Có nhiều người cho rằng, cứ đạt đến độ 18 tuổi trở ra thì đã là người lớn, người trưởng thành rồi. Đúng là theo Bộ luật Dân sự năm 2015, người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Thế nhưng trưởng thành nếu chỉ hiểu theo nghĩa về độ tuổi và pháp lý thì mới đúng một phần. Tức là con người mới chỉ có sự lớn lên đơn thuần về mặt thể xác, về mặt sinh lý học, còn về mặt nhận thức, hành động, ý chí thì chưa hẳn đã được gọi là trưởng thành.

Lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 324 trao đổi, nắm tâm tư bộ đội chuẩn bị xuất ngũ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1. Ảnh: PHÙNG NGỌC THĂNG 

Một lần, tôi tình cờ bắt gặp hai hành động hoàn toàn trái ngược nhau thế này: Nhân lúc trời đã nhá nhem, một người nhìn đã luống tuổi len lén cầm túi rác bỏ dưới bức tường của khu tập thể rồi đi vào nhà với vẻ mặt khá thoải mái, mặc dù ngay trên bức tường đó có dán biển đề “Cấm đổ rác” rất to. Tầm 10 phút sau, cũng tại nơi đó, một cậu học sinh vẫn còn khoác trên mình chiếc áo đồng phục THPT đạp xe ngang qua, bỗng nhiên dừng lại. Sau một hồi suy nghĩ, cậu học sinh đó đã cầm túi rác lên, quay ngược xe lại và để vào đúng nơi đổ rác được quy định, chỉ cách đó khoảng 30m. Chứng kiến sự việc này, trong tôi chợt nảy những suy nghĩ: “Trong trường hợp này, bác trung niên kia có thực sự là người trưởng thành? Và cậu học sinh kia có thực sự là trẻ con?”.

Trưởng thành ở đây thật sự không đến từ tuổi tác, ngoại hình, giới tính hay địa vị xã hội, mà nó được thể hiện thông qua lời nói, cử chỉ, cách suy nghĩ và thái độ đối với cuộc sống. Không thể nói một người 47 tuổi là đã trưởng thành, cũng như không thể đánh giá một người còn trẻ con chỉ vì người đó mới 17 tuổi. Một người trưởng thành là người có những suy nghĩ chín chắn và biết cư xử phù hợp với hoàn cảnh, luôn có trách nhiệm với chính bản thân mình cũng như với mọi người xung quanh và cộng đồng.

Và để trở nên trưởng thành, không hề dễ dàng. Trưởng thành không thể đạt được trong một sớm một chiều, mà là cả một quá trình, một chặng đường dài chúng ta phải từng bước trải qua, trải nghiệm và rút ra kinh nghiệm sống cho bản thân. Mỗi lần chúng ta cố gắng, nỗ lực vượt qua những khó khăn, gian khổ, đứng dậy sau những lần vấp ngã; mỗi lần chúng ta bớt đi sự ích kỷ cá nhân, quan tâm hơn tới những người xung quanh; mỗi lần chúng ta chịu trách nhiệm với những điều bản thân làm... Con đường đến với sự trưởng thành sẽ ngày càng rút ngắn dần.

Đoạn đường trưởng thành tuy thật nhiều chông gai nhưng chào đón chúng ta nơi cuối con đường sẽ là những thành công, được mọi người yêu mến, ghi nhận. Chúng ta, ai rồi cũng sẽ phải trưởng thành và cần phải luôn rèn luyện, phấn đấu thật nhiều để đủ mạnh mẽ, hiên ngang bước đi trên đôi chân của chính bản thân mình.

TRẦN ANH MINH