Nhà “hai trong một”

Xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà là một rốn lũ của Hà Tĩnh. Vốn là vùng sâu trũng, địa bàn nằm dọc hai bên sông Rào Cái, hạ du hồ Kẻ Gỗ nên nơi đây đến mùa mưa lũ đều bị ngập sâu và cô lập. Sau trận lũ lịch sử năm ngoái, Hà Tĩnh đã phân bổ cho xã 4 tỷ đồng xây dựng hai nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ tại thôn Sơn Trình và Tân Tiến. Sau hơn 5 tháng triển khai thực hiện, hai nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ đã hoàn thành, sử dụng, phục vụ tốt nhu cầu của bà con nhân dân trước mùa bão, lũ đến. Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh cũng phân bổ cho xã kinh phí từ nguồn xã hội hóa hỗ trợ xây dựng 73 căn nhà cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng thiên tai trong xã có khó khăn về nhà ở.

Bà con thôn Tân Tiến, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh khánh thành nhà văn hóa cộng đồng đưa vào sử dụng trước mùa bão, lũ. Ảnh: TRUNG PHÚ
 

Nhà văn hóa cộng đồng của thôn Sơn Trình (nơi ngập sâu đến 2m trong mùa lũ năm 2020) gồm hai tầng: Tầng 1 hoạt động thể thao, giải trí; tầng 2 dùng sinh hoạt cộng đồng, có bếp ăn, khu vệ sinh. Trong điều kiện bình thường, nhà văn hóa đáp ứng các hoạt động thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng. Khi có thiên tai, lũ lụt, tầng 1 dùng để chứa gia súc, gia cầm; tầng 2 là nơi 100 người dân tránh trú.

Cũng qua chương trình này, rất nhiều gia đình chính sách, hộ người có công, hộ nghèo, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai có dịp được cải tạo, xây dựng nhà ở kiên cố đáp ứng được yêu cầu phòng, chống bão, lũ. Ông Lê Văn Trình và bà Bùi Thị Huấn đều đã hơn 70 tuổi, ở thôn Thống Nhất, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, giờ đã được sống trong căn nhà kiên cố, có gác xép để tránh lũ. Trước đây, ông bà phải sống trong căn nhà cũ đã xuống cấp. Những đợt lũ về, chính quyền địa phương đều đến giúp ông bà đi sơ tán. Với số tiền 70 triệu đồng hỗ trợ làm nhà ở chống lũ, con cháu góp thêm, dân làng ủng hộ ngày công, ông Trình và bà Huấn đã có một căn nhà kiên cố. Ông Trình phấn khởi chỉ lên gác xép mái nhà nói: “Trên đó rộng 15m2, gạo lúa, đồ đạc các loại để thoải mái, không lo nữa rồi!”. Chung niềm vui với gia đình ông Trình, trong thôn Thống Nhất còn có Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Diệu và gia đình ông Võ Tá Thơ là hộ khó khăn cũng được hỗ trợ làm nhà ở kiên cố tránh bão, lũ.  

 Nhà văn hóa cộng đồng hết hợp tránh bão, lũ thôn Đồng Kim (xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: NAM GIANG 

Tranh thủ nguồn xã hội hóa làm lợi cho dân

Phải nói rằng, hoạt động xây dựng nhà tránh bão, lũ đã có từ lâu. Tỉnh Hà Tĩnh triển khai từ nhiều năm về trước theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Tuy nhiên, do mức hỗ trợ còn thấp nên số lượng người dân đăng ký để xây dựng nhà tránh bão, lũ chưa nhiều.

Sau mùa lũ năm 2020, Hà Tĩnh đã huy động được hơn 211 tỷ đồng từ 34 nhà tài trợ để xây dựng nhà văn hóa cộng đồng và nhà ở kiên cố cho người dân gặp khó khăn. Ngay sau đó, Hà Tĩnh thành lập Ban chỉ đạo 22 do đồng chí Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban, thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai . Quá trình rà soát đối tượng phê duyệt xây dựng nhà ở cho người dân cũng được triển khai theo trình tự, chặt chẽ, minh bạch, công khai. Ông Nguyễn Văn Ninh, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm Hương chia sẻ: "Thực tế, việc rà soát các đối tượng cũng khá thuận lợi bởi đây là một chính sách nhân văn, tập trung cho những gia đình yếu thế, khó khăn, diện chính sách nên người dân đồng tình, nhất trí cao".

Tính đến hết tháng 8-2021, Ban chỉ đạo 22 tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt tổng kinh phí hơn 198 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng 32 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và 1.900 nhà ở cho người dân. Đặc biệt, ngoài kinh phí “cứng” được tài trợ, nhiều địa phương đã kêu gọi thêm nguồn lực tài trợ tư vấn giám sát và tài trợ một phần kinh phí trong thi công xây lắp công trình, mua sắm các thiết bị nhà văn hóa cộng đồng. Riêng phần hỗ trợ người dân làm nhà ở, số tiền 70 triệu đồng được hỗ trợ cũng lớn nhưng để xây được một ngôi nhà thì chưa đủ. Từng thôn, xóm đều kêu gọi người dân chung tay đóng góp ngày công, ủng hộ thêm kinh phí để giúp các gia đình khó khăn có một ngôi nhà kiên cố.

 Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ thôn Nam Viên (xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: NGỌC LOAN

Tuy nhiên, cho đến giờ này, mục tiêu hoàn thành, đưa toàn bộ các công trình vào sử dụng trước mùa mưa bão theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Tĩnh vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân phải kể đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số ban chỉ đạo cấp huyện thực hiện chưa quyết liệt, nhất là việc đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu và các hộ dân còn chậm. Ví như việc hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán thực hiện quá chậm. Trong số 22 nhà văn hóa cộng đồng của tỉnh đã hoàn thành mới chỉ có 9 nhà có hồ sơ quyết toán.

Mặt khác, công tác khảo sát, xác định đối tượng là người có công, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu làm nhà ở tại một số địa phương chưa thật bảo đảm chặt chẽ, nhiều hộ không có nhu cầu làm vẫn lập danh sách đề xuất hỗ trợ. Vì vậy đã có 123 nhà ở của các hộ dân được Ban chỉ đạo 22 tỉnh phê duyệt hỗ trợ nhưng không triển khai thực hiện. Đơn cử như huyện Thạch Hà có 30 gia đình rút hồ sơ vì thay đổi nhu cầu. Đối với việc này, Ban chỉ đạo 22 cũng rất linh động bằng giải pháp quyết định phê duyệt danh sách thay thế cho 123 hộ gia đình sang những gia đình khó khăn có nhu cầu.

Chương trình xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng thiên tai có khó khăn về nhà ở được tỉnh Hà Tĩnh triển khai từ nguồn lực xã hội hóa là giải pháp “một mũi tên trúng nhiều đích", vừa làm tốt công tác an sinh xã hội cho nhân dân vùng lũ vừa bảo đảm lâu dài cho công tác sơ tán người dân tránh trú khi có bão, lũ xảy ra. Đồng thời vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng cho bà con nhân dân, góp phần củng cố vững chắc các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phải nhìn nhận rằng, Hà Tĩnh đã tận dụng triệt để nguồn lực xã hội hóa để mang lại lợi ích cho người dân một cách kịp thời nhưng rất bền vững.  

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ