi phạm các quy định để tìm đường về quê. Khi trở về quê, đồng bào sẽ được chuẩn bị chu đáo từ việc đăng ký, kê khai dịch tễ, xét nghiệm, tổ chức cách ly theo quy định…
Thực tế hiện nay, rất nhiều địa phương đã triển khai, hoặc lên kế hoạch việc đưa đón công dân trở về quê hương. Tỉnh có điều kiện hoặc để giải quyết nhu cầu cấp bách đã thuê máy bay, tỉnh thì thuê các chuyến tàu hỏa, xe ô tô… Việc đón đồng bào xa xứ trong hành trình trở về quê nhà là hành động thiết thực; thể hiện tinh thần nhân văn, nhân ái, đoàn kết trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trước thực tế, còn rất nhiều công dân đang gặp khó khăn do dịch bệnh, mong muốn duy nhất là được trở về quê hương, hy vọng rằng, từ chỉ đạo của đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ, các địa phương sẽ nhanh chóng lên kế hoạch chi tiết, đảm bảo đón công dân về địa phương an toàn, không để bất kỳ công dân nào phải thiếu đói, “bơ vơ” giữa mùa dịch.
HỒNG UYÊN