Công trình do Hội Cựu chiến binh xã Bình Dương vận động đóng góp, xây dựng theo nguyên mẫu cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn, rộng 1,7m, cao 6m. Đây là công trình bằng bê tông cốt thép, bên ngoài ốp đá granite, các chữ trên cột mốc được làm nổi bằng chất liệu alu đồng.
Nằm giữa triền cát trắng và nép mình dưới những hàng phi lao, công trình tượng trưng cho ý chí “thép” của quê hương anh hùng. Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Bình Dương được mệnh danh là “vùng đất thép”. Trước những đợt càn quét, bình định khốc liệt của địch, nhân dân Bình Dương một lòng kiên trì bám trụ, cùng với lực lượng du kích, bộ đội địa phương chiến đấu ngoan cường, lập nên những chiến công xuất sắc. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hơn một nửa số dân của xã Bình Dương đã ngã xuống, toàn xã có 1.367 liệt sĩ, 300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
 |
Cột mốc chủ quyền Trường Sa tại xã Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam). |
Có lẽ bởi thế, bất cứ du khách nào đến làng quê ven biển này đều thích thú khi được mắt thấy, tay sờ cột mốc Trường Sa. Họ say sưa ngắm nhìn, rồi ghi nhớ những thông tin về chủ quyền: “Đảo Trường Sa-Vĩ độ: 08̊̊ 55’33’’N-Kinh độ: 1121 55’55E”. Giờ đây, cột mốc mô phỏng mốc chủ quyền trong khuôn viên UBND xã Bình Dương đã trở thành địa chỉ giáo dục ý thức về chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc cho các em học sinh, nhân dân và đông đảo du khách. Em Trương Nguyễn Hoàng Lan, học sinh Trường THCS Lê Đình Chinh, chia sẻ: “Chúng em rất vui và tự hào khi mỗi ngày đi học được ngắm nhìn cột mốc chủ quyền ngay trên mảnh đất quê nhà”. Còn theo ông Hồ Chí Lĩnh-người có 3 năm công tác trên quần đảo Trường Sa, nên hiểu rõ sự khó khăn, gian khổ và mất mát, hy sinh của những người giữ đảo, tâm sự: “Mỗi lần ngắm cột mốc chủ quyền, tôi như được sống lại những kỷ niệm về một thời trai trẻ gắn bó nơi đảo xa để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Đồng chí Phan Thanh Vân, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết thêm, sau ngày hòa bình lập lại, với tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó, nhân dân Bình Dương đã ra sức tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Từ vùng cát cháy, bà con mở rộng diện tích phủ xanh đất trống, đồi trọc; tích cực khai hoang, phục hóa hàng trăm héc-ta ruộng đất; làm kênh mương thủy lợi; chủ động đầu tư tàu, thuyền, ngư cụ vững tin bám biển, khai thác thủy sản. Trước đây, Bình Dương được coi là vùng quê biển nghèo nàn, lạc hậu, nay đã trở thành trù phú. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Được biết, hiện nay, trên địa bàn xã Bình Dương có 11 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, ghi dấu về một thời đấu tranh oanh liệt, như: Khu Căn cứ lõm Bầu Bính Hạ, cơ sở cách mạng nhà ông Phan Tựu, di tích lịch sử Hàng Cừ- Cây Mộc… Công trình mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa không chỉ là “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của các thế hệ trẻ trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà còn mang ý nghĩa như một sự kết nối giữa truyền thống kiên cường, bất khuất của quê hương trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm với tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
Bài và ảnh: KIM NGÂN