Trong đó, với sứ mệnh của mình, Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam đã vận động các nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội đối với NKT, TMC bằng hình thức đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho những người yếu thế từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Tạo thế cho người yếu thế

Có dịp công tác tại TP Đà Nẵng, chúng tôi được nghe giới thiệu về một trung tâm sản xuất bánh mì khá đặc biệt-Trung tâm Bánh mì Hoa Mai. Sự đặc biệt của trung tâm này ở chỗ, những công nhân làm ra bánh mì đều là NKT và trung tâm chính là một cơ sở hoạt động của Hội Bảo trợ NKT và TMC TP Đà Nẵng.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hoàng Long, nguyên Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và TMC TP Đà Nẵng chia sẻ: “Trăn trở của Thành hội Đà Nẵng từ cách đây hàng chục năm là tìm một phương thức và mô hình phù hợp, hiệu quả để trợ giúp NKT, TMC. Trong quá trình tìm tòi đó, từ sự chỉ đạo của Trung ương hội, vận dụng những cách thức, kinh nghiệm từ các địa phương bạn và thực tiễn của TP Đà Nẵng, Thành hội Đà Nẵng nhận thức rằng: Dạy nghề và tạo việc làm là phương thức trợ giúp cơ bản, lâu dài, bền vững, nhân văn nhất trong việc bảo trợ NKT và TMC theo hướng tiếp cận về quyền của NKT, TMC”.

Với phương thức trợ giúp mang tính bền vững, tạo cơ hội để NKT, TMC, các đối tượng yếu thế tự vươn lên tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội, hòa nhập cộng đồng, bên cạnh Trung tâm Bánh mì Hoa Mai, Thành hội Đà Nẵng còn quản lý hai cơ sở có chức năng đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm cho NKT và TMC là Trung tâm Hướng nghiệp-Dạy nghề và Công ty TNHH Tâm Ánh Minh.

Các cơ sở trực thuộc Thành hội Đà Nẵng đã trực tiếp, hoặc phối hợp đào tạo được gần 370 NKT có nghề sơ cấp ở nhiều lĩnh vực, chưa kể việc tạo điều kiện và hỗ trợ cho nhiều TMC được vào học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề (Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng, Đại học Duy Tân, Đại học Đông Á, Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, Cao đẳng THACO...). Hiện nay, thu nhập bình quân của NKT và TMC đã qua đào tạo ở phân xưởng may quần áo đạt mức bình quân 4-4,5 triệu đồng/người/tháng; làm nghề dịch vụ khác thường có thu nhập cao hơn như: Làm bánh mì khoảng 8 triệu đồng/tháng; làm đầu bếp khách sạn khoảng 7-8 triệu đồng/tháng...

Người khuyết tật làm việc tại phân xưởng may của Công ty TNHH Tâm Ánh Minh. 

Anh Trương Đình Tuấn bị liệt nửa người, có vợ là Bùi Thị Thùy Linh cũng là một NKT bị câm, điếc bẩm sinh. Hai vợ chồng anh hiện đều đang là nhân viên của phân xưởng may thuộc Công ty TNHH Tâm Ánh Minh. Tâm sự với chúng tôi, anh Tuấn xúc động: “Thu nhập bình quân của hai vợ chồng khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy số tiền không lớn nhưng đem lại cho tôi và gia đình một niềm hạnh phúc lớn. Có công ăn việc làm khiến tôi và vợ cảm thấy tự tin hơn và có ích cho xã hội.”

Việc đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm là điểm sáng tiêu biểu của Thành hội Đà Nẵng nói riêng và của Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam nói chung. Cùng với đó, nhiều phương thức hoạt động hiệu quả, mô hình đa dạng, phong phú, thiết thực đang được Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Nhưng tựu trung lại, Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam từ cấp cơ sở đến Trung ương đều đang nỗ lực, làm hết sức mình, vận động mọi nguồn lực nhằm mang đến quyền lợi và cuộc sống tốt đẹp hơn về cả vật chất và tinh thần cho NTK, TMC để họ nhanh chóng hòa nhập cộng động, không còn là lực lượng yếu thế trong xã hội.

Tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc

Theo đồng chí Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó chủ tịch Trung ương Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người bảo trợ cho biết: “Trong thời gian qua, Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam đã vận động được các nguồn lực xã hội trợ giúp NKT và TMC, người có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 5.000 tỷ đồng; hỗ trợ ngắn hạn và dài hạn cho hơn 23 triệu lượt người với nhiều chương trình như trợ giúp về y tế, phương tiện đi lại, nhà ở, sinh kế, giảm nghèo, hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ...”.

Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm lo, bảo trợ NKT và TMC của hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết. Những khó khăn, vướng mắc tồn tại đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tập trung ở một số nguyên nhân chính như: Số lượng NKT, TMC ở nước ta có xu hướng tăng, nhu cầu về trợ giúp của NKT, TMC ngày càng đa dạng; nhận thức của một bộ phận xã hội chưa đầy đủ, đúng đắn về NKT, TMC, còn có sự kỳ thị, phân biệt, coi thường; mạng lưới tổ chức Hội chưa bao phủ được rộng khắp, nhiều địa phương chưa có tổ chức hội nên quyền lợi của NKT, TMC ở những vùng này cũng bị ảnh hưởng, thiệt thòi...

Chính vì vậy, để tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tiếp tục mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho NKT và TMC, vừa qua, Đại hội đại biểu lần thứ VI của Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam đã xác định rất rõ phương hướng, nhiệm vụ của hội trong thời gian tới, trong đó tập trung vào một số nội dung quan trọng. Trước hết là tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, góp phần làm thay đổi nhận thức xã hội về NKT và TMC; đồng thời giúp đỡ người yếu thế nhận thức được bản thân mình cũng là một nguồn lực vô cùng quý giá, với những năng lực phi thường, có thể đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Đổi mới, sáng tạo, tăng hiệu quả công tác vận động nguồn lực xã hội để cùng ngân sách nhà nước trợ giúp NKT, TMC và những người gặp hoàn cảnh khó khăn khác cũng là một giải pháp quan trọng. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần chủ động đề xuất tham gia các đề án, dự án, tham gia hệ thống các dịch vụ đối với NKT và TMC, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với đó, các cấp hội tích cực tham gia công tác đối ngoại nhân dân, phát triển hơn nữa sự hợp tác với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài vừa để góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị, vừa huy động thêm các nguồn lực ngoài nước trợ giúp NKT và TMC ở trong nước.

Bài và ảnh: TRẦN ANH MINH