Vào ngày 3-1, CSGT Công an thị xã Kỳ Anh đã bắt đối tượng Nguyễn Văn Hùng vận chuyển 30 hộp pháo nổ trọng lượng gần 20kg. Trước đó, trong ngày 1-1, BĐBP Hà Giang đã bắt Ma Văn Hồng ở xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc, Hà Giang) vận chuyển 58 thùng pháo có trọng lượng 1.200kg qua biên giới. Ngày 30-12, Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bắt 3 đối tượng đang vận chuyển 3 hộp pháo hoa, mỗi hộp 51 quả. Xa hơn, vào ngày 21-12-2016, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 3 (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) bắt giữ một đối tượng 16 tuổi vận chuyển 8kg pháo nổ.
Một đối tượng và tang vật là pháo nổ bị Bộ đội Biên phòng Hà Giang bắt giữ ngày 1-1-2017.
Cầu nhiều ắt có cung. Do hiếm hàng, lợi nhuận cao nên các đối tượng nghĩ ra nhiều thủ đoạn, trốn tránh cơ quan chức năng, đưa pháo nổ vào nội địa. Thế nên, việc cơ quan chức năng liên tục phát hiện vận chuyển pháo nổ dịp giáp Tết là dễ hiểu.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là, dù Chính phủ đã ban hành chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán, đốt pháo và được xã hội ủng hộ, thực hiện tốt từ nhiều năm. Song gần đây, tình trạng đốt pháo dịp Tết, ngày lễ hội... ở các địa phương tăng đột biến. Điển hình là hiện tượng xác pháo đỏ đường dịp Tết 2016 ở Diễn Châu (Nghệ An) và Tết 2015 tại Hải Dương, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc. Hậu quả, theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ riêng ngày 29 đến 5 Tết Bính Thân 2016, cả nước có 98 trường hợp chấn thương phải nhập viện do pháo nổ, tăng gấp 2 lần so với cùng thời điểm Tết năm 2015.
Hằng năm, trước Tết, tổ chức Đảng, chính quyền các địa phương trong cả nước đều tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ký cam kết không đốt pháo. Thế nhưng, nhiều đối tượng “lách” quy định, mang pháo ra nơi công cộng (đường quốc lộ, công viên, khu đất trống...) để đốt. Thậm chí, có đối tượng còn lợi dụng đình, đền, chùa và lễ hội ở địa phương để... gây tiếng nổ cho “sướng tai”. Việc này khiến chính quyền và lực lượng chức năng rất khó xử lý. Đặc biệt, một số trang tin điện tử đăng diễn đàn về suy nghĩ, hoài niệm tiếng pháo dịp Tết. Nguy hiểm hơn, lấy lý do các nước láng giềng đã bãi bỏ cấm đốt pháo nên một vài trang tin điện tử tự cho mình quyền lấy ý kiến người dân xem có nên đốt pháo Tết hay không?
Hậu quả từ đốt pháo dịp Tết đã rõ. Thế nhưng, để không còn hiện tượng đốt pháo dịp Tết cổ truyền thì không hề dễ. Thiết nghĩ, ngoài các biện pháp mà tổ chức Đảng, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng, truyền thông trong toàn quốc đang thực hiện thì cũng cần triển khai mạnh và đồng bộ hơn nữa các biện pháp. Theo đó, lực lượng chức năng các địa phương cần nắm chắc đối tượng có hành vi, biểu hiện khả nghi; tăng cường ứng trực, mật phục, bắt quả tang cá nhân cố tình đốt pháo để xử lý. Tổ chức Đảng, chính quyền các địa phương nên động viên người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng để giáo dục, thuyết phục thanh, thiếu niên, nâng cao ý thức, xây dựng nếp sống văn hóa, chấp hành quy định và cam kết không đốt pháo.
Tết cổ truyền sum họp, hạnh phúc, may mắn, là quốc hồn, quốc túy, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cần lưu giữ. Tuy nhiên, tập tục đốt pháo dịp Tết đã không còn phù hợp với nếp sống văn minh trong xã hội hiện đại. Mặt khác việc đốt pháo cũng gây ra lãng phí, tốn kém và để lại hậu quả xấu, thậm chí gây thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân.
Thế nên, mỗi người, mỗi gia đình cần nói không với đốt pháo. Như thế, Tết mới vui, mới nhiều ý nghĩa.
MẠNH THẮNG