Vì vậy, cần xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm, đồng thời nâng cao nhận thức người dùng MXH để mỗi người dân khi tham gia vào môi trường mạng có trách nhiệm hơn về phát ngôn của mình.
Thời gian qua, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cá nhân đăng tải thông tin giả mạo về dịch bệnh này. Nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử phạt vì tung tin giả. Tính đến ngày 24-2, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, xử lý 85 trường hợp tung tin sai sự thật về dịch Covid-19, trong đó 11 trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền 121,5 triệu đồng.
 |
Mạng xã hội thu hút đông đảo người dùng. |
Ngoài tin giả về dịch Covid-19, trên MXH cũng xuất hiện nhiều tin giả liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội. Ví như ngày 24-2, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hồ Chí Minh phạt bà Lương Hoàng Anh 12,5 triệu đồng do đăng tin sai sự thật về việc tỏi Lý Sơn nhiễm thuốc trừ sâu trên Facebook.
Thông tin được chia sẻ trên MXH có tốc độ tán phát rất nhanh, thu hút hàng trăm nghìn lượt người theo dõi, chia sẻ, bình luận, gây tác động rất lớn đối với đời sống xã hội, đặc biệt là những thông tin sai sự thật, thông tin giả. Môi trường mạng là không gian ảo nhưng phát ngôn trên không gian mạng không hề ảo, bởi đằng sau đó là những con người thật. Theo các chuyên gia, tình trạng tin giả trên MXH thường được tán phát bởi hai nhóm chính: Thứ nhất, những người hạn chế hiểu biết về pháp luật, cho rằng MXH là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm; do đó, đưa tin không kiểm chứng để đánh bóng tên tuổi, trục lợi. Nhóm thứ hai là những người cố tình đưa thông tin để gây hoang mang cho người khác nhằm phá hoại, gây mất ổn định trật tự xã hội.
Để ngăn chặn tình trạng tin giả, yếu tố đầu tiên chính là hành lang pháp lý. Về công tác quản lý, theo Điều 8, Điểm d, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác". Trong Điều 9, Luật An ninh mạng cũng quy định rõ: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Ngoài Luật An ninh mạng, mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi lợi dụng MXH để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống bị quy định mức phạt tiền 10-20 triệu đồng. Xử lý nghiêm minh những đối tượng vi phạm là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn cũng như răn đe các trường hợp khác. Đồng thời, cần tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về an ninh mạng.
Nhận định về thực trạng tin giả trên MXH, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thông tin xấu, độc trên MXH là vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện. “Một ngày, bình quân có 100 triệu thông tin nên chúng ta không thể dùng người mà phải áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc, công nghệ để đánh giá. Hiện, Bộ TT&TT đã có trung tâm hệ thống đọc, đánh giá và phân loại 100 triệu tin/ngày”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Trước tình trạng không ít người sử dụng MXH lan truyền thông tin thất thiệt về dịch Covid-19, Bộ TT&TT đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động đấu tranh, đàm phán với Facebook và Google để ngăn chặn, gỡ bỏ các video clip, thông tin sai sự thật về dịch bệnh, các tài khoản giả mạo đưa tin không đúng sự thật. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, truyền hình qua internet, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ số có đông người sử dụng tại Việt Nam, như: Zalo, Lotus, Coccoc… cần chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện lan truyền thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng tới người dùng thông qua các nền tảng công nghệ.
Bên cạnh chế tài xử phạt nghiêm minh, giải pháp căn cơ để đẩy lùi nạn tin giả là người dùng MXH nên tự trang bị kiến thức, kỹ năng sống trên không gian mạng, xây dựng văn hóa văn minh trong hành xử trên MXH. Mỗi người khi tham gia không gian mạng cần thể hiện trách nhiệm của bản thân với xã hội bằng chính những thông tin mình đăng tải; cần suy nghĩ các thông tin đó tác động tiêu cực hay tích cực tới cộng đồng, cùng với đó, không tùy tiện chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến xã hội, thậm chí an ninh quốc gia.
Bài và ảnh: TRÀ MY