Bến phà Tân Long (nối liền huyện Tân Phú Đông với xã Long Bình, huyện Gò Công Tây) là một trong những bến phà có tải trọng lớn nhất khu vực này. Trung bình cứ 15-20 phút có một chuyến phà, mỗi chuyến có thể vận chuyển hàng chục chiếc xe máy, xe đạp, 2-3 chiếc ô tô cùng nhiều hành khách. Có mặt trên chuyến phà này, theo quan sát của phóng viên, nhiều áo phao đã được chủ phà treo hai bên thành phà, tuy nhiên không người dân nào sử dụng, kể cả người già và trẻ nhỏ.

Người dân không mặc áo phao khi đi phà tại bến Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

Anh Trần Thanh Thiện, 30 tuổi, ở xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông) cho biết, người dân nơi đây đi phà mà không mặc áo phao là chuyện rất phổ biến. Sinh sống tại vùng sông nước nên hầu như ai cũng biết bơi, vì vậy, việc mặc áo phao với họ là "không cần thiết". “Nhiều năm ở đây, tôi chưa từng chứng kiến vụ chết đuối nào khi đi phà cả, hơn nữa, phà di chuyển chỉ 10 phút là tới bờ, mặc áo phao chỉ làm vướng víu và mất thời gian”-anh Thiện biện bạch.

Cũng như bến phà Tân Long, bến phà Tân Thạnh (nối liền xã Tân Phú với xã Tân Thạnh) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Thậm chí, những chuyến phà tại bến này còn không trang bị áo phao mà chỉ có vài chiếc phao tròn cứu sinh. Trao đổi với một chủ phà, chúng tôi nhận được lời giải thích: Trước đây trên phà có trang bị áo phao, nhưng do người dân không dùng đến nên đã cất đi cho gọn, khi nào cần thiết sẽ đem ra sử dụng.

Việc người dân đi phà không mặc áo phao là hết sức nguy hiểm. Thực tế đã có nhiều vụ chìm phà, tàu tại Việt Nam lấy đi tính mạng của nhiều người. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân và tuân thủ quy định của pháp luật, người dân cần ý thức việc sử dụng áo phao khi đi phà. Đồng thời, chủ các phương tiện cần phải trang bị đủ áo phao và thường xuyên nhắc nhở hành khách mặc áo phao đúng quy cách.

Bài và ảnh: LA DUY