Quần đảo Nam Du nằm cách TP Rạch Giá (Kiên Giang) khoảng 80km, gồm 21 đảo lớn nhỏ. Hiện nay, mỗi ngày có 4 chuyến tàu từ TP Rạch Giá đến hòn Củ Tron-đảo lớn nhất trong quần đảo, thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải; cuối tuần thì có 6 chuyến. Đến hòn Củ Tron hôm nay, ít ai nghĩ rằng nơi đây từng phải gánh chịu hậu quả nặng nề do cơn bão số 5 gây ra vào ngày 2 và 3-11-1997. Cho đến nay, nhiều người dân vẫn còn sợ hãi khi kể lại thời khắc cơn bão ập đến và cảnh tượng hoang tàn khi nó quét qua. Cách không xa cầu cảng Nam Du, một tấm bia tưởng niệm những nạn nhân bị thiệt mạng do cơn bão số 5 đã được dựng lên. Nội dung phía sau tấm bia ghi ngắn gọn nhưng đầy đau xót: “Trên đất, biển Kiên Giang vào ngày 2, 3 tháng 11 năm 1997, cơn bão số 5 đã làm thiệt hại: Chết 460 người (397 trong tỉnh, 63 ngoài tỉnh); bị thương 335 người; tàu chìm 2.383 (2.184 chiếc bị chìm, 199 chiếc mất tích); nhà sập 3.210 cái, bị tốc mái 20.537 cái. Tính ra tiền là 1.515,66 tỷ đồng. Toàn dân đời đời tưởng niệm những người tử nạn vì cơn bão số 5”.

Một góc hòn Củ Tron, quần đảo Nam Du hôm nay.

Ông Lê Quốc Toàn (70 tuổi), người dân ở ấp Bãi Ngự, xã An Sơn tâm sự: “Ba cha con tôi đang câu thu ở gần đảo Thổ Chu thì nghe tin bão ập đến nên cho ghe chạy hết tốc lực vào đảo Thổ Chu tránh, trú và may mắn sống sót. Sau trận bão ấy, chúng tôi đã cảnh giác hơn và không còn chủ quan trước tin cảnh báo bão hay diễn biến bất thường của thời tiết. Các chủ tàu, thuyền cũng chủ động mua sắm phao cứu sinh, trang thiết bị vô tuyến, viễn thông để nhanh chóng tiếp nhận thông tin thời tiết trên mọi vùng biển”. Anh Huỳnh Văn Tho, ngư dân ở ấp Củ Tron, xã An Sơn cho biết: “Đi biển tuy vất vả, nguy hiểm nhưng nó đã ăn vào máu ngư dân chúng tôi rồi. Với lại, bây giờ có các thiết bị cảnh báo bão sớm, thiết bị thông tin liên lạc, các lực lượng hỗ trợ nên chúng tôi cũng yên tâm hơn mỗi khi vươn khơi”.

Song giờ đây ở quần đảo Nam Du, người dân không chỉ biết vươn khơi đánh bắt hải sản, mà còn kết hợp phát triển du lịch. Với 21 đảo lớn nhỏ cùng nhiều cảnh đẹp tự nhiên vẫn giữ nét hoang sơ, quần đảo Nam Du được mệnh danh là “Hạ Long phương Nam” đang trở thành điểm du lịch khám phá hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Khoảng thời gian đẹp nhất để đến tham quan, khám phá đảo Nam Du kéo dài từ tháng 11 đến hết tháng 5 năm sau. Đây là thời điểm biển êm và trong xanh.

Có du lịch, hệ thống giao thông trên đảo ngày một tốt hơn, giúp người dân và du khách đi lại thuận tiện. Ngoài ra, du lịch cũng giúp người dân xã An Sơn có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Nhiều hộ dân đã chuyển hẳn sang kinh doanh các dịch vụ du lịch, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách. Nhiều nhà đầu tư tiềm lực đã tới và quần đảo Nam Du đang dần xuất hiện những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, hứa hẹn giúp du lịch nơi đây phát triển, tiến xa hơn nữa. Theo đánh giá của UBND xã An Sơn, năm 2018, hoạt động kinh doanh thương nghiệp-dịch vụ của xã có mức tăng trưởng khá, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cũng trong năm, lượng khách đến tham quan du lịch đạt 148.464 lượt (tăng 28.879 lượt khách so với năm 2017), giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ du lịch trong năm đạt 416 tỷ đồng, tăng 61,2 tỷ đồng so với năm 2017. Hiện nay, toàn xã có 69 nhà trọ, nhà nghỉ với 539 phòng và 21 phương tiện đường thủy, 8 ô tô khách và hơn 2.000 xe mô tô bảo đảm phục vụ nhu cầu cho khách đến tham quan du lịch.

Ông Phạm Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: “Năm 2019, chúng tôi khuyến khích các hộ kinh doanh đa dạng hóa những mặt hàng nhu yếu phẩm, nhất là các sản phẩm du lịch, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng, sản xuất của người dân và phát triển du lịch một cách bền vững. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại các khu du lịch, như: Bãi Cây Mến, bãi Đất Đỏ...; đầu tư phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, tắm biển, lặn ngắm san hô, mô hình du lịch cộng đồng, tạo cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái biển, đảo gắn với bảo vệ môi trường”.

Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN