Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian qua, hoạt động quản lý tàu cá đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt hơn 98%, việc ghi chép nhật ký hành trình, nhật ký khai thác đã được đa số ngư dân chấp hành. Tuy vậy, tình trạng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình vẫn xảy ra, cần các biện pháp xử lý, ngăn chặn...
Theo ông Văn Công Việt, chủ tàu cá BĐ 91189 TS ở TP Quy Nhơn (Bình Định): “Bà con giờ ai cũng biết về "thẻ vàng thủy sản", chấp hành việc đi khai báo, về khai báo với cơ quan chức năng. Nhưng quá trình đánh bắt, do điều kiện thời tiết và nhiều khó khăn phát sinh nên việc ghi chép nhật ký hành trình, nhật ký khai thác còn chưa chính xác. Vẫn còn máy giám sát hành trình bị mất tín hiệu với trạm bờ, gây khó khăn cho hoạt động đánh bắt của ngư dân”.
 |
Bộ đội Đồn Biên phòng Sông Đốc (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá của ngư dân trước khi ra khơi. Ảnh: HOÀNG TÁ |
Đồng chí Trần Văn Phúc, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (mới được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định luân chuyển giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Phù Mỹ, nhiệm kỳ 2020-2025 từ ngày 2-12-2024) đánh giá về thực trạng này: “Trong số các tàu liên tục mất kết nối, một số do ngư dân cố tình tắt thiết bị. Để giải quyết tình trạng này, tỉnh Bình Định đã ra quyết định xử phạt 5 tàu cá với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng. Ngay khi phát hiện vi phạm, chúng tôi lập biên bản để xử lý khi tàu về cảng, nếu là tàu của địa phương khác thì chuyển cho tỉnh bạn xử lý. Đây là một nội dung trong quy chế phối hợp của 11 tỉnh, thành phố miền Trung để tạo sự thống nhất trong giải quyết vấn đề này”.
Sau đợt kiểm tra lần thứ tư của Ủy ban châu Âu (EC), ngành chức năng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực thủy sản.
Kết quả, hơn 4.200 trường hợp đã bị xử phạt với tổng số tiền hơn 109 tỷ đồng do vi phạm các quy định có liên quan đến Luật Thủy sản; xử lý hình sự 14 vụ việc có liên quan đến khai thác thủy sản bất hợp pháp và tháo thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, với gần 5.000 tàu cá chưa đăng ký như hiện nay, trong đó có hơn 40% số tàu cá bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình vẫn là thách thức lớn với ngành chức năng và chính quyền các địa phương.
Bên cạnh đó, tình hình ngư dân và tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép tuy đã được kiểm soát, ngăn chặn nhưng chưa triệt để. Từ tháng 1-2024 đến ngày 15-11-2024, vẫn có một số vụ việc tàu cá nước ta xâm phạm vùng biển nước ngoài. Từ đó, đại diện Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ trong xử lý tàu cá vi phạm với quan điểm xuyên suốt “nếu một địa phương, một đơn vị không quyết liệt thì mọi nỗ lực khác cũng bằng không”. Đồng thời không để tình trạng tỉnh này cương quyết không cho tàu vi phạm vào nhưng tỉnh khác thì ngược lại.
Tại hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa 11 tỉnh, thành phố trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản diễn ra mới đây, lãnh đạo các địa phương miền Trung cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ tàu cá không đủ điều kiện hoạt động; ngăn chặn kịp thời tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản và xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình đi khai thác khi chưa có đầy đủ giấy tờ theo quy định.
Tập trung làm việc với từng chủ tàu để hỗ trợ thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, bảo đảm 100% tàu cá tham gia hoạt động đánh bắt thủy sản phải được đăng ký, đăng kiểm và có giấy phép khai thác thủy sản; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, không để xảy ra những vụ việc vi phạm hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Các địa phương cũng đề nghị các ban, bộ, ngành triển khai những giải pháp phối hợp, tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định phù hợp như: Cho phép lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m hoạt động nghề câu mực để giám sát, kịp thời ngăn chặn tình trạng ngư dân đưa tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài...
Các ngành, địa phương đang quyết tâm, quyết liệt triển khai khắc phục những tồn tại trong quản lý tàu cá và đã có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, chúng ta còn nhiều việc phải làm so với yêu cầu của EC. Trước mắt, các địa phương cần khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm, bảo đảm có kết quả, số liệu cụ thể để làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ năm. Để làm tốt việc này cần sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các địa phương và cơ quan chức năng.
(Đồng chí Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
|
TUẤN PHONG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.