Nhịp sống mới ở những "vùng xanh"

Đến quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ những ngày này, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của chính quyền và người dân sau gần hai tuần thí điểm trở lại trạng thái bình thường mới. Nhiều khu dân cư đã gắn biển bảng chốt bảo vệ “vùng xanh”-vùng an toàn không có dịch.

Bà Nguyễn Thị Bạch Huệ, chủ cửa hàng tạp hóa Bạch Huệ tại chợ Cần Giờ (huyện Cần Giờ) cảm xúc: “Người dân đi chợ chưa nhiều do vẫn tuân thủ các quy định phòng, chống dịch (PCD). Sau những ngày ở nhà để giãn cách xã hội, được đi chợ trở lại, ai cũng vui mừng”. Còn anh Trần Hoàng Duy, Trưởng ban quản lý cụm chung cư Mỹ Phúc (phường Tân Phong, quận 7) bày tỏ: “Cụm chung cư của chúng tôi có gần 500 hộ dân đã giữ được an toàn trong các đợt dịch vừa qua. Được thí điểm bình thường mới đã tháo gỡ tâm lý căng thẳng, lo lắng vì dịch bệnh của cư dân, nhưng chúng tôi vẫn đặt việc PCD lên hàng đầu”.

Người dân quận 7, TP Hồ Chí Minh tập thể dục tại công viên Nam Viên, phường Tân Phú. 

Hơn 16 giờ, có mặt tại công viên Nam Viên (phường Tân Phú) và công viên Cảnh Đồi (phường Tân Phong) của quận 7, chúng tôi thấy một số người dân đang tập thể thao. Mọi người đều bảo đảm quy định giãn cách và mang khẩu trang đầy đủ. Người dân được tập thể thao trong thời gian từ 6 đến 8 giờ và 16 đến 18 giờ hằng ngày, đồng thời phải tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19, bảo đảm xét nghiệm theo quy định, cư trú ở “vùng xanh” liền kề với điểm luyện tập. Các điểm tập thể thao đều có ban quản lý và người quản lý. Anh Trần Nhật Huy (chung cư Mid Town, phường Tân Phú) phấn khởi nói: "Được tập thể thao ngoài trời là niềm vui của tôi và mọi người. Dù vẫn phải tuân thủ quy định "5K" nhưng ai cũng cảm thấy thoải mái”.

Còn tại thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), người dân cũng được phép luyện tập thể dục ngoài trời tại công viên và tuyến đường công cộng sát nơi cư trú. Theo đồng chí Nguyễn Thị Phương Kiều, Chủ tịch UBND thị trấn Cần Thạnh, từ ngày 15-9 đến nay, địa bàn không có ca F0 mới trong cộng đồng, gần 100% tổ dân phố là “vùng xanh”. Việc từng bước cho phép người dân được tập thể dục thể thao nằm trong lộ trình bình thường mới của địa phương.

Tại các xã “vùng xanh” của huyện Củ Chi, hoạt động được người dân ủng hộ là việc mở cửa các chợ dã chiến, chợ truyền thống. Người dân đi chợ theo phiếu do UBND xã cấp và phải thực hiện nghiêm "5K". Ở quận 7, huyện Cần Giờ, bà con cũng được đi chợ hoặc siêu thị gần nhà một lần trong tuần. Hiện huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch đề xuất thành phố cho phép học sinh trở lại trường học sau ngày 30-9.

Khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh

Tàu vừa cập cảng, ông Trương Văn Trai (sinh năm 1965, ngụ tại khu phố Phong Thạnh, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) cùng các thuyền viên đưa các loại hải sản lên bờ. Ông Trai vui mừng: “Tàu cá của tôi đã hai lần ra khơi sau khi được địa phương cấp phép hoạt động trở lại. Tuy sản lượng chưa nhiều nhưng chúng tôi rất phấn khởi khi được đánh bắt trở lại sau nhiều tháng phải neo tàu”.

Ngư dân huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh phấn khởi khi được ra khơi đánh bắt thủy sản. 

Đi dọc tuyến cảng cá của khu phố Phong Thạnh, chúng tôi cảm nhận được không khí tất bật khi các ngư dân chuẩn bị lưới, ngư cụ sẵn sàng cho những chuyến ra khơi. Nhịp sống mưu sinh đang dần trở lại khiến người dân rất háo hức. Đồng chí Võ Hoàng Kiệt, Chánh văn phòng HĐND và UBND huyện Cần Giờ cho biết: “Nghề nghiệp chính của địa phương là đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản nên cần ưu tiên cấp phép hoạt động trở lại. Việc cấp phép được tiến hành từng bước, phải bảo đảm an toàn mới cho hoạt động. Hiện huyện đã xét cấp phép cho hơn 360 phương tiện hoạt động”.

Vừa qua, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi đã phối hợp với Sở Du lịch thành phố chính thức thí điểm khôi phục hoạt động du lịch. Trước mắt, hai địa phương thí điểm mở lại một tour du lịch theo tiêu chí an toàn, tuân thủ "5K" và cách biệt với khu dân cư. Đó là tour có chủ đề "Cần Giờ-Thiên nhiên tươi đẹp" và “Hành trình xanh về vùng đất thép” nhằm phát triển du lịch sinh thái kết hợp tham quan giáo dục truyền thống, giới thiệu các ngành nghề, sản phẩm đặc trưng.

Quận 7 là địa bàn sôi động nhất trong 3 địa phương được thí điểm bình thường mới với 150 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được cấp phép hoạt động. Ngoài ra còn có gần 200 hồ sơ đăng ký khác sẽ được thẩm định để cấp phép. Đồng chí Nguyễn Hùng Tín, Chủ tịch UBND phường Tân Thuận Đông thông tin: Trên địa bàn phường có 200 doanh nghiệp và Khu chế xuất Tân Thuận với gần 170 doanh nghiệp (hơn 65.000 lao động). Dù chưa thể trở lại hoạt động đầy đủ nhưng các doanh nghiệp đều làm tốt công tác chuẩn bị, chủ động nguồn nguyên liệu, lao động và hoàn thiện hồ sơ xin hoạt động theo bộ tiêu chí an toàn, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Hiện nay, Ban quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn tại các “vùng xanh”. Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) áp dụng một trong 3 phương thức sản xuất là: “4 xanh” (người lao động xanh, cung đường xanh, nơi sản xuất xanh và vùng sản xuất xanh), “3 tại chỗ” hoặc kết hợp cả hai. Còn tại các khu công nghiệp thuộc huyện Củ Chi, doanh nghiệp được lựa chọn một trong 2 phương thức là “4 xanh” hoặc “3 tại chỗ”.

Để các doanh nhiệp trở lại hoạt động, quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ đang khẩn trương thực hiện việc tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân, đề xuất xây dựng các khu nhà lưu trú dã chiến cho công nhân, bảo đảm “1 cung đường, 2 điểm đến” an toàn.

Làm đến đâu chắc đến đó

Theo đánh giá của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt tại quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Số ca F0 mới tại 3 địa phương trên giảm rõ rệt, số ca chuyển biến nặng và tử vong ở mức thấp. Từ ngày 27-9, Bệnh viện Đa khoa quận 7 chính thức trở lại hoạt động khám, chữa bệnh bình thường theo mô hình “bệnh viện xanh”. Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi cũng trong lộ trình trở lại hoạt động bình thường như trước đây. Dù không điều trị F0 nhưng các bệnh viện này vẫn phải có khu cách ly với 10-20 giường, sẵn sàng cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19.

Nới lỏng giãn cách từ sau ngày 15-9, các quận, huyện thí điểm bình thường mới vẫn kiểm soát việc đi lại và các hoạt động khác một cách chặt chẽ. Hiện quận 7 vẫn tiếp tục giữ vững từng “pháo đài” tổ dân phố, khu phố, phường trong PCD. Quận tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh, giữ và bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, kết hợp giữa nới lỏng dần, thẩm định và đánh giá, thận trọng và chắc chắn trong từng hoạt động.

Ở huyện Củ Chi, quan điểm của lãnh đạo địa phương là nới lỏng giãn cách xã hội, thí điểm trạng thái bình thường mới nhưng chưa phải đã trở lại cuộc sống bình thường. Vì vậy, công tác PCD, bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu. Đồng chí Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo PCD Covid-19 huyện Củ Chi, cho biết: "Chúng tôi vẫn phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tự giác, trách nhiệm, thật sự là “chiến sĩ” trên mặt trận PCD. Có như vậy các bước thí điểm mới được vững chắc, bình thường mới sẽ trở thành hiện thực".

Kinh nghiệm của các địa phương thí điểm bình thường mới cũng cho thấy, phải bám sát chủ trương, cơ chế của Trung ương và thành phố để từng bước mở cửa, nới lỏng trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Hằng ngày, các cấp xã, phường, thị trấn đều phải báo cáo về quận, huyện công tác PCD, chăm lo an sinh, tiến độ thí điểm mở cửa những gì làm được, chưa làm được, đề xuất những giải pháp tiếp theo như thế nào... Lãnh đạo quận, huyện cũng thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm, đánh giá tình hình thực tế và cho phép thêm một số lĩnh vực được hoạt động nếu đáp ứng tốt các điều kiện an toàn.

(còn nữa)

Bài và ảnh: PHI HÙNG - CƯỜNG KHOA