Phóng viên (PV): Nhắc đến Tu Mơ Rông ai cũng nghĩ đó là huyện nghèo, khó khăn chồng chất, còn thời cơ và thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội thì như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Võ Trung Mạnh: Đúng là huyện Tu Mơ Rông còn nhiều khó khăn khi có trên 95% dân số là người dân tộc Xơ Đăng. Địa hình đồi núi, dốc cao và chia cắt; hằng năm bị thiệt hại do thiên tai lớn. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, phương thức canh tác lạc hậu. Hạ tầng giao thông xuống cấp, một số xã có diện tích trồng sâm Ngọc Linh lớn thì nằm trong khu vực CT 229 nên không được tổ chức các hoạt động du lịch, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư, quảng bá sản phẩm... trong khi đó, một số đối tượng lợi dụng thương hiệu Sâm Ngọc Linh để mua, bán sâm giả, gây tổn hại lớn cho doanh nghiệp và người dân trồng sâm Ngọc Linh.
Bên cạnh những khó khăn đó, huyện Tu Mơ Rông cũng có những lợi thế như: Được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đầu tư nguồn lực theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu xây dựng huyện Tu Mơ Rông thành một trong những vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước, là trung tâm kết nối, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, lịch sử của tỉnh Kon Tum... Đây là một trong những thế mạnh, là mũi nhọn ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Xơ Đăng.
PV: Đồng chí nói rõ hơn những chủ trương, giải pháp phát huy thế mạnh, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Xơ Đăng?
Đồng chí Võ Trung Mạnh: Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã xác định phương châm phát triển kinh tế của huyện là: Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng kết hợp với du lịch. Trên cơ sở đó ưu tiên đầu tư và đề nghị đầu tư các công trình, dự án quan trọng, có tính kết nối, phát triển giữa các vùng, các ngành, lĩnh vực; các dự án chống biến đổi khí hậu, khắc phục thiên tai, hạn hán, bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất.
Đẩy mạnh phát triển dược liệu và những sản phẩm chủ lực mang lợi thế cạnh tranh gắn với phát triển du lịch bằng các giải pháp cụ thể như: Hoàn thành quy hoạch phát triển cây dược liệu và các loại cây ăn quả trên địa bàn; lồng ghép có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn để hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích, nâng cao năng suất. Kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư liên kết trồng, thu mua, bảo quản, chế biến dược liệu và các sản phẩm chủ lực của huyện; đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu, du lịch văn hóa-lịch sử. Tổ chức các phiên chợ, hội thi quốc tế về ẩm thực với chủ đề “Ẩm thực, dược liệu-Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh”, trong đó, lần thi thứ 2 năm 2024 đã xác lập kỷ lục quốc gia về 120 món ăn chế biến từ Đẳng Sâm trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Cùng với đó là triển khai quyết liệt Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”; phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình gia đình, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác... để đa dạng hóa sinh kế, tăng thu nhập cho đồng bào Xơ Đăng.
|
|
Trung tâm huyện Tu Mơ Rông. Ảnh Hữu Nam |
PV: Những giải pháp đó mang lại kết quả như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Võ Trung Mạnh: Có thể khẳng định, huyện Tu Mơ Rông đã đi đúng hướng và có giải pháp đồng bộ, phù hợp, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Xơ Đăng. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều toàn huyện giảm 10,50%; hộ nghèo còn lại 2.297/7.050 hộ, chiếm tỷ lệ 32,58% tổng số hộ toàn huyện. Chỉ tính riêng 3 xã chuyên trồng dược liệu là: Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây có hơn 100 hộ được xếp vào diện nông dân tiêu biểu, có thu nhập mỗi năm từ 500 triệu đồng đến trên 10 tỷ đồng.
Đặc biệt, hiện nay, huyện đã trồng được 2.390,66ha cây sâm Ngọc Linh; hơn 1.508ha các loại cây dược liệu khác như sâm dây, sơn trà, ngũ vị tử... Phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Kon Tum tạo điều kiện cho nhiều tập đoàn, công ty, doanh nghiệp có tiềm lực đến khảo sát, tìm cơ hội đầu tư tại huyện như: Công ty TNHH Đồi tre xanh; Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Thắng Lợi; Công ty TNHH Chăn nuôi công nghệ cao Tây Nguyên; Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom); Công ty TNHH Capella Group... kêu gọi đầu tư các dự án: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm vườn dược liệu sâm Ngọc Linh tại xã Đăk Na; Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp thương mại dịch vụ trung tâm huyện Tu Mơ Rông; Dự án du lịch sinh thái thác Tea Rông... hứa hẹn mang đến cho đồng bào Xơ Đăng nhiều sinh kế, nhiều cơ hội thoát nghèo.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN ANH SƠN (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.