Đi làm ăn xa để lo cuộc sống

Có dịp trở về quê sau thời gian đi làm công nhân tại Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), chị Vũ Anh Quỳnh, sinh năm 1992, đảng viên thuộc Chi bộ khu Hố Sanh, Đảng bộ xã Hợp Nhất (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) tranh thủ gặp đồng chí bí thư chi bộ đóng đảng phí theo quy định. Chị Quỳnh chia sẻ: “Sau khi lập gia đình, điều kiện kinh tế khó khăn, tôi làm đơn xin cấp ủy, chi bộ tạo điều kiện được miễn sinh hoạt để đi làm công nhân trong khu công nghiệp, lo cho các con ăn học, đồng thời có thêm nguồn tích lũy”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Thế Quỳnh, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hợp Nhất, chia sẻ: “Đảng bộ xã có 19 chi bộ khu dân cư, trong đó có 32 đảng viên đi làm ăn xa, xin được miễn sinh hoạt Đảng tạm thời. Số đảng viên này đa phần còn trẻ, là lao động chính trong gia đình. Ai cũng muốn tìm cơ hội việc làm cho thu nhập ổn định và cao hơn, nên các tổ chức đảng đều tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên".

Đảng ủy xã Cao Xá (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) họp bàn nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát và quản lý đảng viên. (Ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: CHI HƯƠNG 

Khảo sát tại một số tổ chức đảng ở tỉnh Vĩnh Phúc, không ít trường hợp tương tự, như: Anh Vũ Văn Xuyên, đảng viên Chi bộ 5 (thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường); chị Nguyễn Thị Phượng, đảng viên Chi bộ thôn Đồng Sinh (xã Tân Lập, huyện Sông Lô)... sau khi xây dựng gia đình, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, các đảng viên đã xin miễn sinh hoạt Đảng tạm thời để đi làm kinh tế.

Có dịp tiếp xúc với anh Trần Quốc Quang, đảng viên Chi bộ 8 (phường Lộc Vượng, TP Nam Định, tỉnh Nam Định), chúng tôi được biết, anh được kết nạp Đảng trong thời gian đi bộ đội. Sau khi rời quân ngũ, do tích cực tham gia hoạt động ở địa phương, anh Quang được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố, đồng thời thuộc diện quy hoạch, dự nguồn cán bộ của phường Lộc Vượng. Nhưng do vợ chồng đều là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, các con còn nhỏ, thường xuyên đau ốm, đầu năm 2018, anh quyết định làm đơn xin miễn sinh hoạt Đảng, lên đường đi làm ăn xa.

Từ những thực trạng nêu trên, đồng chí Nguyễn Hữu Quân, Chủ tịch UBND xã Kim Long (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), trải lòng: "Mục đích phấn đấu vào Đảng của các quần chúng ưu tú là để mong được đóng góp công sức, trí tuệ cho Đảng, xây dựng tổ chức đảng ở địa phương vững mạnh, cũng là xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Đa phần đảng viên trẻ đều xông xáo, trách nhiệm, nhiệt huyết trong công việc, không ngại khó khăn, nhưng vì mưu sinh nên nhiều đồng chí không còn lựa chọn nào khác là phải xin miễn sinh hoạt Đảng để đi làm ăn xa".

Những vướng mắc nảy sinh

Thực tế cho thấy ở đảng bộ các địa phương, đảng viên đi làm ăn xa chủ yếu là lao động tự do, việc làm không ổn định, không có địa chỉ về nơi ở cụ thể, nên khó có xác nhận của chính quyền địa phương, tổ chức đảng nơi họ làm việc. Nếu đảng viên đi làm ăn xa theo thời vụ, đến kỳ sinh hoạt họ vẫn về tham gia đầy đủ thì không phải làm đơn xin miễn sinh hoạt Đảng, nhưng như vậy việc theo dõi, giám sát đảng viên thực hiện nhiệm vụ, cũng như xem xét, đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên sẽ thiếu khách quan và chính xác. Bên cạnh đó, đa số đảng viên đi làm ăn xa đang trong độ tuổi thanh niên, nên chi bộ thiếu đi cánh tay đắc lực đảm nhiệm công việc đòi hỏi sức trẻ.

Chi bộ 3, Đảng bộ xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) họp bàn tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú. (Ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: THU HÀ 

Ngoài ra, theo đồng chí Trần Dũng Đạt, Bí thư Chi bộ khu 7 (xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), nếu không có điều kiện sinh hoạt chi bộ, thực hiện theo quy định của Trung ương, đảng viên có thể làm giấy xin miễn sinh hoạt tạm thời. Tuy nhiên, việc không tham gia sinh hoạt chi bộ trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả tiếp thu các chủ trương, chính sách của Đảng, gây khó khăn cho công tác giáo dục, quản lý và theo dõi việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước của đảng viên. Một số cấp ủy cơ sở cũng thừa nhận, do bị ràng buộc bởi các mối quan hệ anh em, họ hàng, làng xóm nên việc xử lý các vi phạm, như: Không báo cáo, hoặc báo cáo miệng, “mất liên lạc” với chi bộ, chậm nộp đảng phí của đảng viên đi làm ăn xa, cũng chỉ dừng lại ở mức... “nhắc nhở”.

Làm gì để quản lý và “giữ chân” đảng viên

Một trong những giải pháp căn cơ để vừa quản lý hiệu quả đội ngũ đảng viên đi làm ăn xa, vừa “giữ chân” đảng viên gắn bó với địa bàn, tham gia sinh hoạt Đảng thường xuyên, theo nhiều lãnh đạo địa phương, bên cạnh đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giữ mối liên hệ thường xuyên với đảng viên đi làm ăn xa, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quan tâm, chăm lo, định hướng nghề nghiệp, mở rộng các lớp tập huấn, đào tạo nghề, bố trí công việc phù hợp cho đảng viên tại địa phương. 

Cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn tạo việc làm tại chỗ cho nhân dân, nhất là đảng viên trẻ, đảng viên là bộ đội xuất ngũ; không ngừng nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế để đảng viên học tập, làm theo, đồng thời ưu tiên hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ sản xuất. Song song với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các kế hoạch, mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần tạo nhiều việc làm và thu nhập ổn định ngay tại địa phương, giúp người dân và các đảng viên có cuộc sống ổn định.

Bên cạnh việc đổi mới quy định nhằm bảo đảm quyền lợi chính trị của đảng viên đi làm xa, thiết nghĩ các cấp ủy đảng cũng cần có biện pháp kiên quyết nhằm loại bỏ những đảng viên không đủ tư cách theo tinh thần Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về việc nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Ðảng. Muốn vậy, ngay từ khâu đầu tiên trong phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục quần chúng ưu tú, các chi bộ nông thôn phải thực hiện nghiêm túc, tránh chạy theo thành tích, tránh kết nạp vào Đảng những quần chúng chưa thật sự ưu tú, thiếu bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức.

NGUYỄN HỒNG SÁNG