Phóng viên (PV): Anh có thể chia sẻ về quãng thời gian trong quân ngũ của mình?

Luật sư Đặng Văn Cường: Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi làm nhiều nghề để kiếm sống. Tuy nhiên, cuộc sống lao động vất vả, không có định hướng khiến tôi nghĩ rằng mình cần một môi trường thực sự lành mạnh, có kỷ luật nhằm rèn luyện bản thân cũng như tạo động lực để xây dựng và thực hiện ước mơ. Năm 2000, tôi xung phong nhập ngũ, được điều về Tiểu đoàn Tên lửa 82, Trung đoàn 238, Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không-Không quân). Đối với tôi, những năm tháng trong quân ngũ là quãng thời gian không bao giờ quên. Đến nay, tôi và các đồng đội ở đơn vị cũ vẫn giữ liên lạc, thường xuyên gặp mặt, ôn lại kỷ niệm. Tôi vẫn nhớ những ngày đầu kiên trì rèn luyện điều lệnh đội ngũ; trên thao trường, bộ quân phục K82 luôn ướt đẫm mồ hôi. Môi trường quân ngũ đã góp phần quan trọng để tôi xây dựng được tác phong, bản lĩnh khi hành nghề luật sư. Nhiều lúc nghĩ lại, nếu không có những năm tháng trong quân ngũ, không biết tôi có đủ bản lĩnh, nghị lực và niềm đam mê để theo đuổi nghề luật sư, để vượt qua những khó khăn trong đời sống hay không? Đến nay, tôi luôn tự hào về những năm tháng là quân nhân, được rèn luyện trong môi trường quân ngũ mà chúng tôi vẫn hay đùa nhau là “trường đại học tổng hợp”.

Luật sư Đặng Văn Cường tham gia phiên tòa ngày 16-1-2021 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Ảnh do nhân vật cung cấp. 


PV: 
Từ thực tế của bản thân, anh suy nghĩ thế nào về kỷ luật quân đội?

Luật sư Đặng Văn Cường: Nói đến kỷ luật thì tôi nhớ đến một câu danh ngôn rất ý nghĩa: “Khi bạn nghiêm khắc với bản thân, cuộc sống tự nhiên sẽ dễ dàng. Khi bạn dễ dàng với bản thân, cuộc sống tự nhiên sẽ khó khăn”. Trải qua cuộc sống quân ngũ, tôi càng nhận thức rõ hơn vai trò của kỷ luật. Không ai sinh ra đã có bản lĩnh mà cần phải được rèn luyện trong môi trường kỷ luật thì mới trưởng thành. Cấp trên trong đơn vị thường nhắc nhở chúng tôi mỗi khi tập luyện rằng: "Nếu không giỏi hơn người khác thì phải có kỷ luật hơn người khác". Khi kỷ luật trở thành thói quen, cách sống, thì tính cách và trí tuệ của ta sẽ trở nên hoàn thiện hơn. Kỷ luật chính là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu.

Tôi biết, trong thực tế cũng còn một số bạn có tâm lý ngại nhập ngũ vì cho rằng sẽ phải sống trong môi trường “kỷ luật thép”. Nhưng hãy tin tôi, trong môi trường quân đội, các bạn sẽ rèn luyện được bản lĩnh, tác phong, ý chí. Cha ông ta có câu: “Muốn tròn phải có khuôn, muốn vuông phải có thước”. Khi được rèn luyện, học tập, sinh hoạt trong một môi trường có tính kỷ luật thì chắc chắn mỗi chúng ta sẽ trưởng thành hơn. Mặt khác, nói là “kỷ luật thép” nhưng tôi nhận thấy, đó chính là việc chúng ta đang tự bồi dưỡng, tự hoàn thiện bản thân mình; là ý thức, là những hành động tất yếu phải thực hiện và nằm trong khả năng của mỗi chúng ta. Thực tế, hầu hết đồng đội của tôi trong quân ngũ đều thực hiện tốt kỷ luật. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội, nhờ có sức mạnh đó mà Quân đội ta đã chiến thắng nhiều kẻ thù; rèn luyện nên những người lính không ngại gian lao, không quản khó khăn, luôn vững vàng tiến lên phía trước.

PV: Anh có chia sẻ gì về việc rèn luyện, chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội, nhất là với thanh niên hiện nay?

Luật sư Đặng Văn Cường: Mỗi người chỉ có một cuộc đời, nên hãy sống sao để không hoài, không phí. Theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nếu đủ điều kiện và không thuộc trường hợp tạm hoãn hoặc miễn thì đều phải lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Thanh niên được phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật là rất cần thiết để bước vào đời. Khi nắm vững, hiểu biết pháp luật và sống có kỷ luật thì mới có thể vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống, thực hiện được mục tiêu của bản thân. Tôi luôn biết ơn quân đội cũng như khoảng thời gian tại ngũ. Đó là một phần của cuộc sống và là cái nôi, bước đệm cho thành công ngày hôm nay của tôi. 

LINH AN (thực hiện)