Điểm sáng từ ứng dụng số hóa

Lường trước những khó khăn khi dịch Covid-19 còn có thể kéo dài đã giúp nhiều doanh nghiệp chủ động trong việc đặt kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Một trong những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là sức mua sụt giảm, trong khi chi phí tăng cao vì phải thực hiện xét nghiệm thường xuyên cho người lao động, cũng như bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch (PCD). Theo bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Quỹ Đầu tư và phát triển Nutricare, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Traphaco, ngay cả với lĩnh vực sản xuất dược phẩm là mặt hàng thiết yếu nhưng sức mua của người dân cũng giảm. Doanh nghiệp phải luôn sẵn sàng tâm thế chủ động ứng phó với dịch bệnh, tranh thủ từng thời gian để sản xuất, phân phối hàng hóa, có kế hoạch về cung ứng nguyên vật liệu, duy trì đội ngũ lao động trực tiếp...

Sản xuất sản phẩm tại nhà máy của Công ty Cổ phần Cơ điện TOMECO trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: ĐỨC KIÊN 

Một trong những điểm sáng của doanh nghiệp khi thực hiện giãn cách xã hội là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý cũng như dây chuyền sản xuất. "Chưa bao giờ tôi chứng kiến công nghệ số lại được phát triển và ứng dụng nhanh tại doanh nghiệp như giai đoạn hiện nay, từ họp trực tuyến đến sử dụng phần mềm trong quản trị nhân viên, quản trị khách hàng. Nhờ vậy, giúp doanh nghiệp tiết kiệm một phần chi phí để bù đắp cho những khoản chi khác", bà Vũ Thị Thuận chia sẻ. Bên cạnh đó, bà Vũ Thị Thuận nhìn nhận, sự sẻ chia trong nội bộ doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với cộng đồng xã hội cũng được phát huy, những người bị giảm việc, giảm thu nhập nhận được hỗ trợ kịp thời. Doanh nghiệp cũng tích cực ủng hộ cho quỹ vaccine ngừa Covid-19 và nhiều hoạt động vì cộng đồng khác. Cùng với nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, đây cũng là giai đoạn văn hóa doanh nghiệp được bổ sung, hoàn thiện, đồng thời tăng sức khỏe, sức đề kháng của doanh nghiệp thông qua công tác quản trị, áp dụng công nghệ số để tăng năng suất lao động, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Một số doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức kinh doanh từ truyền thống sang thương mại điện tử để thích ứng với tình hình mới. Ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP M2 Việt Nam, đơn vị chuyên về may mặc cho biết, do các trung tâm thời trang của M2 tại Hà Nội tiếp tục tạm dừng hoạt động bán hàng trực tiếp, công ty chuyển sang kinh doanh trực tuyến tại fanpage trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Công ty cũng chủ động áp dụng các giải pháp phù hợp, hiệu quả, bảo đảm an toàn với dịch bệnh theo phương châm “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”.

Mở rộng "vùng xanh doanh nghiệp"

Mô hình “vùng xanh doanh nghiệp” đã được Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai (Hà Nội) triển khai thí điểm và phát huy hiệu quả tại một số đơn vị trên địa bàn quận. Như tại Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam, với việc áp dụng mô hình này có 60 lao động làm việc “3 tại chỗ” trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; 100% người lao động được xét nghiệm hằng tuần; 95% người lao động được tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi một và 5% được tiêm vaccine mũi hai. Mặc dù công suất của công ty giảm 20-25% nhưng doanh nghiệp này vẫn bảo đảm không người lao động nào bị giảm lương.

Cũng thực hiện mô hình "vùng xanh doanh nghiệp", đại diện Công ty ICHI Việt Nam cho biết, với mô hình này, người lao động của công ty được xét nghiệm hằng tuần. Mỗi buổi sáng, các tổ an toàn Covid-19 đều có báo cáo tình hình, nếu phát hiện ai có yếu tố dịch tễ đều được công ty cung cấp dụng cụ để xét nghiệm nhanh Covid-19. Theo bà Bùi Thị Ngọc Thuỷ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai, điều ý nghĩa nhất của mô hình “vùng xanh doanh nghiệp” là doanh nghiệp cam kết xét nghiệm Covid-19 cho người lao động hằng tuần. Đây là điều kiện để bảo vệ người lao động và cũng là bảo vệ sản xuất. Từ hiệu quả thực tế, Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai đã nhân rộng “vùng xanh doanh nghiệp” ở 9 đơn vị. Trên cơ sở này, tiếp tục dựa vào kế hoạch (PCD) của TP Hà Nội để đổi mới, nhân rộng mô hình cho phù hợp với từng giai đoạn PCD.

 Đóng gói cà phê tại nhà máy của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Minh Tiến trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: ĐỨC KIÊN

Xây dựng các kịch bản phục hồi

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thành phố quyết liệt thực hiện mục tiêu kép vừa PCD hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) quý II-2021 tăng 6,61%, cao hơn quý I-2021 (5,17%). Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GRDP Hà Nội tăng 5,91%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2020 (2,92%). Căn cứ kết quả đạt được 8 tháng đầu năm và diễn biến PCD Covid-19, Hà Nội xây dựng hai kịch bản tăng trưởng năm 2021. Trong đó, kịch bản cơ sở là tăng trưởng quý III-2021 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2020, quý IV-2021 tăng 6,98% và dự báo cả năm đạt 4,54%. Đối với kịch bản thấp, GRDP quý III-2021 giảm 0,98%, quý IV-2021 tăng 5,15% và cả năm dự kiến đạt 3,97%.

Bên cạnh đó, dự báo, Hà Nội có 5/24 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội không đạt kế hoạch. Cụ thể, tốc độ tăng GRDP (dự kiến tăng 4,54% so với kế hoạch là 7,5-8%); GRDP bình quân đầu người (128,9 triệu đồng/người/năm-kế hoạch là 135-136 triệu đồng); tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn (tăng 7%-kế hoạch là 12-12,5%); tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 3,5%-kế hoạch là 5%); thu ngân sách trên địa bàn (hơn 239 nghìn tỷ đồng-kế hoạch là hơn 251 nghìn tỷ đồng). Các chỉ tiêu khác phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch.

Việc nới lỏng các quy định PCD dựa trên kết quả khả quan từ kiểm soát dịch bệnh của Hà Nội đã tạo tín hiệu tích cực, tăng thêm niềm tin, động lực cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới giai đoạn mới. Tuy nhiên, với áp lực gia tăng về nguồn vốn, thị trường, cung ứng nguyên vật liệu và nhiều yếu tố thiết yếu khác, cần nhìn nhận rõ khó khăn của doanh nghiệp và kịp thời có giải pháp thiết thực để tháo gỡ. Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, hiện nay, thành phố có hơn 300.000 doanh nghiệp, trong đó, 98,5% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2020. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho thấy, chỉ khoảng 1,41% số doanh nghiệp trên địa bàn hiện đang hoạt động tốt; 57,1% hoạt động cầm chừng; 38,97% đang hoạt động bình thường; 2,61% tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể.

Đề xuất tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2021, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội kiến nghị, bên cạnh kiên định, quyết liệt PCD, thành phố cũng cần linh hoạt trong áp dụng các mô hình hoạt động của doanh nghiệp, ví như mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến". Doanh nghiệp quy mô nhỏ, dưới 50 người có thể thực hiện được các mô hình này, với doanh nghiệp lớn, quy mô hàng nghìn lao động cần có phương án linh hoạt hơn, giảm áp lực khi chi phí tăng quá cao. Bên cạnh đó, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể như: Du lịch, lưu trú, vận tải, xây dựng... cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian thực hiện thủ tục, nhất là liên quan đến các gói hỗ trợ; bảo đảm tốt cung ứng, lưu thông hàng hóa trên địa bàn...

Thực tế, qua 4 lần thực hiện giãn cách xã hội để PCD, Hà Nội đã bảo đảm công tác cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, không để thiếu hàng, tăng giá. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sở sẽ xây dựng, ban hành tiêu chí an toàn sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án bảo đảm sản xuất an toàn; nắm bắt đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu với thành phố và Trung ương hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, như về vốn, thuế, lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, giảm hàng tồn kho... Khi tình hình dịch được kiểm soát, Hà Nội dự kiến triển khai các đợt kích cầu thương mại, giúp các doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đây là điều kiện quan trọng để doanh nghiệp mở rộng tiếp cận thị trường, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhóm phóng viên Phòng BT KT-XH-NC