Nhiều nhóm thanh niên sử dụng mạng xã hội để kêu gọi, lên lịch tụ tập đua xe. Địa điểm hẹn gặp được các đối tượng thường xuyên thay đổi, không theo quy luật, có sự phân chia người để cảnh giới lực lượng chức năng. Khi không thấy lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) theo dõi xử lý thì các đối tượng nhanh chóng báo trên "nhóm kín" để đến điểm hẹn, sau đó nhanh chóng rút đi khi nghi ngờ hoặc phát hiện có lực lượng chức năng đến xử lý. Tại các tỉnh, thành phố phía Nam, người dân rất lo ngại khi phải ra đường vào đêm khuya vì các nhóm “quái xế” lạng lách, đánh võng, chạy xe với tốc độ cao. Đáng báo động là các nhóm đua xe sẵn sàng lao thẳng vào lực lượng CSGT khi bị ngăn chặn.
 |
Lực lượng cảnh sát giao thông ra quân triển khai kế hoạch cao điểm phòng, chống đua xe trái phép. |
Ngày 18-4 vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, một nhóm thanh niên đã liều lĩnh chặn đường dẫn vào cao tốc TP Hồ Chí Minh-Dầu Giây để đua xe. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án để điều tra. Động thái này tưởng sẽ khiến các “quái xế” chùn bước. Thế nhưng, sau đó một nhóm thanh niên khác vẫn chặn đại lộ Nguyễn Văn Linh ở quận 7 để đua xe.
Không riêng tại TP Hồ Chí Minh, vấn nạn đua xe trái phép còn diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ. Đêm 10-4, Công an tỉnh Tiền Giang đã vây bắt gần 100 thanh niên đua xe trái phép trên Quốc lộ 1. Đáng chú ý, phần lớn các phương tiện trong vụ đua xe này là xe “độ” (xe đã được hoán cải để làm tăng tốc độ, phục vụ việc đua xe).
Theo Điều 34, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, hành vi đua xe trái phép, lạng lách đánh võng và cổ vũ đua xe trái phép có thể bị phạt tới 8 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 5 tháng. Ở mức độ nặng, hành vi đua xe trái phép sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 266, Bộ luật Hình sự với án phạt lên tới 10 năm tù và phạt bổ sung tới 50 triệu đồng. Có thể nói mức xử phạt đối với hành vi đua xe trái phép khá nghiêm khắc, nhưng tại sao nạn đua xe trái phép vẫn có xu hướng gia tăng?
Theo kết quả xử lý của cơ quan công an, đối tượng tham gia đua xe thường nằm trong độ tuổi từ 15 đến 30; thành phần không chỉ những người không đi học, không có việc làm mà còn có cả học sinh, sinh viên. Nguyên nhân dẫn đến hành động coi thường pháp luật của nhóm đối tượng này là do đam mê tốc độ, hiếu kỳ, muốn thể hiện "dân chơi sành điệu"; thậm chí chỉ cần bạn bè rủ rê là... tham gia cho vui! Nếu vài lần đua xe không bị ngăn chặn, xử lý nghiêm khắc sẽ hình thành thói quen "thích đua tốc độ".
Bên cạnh đó, tình trạng đua xe trái phép gia tăng còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương và gia đình. Chính quyền, các ban, ngành ở một số địa phương còn coi công tác phòng, chống đua xe trái phép là việc riêng của lực lượng công an, nên hoạt động phòng ngừa chưa được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Không ít bậc phụ huynh còn mua xe phân khối lớn cho con và thiếu kiểm tra, nhắc nhở con em về ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông...
Từ sự thiếu hiểu biết, nhận thức lệch lạc của giới trẻ, lại thiếu sự quan tâm giáo dục, nhắc nhở của phụ huynh, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, nên nhiều thanh, thiếu niên không nhận ra những hiểm họa từ việc đua xe trái phép. Nhiều người đã mất mạng hoặc tàn tật suốt đời. Việc tham gia đua xe trái phép không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn là hiểm họa cho cộng đồng xã hội, gây bất an cho mọi người.
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã triển khai kế hoạch cao điểm tới công an các địa phương để ngăn chặn hoạt động đua xe trái phép. Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và Phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (Cục CSGT): Thực hiện đợt cao điểm này, công an các đơn vị, địa phương tăng cường điều tra, nắm tình hình, xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng, trang thiết bị, phương tiện để ngăn chặn các nhóm tụ tập đua xe. Lực lượng CSGT phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ nắm chắc thông tin trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook...), hệ thống camera giám sát an ninh trật tự để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp tụ tập, điều khiển xe chạy tốc độ cao, nẹt pô, lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép; không để bị động, bất ngờ. Đặc biệt, khi xảy ra vụ việc tụ tập đông người đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, cơ quan chức năng phải huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ... để ngăn chặn ngay từ đầu. Các trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe và phòng ngừa, giáo dục chung.
Tuy nhiên, chỉ dựa vào lực lượng CSGT thì khó có thể xử lý dứt điểm tình trạng đua xe trái phép. Việc phòng, chống đua xe trái phép cần phải có sự vào cuộc tích cực, nghiêm túc của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Bài và ảnh: TUẤN NAM - HÀ KHÁNH