Vấn nạn này không chỉ hệ lụy trực tiếp đến người lao động (NLĐ), mà còn gây nhiều phiền toái cho cơ quan BHXH, các cơ quan quản lý lao động, gây bức xúc trong dư luận. Do chế tài xử lý nợ đọng BHXH chưa đủ mạnh để giải quyết dứt điểm các DN nợ BHXH, khiến NLĐ gặp nhiều khó khăn.

Căn bệnh “chây ỳ” nợ BHXH

Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 17 khu chế xuất-khu công nghiệp, với hơn 1.300 DN và 290.000 lao động. Trong số các đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH, có hơn 47% đơn vị đang nợ BHXH (trong số đó có cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng và hợp pháp của NLĐ, nhất là khi họ ốm đau, tai nạn, thai sản... Tuy lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố đã có nhiều hình thức xử lý nghiêm khắc đối với các DN này, song vẫn chưa thật sự triệt để. Tình trạng chây ỳ, chậm, trốn thanh toán BHXH đang có dấu hiệu “nhờn thuốc” và cần có những biện pháp xử lý cứng rắn hơn.

Bảo hiểm xã hội luôn là quyền lợi chính đáng của người lao động. Ảnh: Uyên Phương

Theo BHXH TP Hồ Chí Minh, tổng số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm tự nguyện (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn thành phố gần 3.000 tỷ đồng; trong đó DN nợ từ 6 tháng trở lên hơn 5.580 đơn vị, với số tiền hơn 1.350 tỷ đồng. Từ năm 2018 đến nay, BHXH thành phố đã chuyển hồ sơ 85 DN nợ BHXH sang cơ quan công an để kiến nghị xử lý theo Điều 216 của Bộ luật Hình sự. Những con số đó cho thấy sự trốn tránh về trách nhiệm của các DN trong khâu thanh toán BHXH và sự bất lực của NLĐ khi “của để dành” biến mất mà không có ngày hồi đáp.

Trong chương trình “Lắng nghe và trao đổi” về chủ đề “Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp-Quyền lợi người lao động” ngày 14-6 vừa qua, ông Tăng Hữu Phong, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh, nhưng tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục đã ảnh hưởng đến nguồn quỹ. Đa số DN nợ BHXH kéo dài, không có khả năng thanh toán, hoặc chiếm dụng số tiền đóng BHXH để làm việc khác, khi bị xử phạt thì không có khả năng đóng phạt và đóng tiền nợ. Thậm chí người sử dụng lao động còn cố tình không tham gia BHXH, BHYT, BHTN, hoặc tham gia nhưng không đủ số lao động đang làm việc tại đơn vị.

Bên cạnh đó, việc trục lợi BHXH vẫn diễn ra ở nhiều nơi dưới nhiều hình thức khác nhau chưa được xử lý triệt để. Điển hình là số đối tượng lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi, khi tiến hành mua bán sổ BHXH như món hàng cầm cố, thế chấp. Có người còn giả mạo cơ quan BHXH đưa lên Facebook để mua bán sổ BHXH, hoặc ủy quyền bằng cách lách luật. Câu hỏi được đặt ra với cơ quan chức trách là: Tại sao việc mua sổ BHXH lại dễ dàng đến thế?

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH

Chính sách BHXH, BHTN đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nguồn nhân lực của thành phố, vì vậy cần rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Bên cạnh đó, cần nâng cao mức xử phạt để đủ tính răn đe các DN có hành vi nợ BHXH kéo dài, hoặc trốn đóng BHXH. Việc xử lý hình sự đối với các đơn vị vi phạm cũng cần quyết liệt để làm gương cho các đơn vị khác.

Hiện Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh đã đại diện và bảo vệ quyền lợi cho 225 NLĐ, với số tiền gần 2 tỷ đồng, đồng thời chỉ đạo các quận, huyện thực hiện đại diện theo ủy quyền cho hơn 300 NLĐ. Tuy nhiên, việc đại diện và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ gặp rất nhiều khó khăn do thủ tục ủy quyền khá tốn kém và mất thời gian cho NLĐ. Vì vậy, đã có những kiến nghị với ngành tòa án cần nghiên cứu áp dụng thủ tục xét xử rút gọn hơn. Ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có biện pháp ngăn chặn các trường hợp chủ DN bỏ trốn, tẩu tán tài sản để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ một cách tốt nhất.

Để tiếp tục bảo đảm quyền lợi NLĐ, trong tháng 7-2020, BHXH TP Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị Công an thành phố điều tra, khởi tố hơn 20 DN vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. BHXH TP Hồ Chí Minh cũng là đơn vị đầu tiên trong ngành đề nghị khởi tố DN với các hành vi trên theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Việc làm này sẽ tạo điều kiện cho DN tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19; kiên quyết xử lý trường hợp trốn đóng, nợ đọng, trục lợi BHXH, BHTN, củng cố niềm tin cho NLĐ về quyền lợi, từ đó phát huy tinh thần lao động, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

CÚC LÊ