Ông Nguyễn Bùi Thanh, ngụ tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, cho biết: “Đi làm về mệt nên tôi mua hàng ở đây cho tiện, không phải vào chợ mất thời gian và công sức”. Tâm lý “tiện thể” này là nguyên nhân khiến điểm kinh doanh tự phát gia tăng trên các tuyến đường. Quan sát kỹ chúng tôi nhận thấy, phần lớn hàng bày bán tại đây đều không rõ nguồn gốc và không được bảo quản, che chắn, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đã thế, nhiều người không cần quầy, sạp mà đặt ngay hàng xuống lòng đường rồi rao bán. Thậm chí nhiều tiểu thương còn mổ gia cầm, làm cá sống, bóc vỏ trái cây ngay tại vỉa hè, lòng đường và đổ nước bẩn, vứt rác tại chỗ, khiến con đường luôn ẩm ướt, bẩn, bốc mùi hôi thối rất khó chịu.

Điểm kinh doanh tự phát tại đường Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP Hồ Chí Minh. 

Còn tại đường Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, mỗi lần chúng tôi đi ngang qua luôn thấy hàng chục xe đẩy xếp hàng dài dưới lòng đường với những tiếng rao bán hàng inh ỏi, nhức óc. Tương tự, các chợ, điểm kinh doanh tự phát tại các tuyến đường Dương Quảng Hàm, Phan Văn Trị, Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh)... cũng mọc lên như nấm. Các chợ, điểm kinh doanh tự phát thường hình thành gần những khu công nghiệp, khu dân cư đông đúc, trường học, bệnh viện, chợ truyền thống, chợ đầu mối... Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính của tình trạng trên là do việc quản lý, kiểm tra chưa chặt chẽ, thường xuyên của ngành chức năng. Bên cạnh đó, vì lợi nhuận, một số tiểu thương không muốn vào chợ truyền thống, chợ đầu mối để kinh doanh vì phải mất tiền thuê mặt bằng cùng những chi phí khác. Thực tế tại không ít chợ truyền thống, số quầy bán tại chợ, điểm kinh doanh tự phát gần bằng số quầy bán trong chợ, gây thất thu thuế cho Nhà nước và gây mất an ninh-trật tự. Hiện tượng này cũng khiến nhu cầu mua sắm tại chợ truyền thống, siêu thị giảm sút và những người kinh doanh chân chính bị thiệt hại. Theo thống kê của ngành chức năng TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố có khoảng 200 chợ, điểm kinh doanh tự phát trên các tuyến đường, trong đó có nhiều điểm tồn tại cả chục năm nay.

Điểm kinh doanh tự phát tại đường Trung Mỹ Tây 13, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể để dẹp các chợ, điểm kinh doanh tự phát. Trước hết, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ trật tự, mỹ quan đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm, quyền lợi người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng chủ động làm tốt công tác quản lý cán bộ, nhân viên, kiên quyết xử lý những người thiếu trách nhiệm hoặc cố tình bỏ qua cho các vi phạm của người dân tại các chợ, điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm, lòng lề đường. Thành phố cũng lập các đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện những biện pháp xử lý dứt điểm các chợ, điểm kinh doanh tự phát, trả lại sự thông thoáng cho đường phố, tạo điều kiện để người dân đi lại thuận tiện, giảm tai nạn giao thông, giữ gìn mỹ quan đô thị, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chống hàng giả, hàng nhái.

Theo bà Võ Thị Chính, Phó chủ tịch UBND quận 12: Địa phương luôn chủ động tạo việc làm cho người lao động, buôn bán tự do và bố trí khu vực cụ thể. UBND quận cũng chỉ đạo các ngành chức năng có thể lắp đặt hệ thống camera quan sát kết hợp loa tuyên truyền, kịp thời phổ biến, nhắc nhở, xây dựng ý thức cho mọi người, từ đó từng bước giải quyết dứt điểm chợ, điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn.

Bài và ảnh: DUY NGUYỄN