Giá trị đa dạng sinh học cao
Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Gia Viễn, Ninh Bình) rộng gần 3.000ha, được bao bọc bởi hệ thống núi đá vôi nổi tiếng soi mình trên đầm nước ngọt phẳng lặng, trong vắt, hiện rõ những lớp rong rêu dưới đáy. Đây là vùng đất ngập nước nội địa nguyên vẹn còn sót lại ở Đồng bằng sông Hồng; là nơi cư trú, sinh sản quan trọng của nhiều loài thủy sinh và 39 loài động vật, trong đó có loài voọc mông trắng, một trong những loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu và chỉ còn ở Việt Nam.
 |
Khách du lịch tham quan Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Gia Viễn, Ninh Bình). |
Ngoài Vân Long, nước ta còn rất nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên, giá trị ĐDSH cao với các hệ sinh thái phong phú và đa dạng. Các kết quả thống kê cho thấy, 10% số loài thú, chim và cá của thế giới tìm thấy ở Việt Nam, hơn 40% số loài thực vật đặc hữu không tìm thấy ở nơi nào khác ngoài Việt Nam. Theo ước tính, so với 35.000 loài cây làm thuốc trên toàn thế giới, số loài cây thuốc Việt Nam chiếm khoảng 11%. Có thể nói, ĐDSH đem lại những lợi ích trực tiếp cho con người khi điều tiết khí hậu và đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia; đặc biệt, đóng vai trò chủ chốt đối với sinh kế của người dân ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nếu quản lý, giám sát, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (TNTN) thì đây chính là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu.
Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm bảo tồn ĐDSH, như: Tham gia các hiệp ước quốc tế về ĐDSH, Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, Công ước ĐDSH, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp… Cùng với đó, nhiều bộ luật quan trọng trong quản lý TNTN, như: Luật ĐDSH, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng… cũng được ban hành.
Tuy nhiên, ĐDSH Việt Nam đang suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng, các hệ sinh thái bị thu hẹp, chia cắt, nguồn gen bị thất thoát... Nguyên nhân là do sự khai thác quá mức tài nguyên, vấn nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Trong công tác bảo tồn ĐDSH cũng bộc lộ nhiều bất cập, như: Nguồn lực cho công tác ĐDSH ở các cấp địa phương còn yếu, có sự chồng chéo trong việc giao quản lý ĐDSH tại địa phương giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT). Theo ông Lê Hùng Thắng, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình: Kinh phí cho bảo tồn ĐDSH được trích chủ yếu từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường; trong khi đó, nguồn lực này hạn hẹp, không đủ triển khai các hoạt động bảo tồn ĐDSH, bao gồm các hoạt động điều tra cơ bản về ĐDSH, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các loài thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ…
Gắn bảo tồn với sinh kế người dân
Để ĐDSH Việt Nam phát triển bền vững cũng như công tác bảo tồn đạt hiệu quả, ông Nguyễn Thành Vĩnh, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH (Bộ TN&MT) cho biết: "Bộ TN&MT sẽ tiếp tục đề nghị chỉnh sửa Luật ĐDSH sao cho mang tính thống nhất, tăng cường thực thi pháp luật về ĐDSH, cân nhắc những ảnh hưởng của các chính sách phát triển, dự án kinh tế liên quan đến ĐDSH".
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cũng đề nghị các địa phương thực hiện nhiều mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH gắn với xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các hoạt động nuôi, trồng kết hợp với khai thác bền vững các loài sinh vật, nhất là trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp, dược liệu và chế biến. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bảo tồn ĐDSH không chỉ riêng cơ quan Nhà nước, công tác bảo tồn ĐDSH cần một sự hợp tác đa bên, sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội.
Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cũng cho rằng, nên gắn bảo tồn với sinh kế của người dân, vừa tạo công ăn việc làm, vừa là một kênh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH. Ví như, tại Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đã có cơ chế khuyến khích người dân tham gia nhận khoán khoanh nuôi và bảo vệ phát triển rừng, hỗ trợ đầu tư cho các thôn, bản giáp ranh xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các chương trình hỗ trợ con giống nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Bài và ảnh: TRÀ MY