Theo các chuyên gia, những mô hình, dự án này được giới thiệu với lời hứa hẹn trả lợi nhuận rất cao. Sau đó, khi tiền của nhà đầu tư ồ ạt đổ vào, sẽ lấy lý do hệ thống bị lỗi rồi đánh sập để chiếm đoạt. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), Bộ Công Thương, những lời lẽ quảng cáo cho các dự án, mô hình có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép đều "lăng xê" nhà đầu tư dự án là những người tiên phong, làm "cách mạng" trong thời đại mới và thúc giục khách hàng nhanh chóng bỏ tiền tham gia đầu tư phát triển dự án.

Gần đây, Bộ Công an đưa ra khuyến cáo người dân cảnh giác, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, mất tiền khi tham gia đầu tư một số hệ thống như Winsbank, MyAladinz... Ngoài ra, ngày càng có nhiều ứng dụng cung cấp dịch vụ tích điểm cho khách hàng bằng việc hoàn lại (cashback) 80% giá trị đơn hàng. Đơn cử như ứng dụng có tên IBG. Nhà đầu tư muốn tham gia và tạo tài khoản cần có người giới thiệu. Sau khi tham gia thành công, nhà đầu tư sẽ dùng tiền thật để mua tiền ảo “USDT” theo tỷ giá 23.500 đồng = 1 USDT = 1 IBG. Với số tiền này, nhà đầu tư sẽ sử dụng app IBG mua hàng để được “hoàn lại” 80% giá trị sản phẩm sau khi mua theo đơn vị điểm IBG. 

Quảng cáo ứng dụng IBG trên trang dautukiemtien.vn. Ảnh chụp màn hình.

Theo ông Lê Thanh Sơn, Phó trưởng phòng Điều tra xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục CT&BVNTD), những ứng dụng thương mại điện tử quảng cáo “giá trị hoàn tiền 80%” hay “giá trị tích lũy 80%” đều hướng người tham gia hiểu nhầm chỉ cần bỏ 20% số tiền là có thể sở hữu sản phẩm, dịch vụ. Nhưng thực tế, việc hoàn tiền với giá trị phần trăm cao như vậy chỉ ở việc tích điểm trên hệ thống nội bộ, khi chuyển đổi ra tiền mặt thì theo tỷ lệ phần trăm rất nhỏ, không có ý nghĩa hoàn tiền như quảng cáo. Đây là một thủ đoạn lừa đảo tinh vi khi đưa thông tin sai lệch nhằm dụ dỗ người đăng ký sử dụng. Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục CT&BVNTD cho biết, những mô hình kinh doanh tiền ảo như vậy chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một công cụ thanh toán hợp pháp. Do đó, những người tham gia giao dịch sẽ không được pháp luật bảo vệ khi xảy ra các rủi ro liên quan. Vì thế, người dân không nên tham gia và không lôi kéo người khác tham gia.

Các cơ quan chức năng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ hình thức huy động vốn trái phép thông qua tiền ảo để người dân cảnh giác. Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả hoạt động của ngành ngân hàng quý III-2020, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẳng định, NHNN không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), phân tích: "Trên thực tế vẫn có doanh nghiệp thực hiện huy động vốn bằng tiền ảo. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo".

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), đánh giá: Trên thực tế, các hoạt động đầu tư, giao dịch, huy động vốn bằng tiền ảo đã và đang diễn ra tại Việt Nam; trong khi đó, nhận thức của người dân về tiền ảo và bản chất của nó chưa thật sự đầy đủ.

Theo PGS, TS Lê Vũ Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), để tránh rủi ro cho nhà đầu tư, Việt Nam cần nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo. Yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia và cũng là giải pháp mà Việt Nam chủ động hội nhập cũng như ứng phó với tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, ổn định kinh tế-xã hội.

DƯƠNG SAO - HƯƠNG GIANG