“Thu nhập của cháu có ổn định không anh?”, tôi hỏi. Chị trả lời thay chồng: “Mỗi tháng cháu cũng kiếm được dăm sáu triệu đồng”. Tôi động viên: “Nhà anh chị có 4 người, anh chị làm ruộng, cô út làm công nhân, còn cậu cả làm thuê cho doanh nghiệp, thế là cả nhà đều có thu nhập rồi”. Anh bảo: “Chả giấu gì chú, anh chị chưa giàu, nhưng cuộc sống cũng tạm ổn. Nhưng đau đầu nhất vẫn là chuyện công ăn việc làm của cậu con trai”. Tôi ngạc nhiên: “Anh nói sao, thì cháu đang có việc làm và thu nhập đấy chứ, sao anh lại nói “đau đầu?”. “Đúng là cháu có việc đấy, nhưng bấp bênh. Hơn thế, cái đích mà vợ chồng anh chị hướng đến là bằng mọi giá phải “chạy” cho cháu vào một “suất” biên chế ở cơ quan nhà nước. Chỉ có như vậy công việc mới ổn định lâu dài và gia đình mới “mát mày mát mặt” với hàng xóm láng giềng được”.

Đúng lúc đó, con trai của anh chị đi chơi về. Thấy khách, cháu chào hỏi xởi lởi. Nhìn đôi mắt lanh lợi và phong cách nói năng hoạt bát của cháu, tôi tin đây là một chàng trai năng động. Được phép của bố mẹ, cháu ngồi uống nước trò chuyện với tôi. Khi tôi hỏi cháu muốn làm nghề gì, thì cháu nhanh nhảu: “Cháu học chuyên ngành kinh tế nên rất muốn theo đuổi nghề kinh doanh. Nhân phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ, cháu đang ấp ủ thành lập công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm đồ gỗ của làng nghề xã mình. Bố mẹ cháu cũng tích cóp được ít vốn, nếu mạnh dạn vay thêm ít nữa, cháu có đủ số vốn để thành lập doanh nghiệp tư nhân. Nhưng bố mẹ cháu không đồng ý, mà vẫn muốn xin cho cháu một “suất” biên chế ở cơ quan huyện”. 

Tôi hỏi anh chị: “Nếu “chạy” được một suất biên chế, anh chị sẽ phải chi bao nhiêu tiền?”. “Anh chị chẳng quen biết ai, nhưng nếu chạy được qua các “cửa” thì cũng phải tốn vài ba trăm triệu đồng”, anh chồng khẳng định. Tôi góp ý với anh chị: “Cháu được học hành đến nơi đến chốn, lại bắt nhịp đúng xu thế phong trào khởi nghiệp hiện nay, trong khi anh chị có vốn,  theo em, anh chị nên ủng hộ mong muốn của cháu. Nếu được như vậy, anh chị vừa bảo toàn được tài sản của gia đình, vừa tiếp sức cho con lập thân lập nghiệp trên đôi chân của mình. Với khả năng, khát vọng của cháu, em tin cháu sẽ có một tương lai tốt”. Chị bảo: “Ừ, chú nói thế cũng phải. Nhưng nói thật với chú, vợ chồng anh chị ở quê, cả đời tảo tần nuôi con ăn học để mong muốn cháu có tấm bằng đại học, được vào làm việc ở cơ quan nhà nước mới hy vọng sau này có cơ hội thăng quan tiến chức để làm rạng danh gia đình, dòng họ”. Cậu con trai lễ phép: “Thưa bố mẹ, con nghĩ bậc sinh thành nào cũng muốn con mình thành đạt, thành danh. Nhưng bây giờ các cơ quan nhà nước đang tiết giảm biên chế, nên việc xin một “suất” chính thức không dễ dàng chút nào. Hơn nữa, con cũng không dám chắc mình có thể thành “ông nọ bà kia” nếu đi theo con đường công chức bố mẹ ạ. Vì tính cách con chỉ hợp với công việc kinh doanh thôi”.

Nghe con nói vậy, tuy chưa hẳn bằng lòng, song anh đã phần nào chia sẻ với con: “Thôi được, con đã quyết chí như vậy rồi, để bố mẹ suy nghĩ tiếp sẽ quyết định sau”. Đến lúc này, thấy gương mặt anh chị đã vui hơn, tôi động viên: “Các cụ ta có câu, con hơn cha là nhà có phúc. Cái phúc lớn nhất của anh chị là có cậu con trai có nghị lực, chí hướng mạnh mẽ. Đó là cơ sở bảo đảm giúp cháu thành công “năm mươi phần trăm” trên đường đời rồi!”. Chị nở nụ cười trên môi: “Ừ, cũng phần lớn nhờ công giáo dục của nhà trường và xã hội đấy, chú ạ!”.

ANH THẢO