Chuyển nhanh hỗ trợ đến người dân
Gần 17 giờ, ngày 8-10, có mặt tại trụ sở văn phòng khu phố 8, phường An Lạc A, quận Bình Tân, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều người dân đến nhận chi hỗ trợ theo gói thứ 3 của thành phố. Ông Nguyễn An Khương, Trưởng Khu phố 8 tất bật theo dõi, kiểm tra ở các khâu rà soát, đối chiếu danh sách, nhập dữ liệu. Thỉnh thoảng ông ra ngoài động viên người dân chịu khó, chia sẻ áp lực với tổ chi trả. Ông Khương cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng trao tiền hỗ trợ đến người dân nhanh nhất có thể. Các thành viên trong tổ làm việc không kể ngày đêm. Nếu bà con chịu khó đến nhận vào đầu buổi tối, chúng tôi vẫn thực hiện chi trả”.
 |
Người dân nhận hỗ trợ đợt 3 tại Khu phố 8, phường An Lạc A, quận Bình Tân. |
Bế con nhỏ trên tay, chị Sơn Thị Đên, người dân tộc Khmer (sinh năm 1985, quê Sóc Trăng) phấn khởi: “Được tổ trưởng tổ dân phố gọi đến nhận hỗ trợ, gia đình tôi rất biết ơn sự quan tâm của các cấp đối với người lao động nghèo. Nhà tôi có 3 người được nhận trong đợt này. Mọi việc thuận lợi như đợt hỗ trợ trước”. Hiện có hơn 30.100 người ở phường An Lạc A được nhận hỗ trợ đợt 3. Để phục vụ việc chi trả gói hỗ trợ được nhanh chóng, phường đã thành lập 8 tổ theo các khu phố, bố trí cán bộ của phường tham gia các tổ đến tận nhà chi tiền hỗ trợ cho người dân. Với những khu phố thuận lợi trong việc chi theo cụm dân cư thì sẽ thực hiện phát tập trung.
Tại trụ sở văn phòng khu phố 5, phường Tân Thành, quận Tân Phú, không khí chi hỗ trợ cũng tất bật, khẩn trương. Đồng chí Phan Tiến Đức, Bí thư Đảng ủy phường Tân Thành cho biết: Địa phương có hơn 17.600 người được nhận hỗ trợ đợt 3. Tuy phường triển khai chi hỗ trợ có chậm hơn so với dự kiến, nhưng tốc độ làm việc hiệu quả, phương pháp làm việc khoa học, nhanh đã giúp nhiều bà con nhận được tiền. Các tổ sẽ linh động cấp theo danh sách được phê duyệt rồi nhập bổ sung sau trên phần mềm.
Nhiều nghĩa cử cao đẹp
Tính đến hết ngày 15-10, có hơn 7,3 triệu người gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại các địa phương của TP Hồ Chí Minh đã nhận được tiền từ gói hỗ trợ an sinh lần thứ 3. Người nhận hỗ trợ theo đúng 5 nhóm đối tượng đang có mặt tại thành phố, không phân biệt thường trú hay tạm trú, đều được nhận 1 triệu đồng/người. Gói hỗ trợ này được đánh giá là có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, có độ bao phủ gần như toàn diện so với hai lần hỗ trợ trước đó. Qua ghi nhận tại các địa phương của thành phố, chúng tôi được biết, nhiều người dân thuộc diện được nhận hỗ trợ đã từ chối để nhường nguồn lực cho những người khó khăn hơn.
 |
Tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ, kết hợp chi hỗ trợ đợt 3 tại phường Tân Thành, quận Tân Phú. |
Gia đình chị Đinh Thị Thu Hương (ấp 4, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) có 5 nhân khẩu thuộc diện nhận hỗ trợ, nhưng chị xin không nhận để các cấp chăm lo cho bà con khó khăn hơn mình. Chị Hương chia sẻ: “Trong đợt dịch này, ai cũng gặp khó khăn, nhưng tôi thấy bản thân còn khỏe, có thể lao động trong khi xung quanh còn nhiều hoàn cảnh đáng thương hơn. Tôi muốn chia sẻ phần hỗ trợ của gia đình đến người thật sự đang rất cần”.
Cũng tại huyện Củ Chi, ông Lê Thanh Trưởng (ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ) đã gương mẫu nhường lại phần hỗ trợ và tuyên truyền mọi người xung quanh nếu chưa quá khó khăn thì nhường cho người khác. Con gái của ông, chị Lê Thị Thanh Hương cho biết: “Do ảnh hưởng dịch nên tôi cũng không buôn bán được, kinh tế gặp khó khăn. Nhưng qua lời động viên của bố, tôi rất vui lòng nhường lại phần hỗ trợ để ngành chức năng đưa đến trường hợp khó khăn hơn”.
Nghĩa cử cao đẹp của người dân TP Hồ Chí Minh khi tự nguyện nhường phần hỗ trợ cho người khác đã lan tỏa, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội những ngày qua. Chỉ riêng tại phường Linh Trung (TP Thủ Đức) đã có 1.600 người dân thuộc diện được nhận hỗ trợ đợt 3 nhưng tự nguyện nhường suất của mình cho người khác. Nhiều địa phương đã ghi nhận, biểu dương tinh thần “nhường cơm sẻ áo” đối với các trường hợp trên. Những suất hỗ trợ mà người dân tự nguyện nhường lại cho người khác đang được các cán bộ cơ sở tiếp tục rà soát, lập danh sách thêm những người thật sự khó khăn để hỗ trợ theo đúng tinh thần chăm lo của thành phố. Theo đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, việc người dân san sẻ phần hỗ trợ của mình cho người khác, thật sự là những tấm lòng cao quý.
Tháo gỡ những vướng mắc
Kể từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, TP Hồ Chí Minh đã chi hai đợt hỗ trợ và đang triển khai đợt thứ 3. Cùng với đó, thành phố đã tích cực triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, cùng các chương trình an sinh xã hội... Bình xét công khai, minh bạch, chi hỗ trợ rõ ràng cùng với tinh thần trách nhiệm, sự gương mẫu của cán bộ các cấp đã giúp cho chính sách của thành phố đến với người dân hiệu quả, thiết thực.
Trên thực tế, quá trình tổ chức triển khai các gói hỗ trợ, đặc biệt là gói thứ 3, nhiều vấn đề vướng mắc, phát sinh mà chính sách chưa thể đến đầy đủ với đối tượng thụ hưởng, đang cần các ngành giải quyết. Ở nhiều nơi, người dân phản ánh chưa nhận được sự hỗ trợ, không tiếp cận được các kênh hỗ trợ. Điều này gây ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch và hiệu quả công tác an sinh xã hội.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu sót trên, như: Cách triển khai không đồng bộ tại các địa phương, việc xác định đối tượng cần trợ giúp phải nhờ vào cán bộ cơ sở như tổ dân phố, công an khu vực có thời điểm còn sơ sót... Về phía người dân, nhiều người sinh sống, lao động nhưng không đăng ký tạm trú hoặc trình báo với địa phương để bám nắm trong đợt dịch này. Bên cạnh đó, ở góc độ các địa phương, khó khăn phát sinh chính là việc cập nhật giữa danh sách từ app SafeID Delivery với danh sách lập ban đầu của cơ sở không trùng khớp gây khó khăn, mất thời gian trong đối chiếu, số lượng truy cập lớn trong cùng một thời điểm đã làm nghẽn mạng. Một số địa phương cho rằng, công tác phòng, chống dịch đang nhiều đầu việc, cán bộ phân tán, yêu cầu thời gian chi hỗ trợ gấp nên chính sách có thể đến với người dân chậm hơn dự kiến.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, việc triển khai các gói hỗ trợ là chính sách đặc thù, riêng biệt của thành phố để hỗ trợ người dân thật sự khó khăn do dịch bệnh. Mỗi đợt có đối tượng tương ứng với mỗi thời điểm khác nhau của từng giai đoạn dịch, trong đó đợt thứ 3 là mở rộng thêm đối tượng hỗ trợ. Hiện nay, các quận, huyện và TP Thủ Đức vẫn đang cập nhật số người bổ sung hỗ trợ do sót lọt để tiếp tục xem xét hỗ trợ; thành phố quán triệt quan điểm là phải chi hỗ trợ đúng, đủ đối tượng, không bị trùng lắp.
Để thực hiện chính sách an sinh xã hội hoàn hảo cho một thành phố với hơn 10 triệu dân và trong tình cảnh dịch bệnh phức tạp là điều không dễ dàng. Các chính sách hỗ trợ của TP Hồ Chí Minh là chưa có tiền lệ, cũng là minh chứng sinh động cho tính chất nghĩa tình, nên rất cần sự đồng thuận, góp sức từ các cấp, các ngành và nhân dân. Việc triển khai các đợt hỗ trợ của thành phố mang ý nghĩa cao nhất là trợ giúp khẩn cấp, giúp người dân vượt qua lúc khó khăn nhất để an dân trong khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội. Công việc lâu dài là phải tập trung tạo việc làm, tiếp tục có chính sách chăm lo ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: PHI HÙNG -LÊ KHOA - XUÂN CƯỜNG