Tỉnh tiếp tục phát huy các sáng kiến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hướng đến xây dựng nền hành chính công hiện đại và chính quyền số.

Triển khai hiệu quả, người dân ủng hộ

Có mặt tại UBND phường Hưng Định, TP Thuận An, chúng tôi chứng kiến nhiều người dân đến làm các thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ phận “một cửa” bày tỏ sự hài lòng, thoải mái trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục. Các lĩnh vực thực hiện đều ghi rõ tên cán bộ phụ trách cùng số điện thoại để người dân liên hệ khi cần thiết. Lực lượng tình nguyện viên luôn có mặt để hướng dẫn, tư vấn cho người dân tham gia thực hiện TTHC mức độ 3, mức độ 4 thông qua trực tuyến. Bà Phan Thị Thu Tâm, ngụ khu phố Hưng Lộc, phường Hưng Định phấn khởi: “Từ khi có bộ phận “một cửa” của phường, gia đình tôi thực hiện các thủ tục được nhanh chóng, thuận lợi. Cán bộ phụ trách hướng dẫn tận tình, chu đáo, sẵn sàng giải đáp các vướng mắc. Đặc biệt, từ khi phường được phân cấp tiếp nhận đăng ký xe máy, mô tô, chúng tôi không mất nhiều thời gian đi làm giấy tờ như trước đây”.

Có mặt giám sát hoạt động bộ phận “một cửa”, đồng chí Ngô Tiến Đạt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hưng Định trao đổi rằng: "Ngay sau khi có sự chỉ đạo của cấp trên, phường đã khẩn trương thực hiện CCHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hướng đến sự thuận lợi cho người dân và tổ chức. Bên cạnh nâng cao chất lượng thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, lực lượng tình nguyện viên sẽ giúp người dân tạo tài khoản và thực hiện các hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Phường còn tăng cường thời lượng tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến bằng hình thức trực tiếp và thông qua mạng xã hội để người dân dễ dàng tiếp cận".

Người dân đến bộ phận “một cửa” của UBND phường Hưng Định, TP Thuận An, Bình Dương thực hiện thủ tục hành chính. 

Phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một là đơn vị đã công khai 133 TTHC thuộc 35 lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó, nhiều TTHC được giải quyết trên môi trường trực tuyến. UBND phường đang tiếp tục tổ chức vận hành hệ thống tài liệu về quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong CCHC. Theo đồng chí Phạm Hùng Sơn, Chủ tịch UBND phường Định Hòa, phường đã từng bước chuyển đổi bộ phận “một cửa” thành nơi giải quyết hồ sơ trực tuyến để tạo thuận lợi hơn trong quy trình xử lý công việc và giúp người dân giải quyết nhanh chóng các hồ sơ, thủ tục...

Là đơn vị được thí điểm đầu tiên của tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Thủ Dầu Một chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2018. Trung tâm đã ứng dụng hệ thống phần mềm “một cửa” điện tử quản lý hồ sơ và theo dõi hồ sơ, bảo đảm các yêu cầu về quản lý toàn bộ hoạt động của trung tâm. Qua đó, cho phép cán bộ, công chức trong cơ quan cập nhật tiến độ, kết quả giải quyết TTHC xuyên suốt, bảo đảm công khai, minh bạch. Đồng chí Lê Thanh Toàn, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một thông tin rằng: "Theo thẩm quyền giải quyết của địa phương, trung tâm cung cấp 13 thủ tục trực tuyến mức độ 3, hơn 180 thủ tục trực tuyến mức độ 4, tạo môi trường hành chính công thuận lợi, an toàn và tin cậy cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến là hơn 5.100 hồ sơ; trong đó hồ sơ đã giải quyết trong thời hạn là hơn 94%".

Tìm hiểu thêm tại các địa phương khác như thị xã Bến Cát, TP Dĩ An, huyện Bàu Bàng..., chúng tôi nhận thấy bộ phận “một cửa” các cấp là luôn hướng đến nâng cao tỷ lệ người dân, tổ chức, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến. Các xã, phường, thị trấn đã thành lập tổ tư vấn luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân về quy trình thực hiện các TTHC mức độ 3, mức độ 4. Một số địa phương còn có cách làm hay khi nâng cấp cổng thông tin điện tử, vừa cung cấp thông tin cần thiết ở địa phương, vừa công khai các thủ tục trực tuyến, số điện thoại tiếp nhận phản ánh, kiến nghị... để người dân, tổ chức tiện liên hệ công việc. 

Phát huy sáng kiến, đẩy mạnh chuyển đổi số

Theo kết quả công bố của Ban chỉ đạo CCHC Chính phủ, chỉ số CCHC năm 2021 của Bình Dương đứng hạng 13/63 tỉnh, thành phố, dẫn đầu các địa phương khu vực Đông Nam bộ. Kết quả trên có được là nhờ những chủ trương đúng đắn, sự triển khai quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thành lập Trung tâm giám sát, điều hành thông minh, triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, đồng chí Huỳnh Văn Sơn, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thuận An cho biết: “Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC, địa phương xác định cần không ngừng nâng cao nhận thức, năng lực, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp, cán bộ, công chức, viên chức. Lãnh đạo các cấp thường xuyên đối thoại, lắng nghe, lấy ý kiến người dân về mức độ hài lòng trong phong cách phục vụ của cán bộ, công chức để điều chỉnh nhằm thực hiện tốt hơn”.

Cùng với những giải pháp tổng thể, đồng bộ trong toàn tỉnh, các địa phương còn xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay phù hợp đặc thù, mang lại hiệu quả thiết thực trong CCHC. Trong đó, tiêu biểu như mô hình “Hỗ trợ tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công”, mô hình “Chính quyền thân thiện”, “Công sở thân thiện”...

Để tạo niềm tin, khả năng tiếp cận cho người dân về dịch vụ công trực tuyến, ngoài việc nâng cấp bộ phận “một cửa”, các địa phương đã triển khai hướng dẫn quy trình hẹn giờ dịch vụ chứng thực điện tử, cải tiến các khâu thực hiện điền thông tin vào các biểu mẫu hồ sơ trực tuyến bảo đảm thuận lợi hơn. Ngoài ra, các địa phương chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, giỏi nghiệp vụ, chuyên môn, có tác phong đạo đức tốt trong tiếp xúc, ứng xử với nhân dân.

Quan điểm hàng đầu của tỉnh Bình Dương trong CCHC là lấy người dân làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, công cụ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức cũng như hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp. Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 của địa phương là đổi mới toàn diện và nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông các cấp, đẩy mạnh chuyển đổi số trong CCHC. Sự quyết liệt của tỉnh thể hiện thông qua Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19-5-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 22-6-2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCHC nhà nước trên địa bàn. Tỉnh đang phấn đấu từ quý IV-2022 sẽ thực hiện “5 không: Làm việc không giấy, văn phòng không giấy, làm thủ tục không cần đến cơ quan công quyền, không dùng tiền mặt, không nhũng nhiễu, trễ hẹn.

Theo đồng chí Võ Văn Minh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, muốn nâng cao chất lượng CCHC, bên cạnh thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin thì phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác CCHC. Trọng tâm CCHC vẫn phải phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu xây dựng hiệu quả chính quyền điện tử, chính quyền số gắn với thành phố thông minh. 

Bài và ảnh: HỒNG GIANG