Nguy cơ nhãn tiền

Nhẹ dạ cả tin, không lường hết các mối nguy hại nên nhiều người dân sẵn sàng cho người khác mượn giấy tờ để mở tài khoản thanh toán, thẻ ATM. Cũng có trường hợp, người dân được các đối tượng trả 200.000-500.000 đồng để mở thẻ ATM, sau đó đưa luôn thẻ ATM cho chúng giữ.

Ngân hàng Nhà nước (NHNH) cảnh báo, những chiếc thẻ ATM này có thể được sử dụng trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, giả danh lực lượng chức năng để tống tiền… Vì thế, người nào dùng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc cho người khác mượn để mở tài khoản thanh toán, thẻ ATM có thể bị liên đới trách nhiệm. Các hành vi này tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17-10-2014 của Chính phủ. Trong các trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, hành vi sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo để đăng ký mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ATM sau đó bán lại cho người khác để sử dụng là vi phạm các quy định của pháp luật về hành vi bị cấm, như: Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình cung ứng và sử dụng dịch vụ thanh toán; mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh; sử dụng thẻ để thực hiện các giao dịch cho các mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Ngày 25-5-2018, NHNN có Công văn số 3804/NHNN-TT yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị phát hành và sử dụng thẻ ATM, mở và sử dụng thẻ thanh toán; kiểm tra và giám sát chặt chẽ bảo đảm quy trình được thực hiện đúng và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành. Cùng với đó phải phổ biến tới toàn thể nhân viên và người quản lý có trách nhiệm, xử lý nghiêm cán bộ không tuân thủ đầy đủ quy định. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; tăng cường các biện pháp kiểm tra, nhận biết, xác minh và cập nhật thông tin khách hàng để phát hiện, xử lý các trường hợp mạo danh, sử dụng giấy tờ giả để mở và sử dụng tài khoản thanh toán, đề nghị phát hành và sử dụng thẻ ATM.

Chú ý bảo mật thông tin cá nhân

NHNN cho biết, tổ chức phát hành thẻ có trách nhiệm thẩm định các tiêu chuẩn, điều kiện và xác thực khách hàng theo đúng quy trình, bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình khách hàng mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này, ông Đặng Công Hoàn, Giám đốc Phát triển sản phẩm bán lẻ kiêm Giám đốc Trung tâm Thẻ của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), cho biết: Các khuyến cáo, chỉ đạo của NHNN rất kịp thời. Tại Techcombank, các hoạt động phát hành thẻ, cung ứng dịch vụ thanh toán đều được quy định rất chặt chẽ theo các quy trình và hướng dẫn nghiệp vụ, nhằm bảo đảm vừa cung ứng đúng dịch vụ theo nhu cầu của khách hàng, vừa hạn chế tối đa rủi ro phát sinh cho cả khách hàng và ngân hàng. Techcombank đã thực hiện rà soát lại và bổ sung thêm các chốt chặn kiểm soát quy trình mở tài khoản và phát hành thẻ, bảo đảm tuân thủ quy định kiểm tra thông tin khách hàng của Techcombank cũng như của NHNN để loại trừ, giảm các trường hợp giả mạo trong quá trình khách hàng đăng ký dịch vụ. Techcombank đang tiếp tục giám sát, kiểm tra và bảo đảm dịch vụ cũng như hỗ trợ khách hàng phòng ngừa rủi ro trong các nghiệp vụ này... Đại diện Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), khuyến cáo: Khi có tài khoản, thẻ ATM, khách hàng phải bảo quản thẻ và bảo mật thông tin thẻ. Tuyệt đối không cho mượn thẻ, không tiết lộ thông tin thẻ, mã PIN (mật khẩu) và OTP (mã xác thực được gửi đến điện thoại) cho người khác. Maritime Bank và các tổ chức thẻ không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp các thông tin, như: Mật khẩu, mã PIN thẻ, số CVC2 (3 số in nghiêng mặt sau thẻ), ngày hết hạn và mã OTP dưới bất kỳ hình thức nào.

ĐỨC TUẤN