Để phản ánh rõ hơn thực trạng và tìm ra những giải pháp hiệu quả giúp đỡ bộ phận lao động này, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã tìm hiểu thực tế ở một số doanh nghiệp, địa phương.
Chật vật gánh nặng áo cơm
Rời mảnh đất làng quê quanh năm gắn bó với ruộng đồng, vừa học hết lớp 12, Nguyễn Thị Trang, ở xã Thụy Duyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã lên thành phố Thái Bình làm công nhân may trong Khu công nghiệp Phúc Khánh. Những tưởng cuộc sống chốn thị thành sẽ là “miền đất hứa”, nhưng giấc mộng của cô đã dần trở nên xa vời. Tới nay, đã hơn 10 năm trong nghề, chuyển đổi 3-4 công ty khác nhau, song mức lương của Trang hiện tại cũng chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Trò chuyện với chúng tôi giữa căn phòng chật hẹp, ngoài trời nắng như đổ lửa, chốc chốc Trang lại ngước mắt nhìn đồng hồ, sợ quá giờ tăng ca. Trang cho biết: “Những đợt công ty có nhiều đơn hàng, chúng em phải tăng ca triền miên từ 9-11 giờ/ngày, ấy vậy mà mức lương cũng chỉ được khoảng hơn 4 triệu đồng. Cuộc sống ở thành phố cái gì cũng đắt, em luôn phải “chắt bóp” từng đồng”.
Nữ công nhân Lê Thị Hạnh quê ở xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã làm may tại TP Hải Phòng hơn 3 năm. Hạnh tâm sự: "Hiện thu nhập của em là 3,7 triệu đồng. Mỗi ngày đi làm, công ty hỗ trợ tiền ăn trưa 10 nghìn đồng, tiền lương đã “bèo bọt” nhưng nếu làm hỏng sản phẩm sẽ phải ở lại làm thêm giờ không công, còn tiếp tục bị trừ lương. Khi có nhiều đơn hàng, công ty cho tăng ca thì em dành dụm, tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng/tháng. Em ngồi may cổ áo cố định trên dây chuyền và 1 giờ tăng ca cũng chỉ được có 27 nghìn đồng”.
Nữ công nhân chiếm tỷ lệ lớn tại Công ty May Đồng Tiến (Đồng Nai). Ảnh: Nguyễn Cường.
Theo khảo sát của Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tỷ lệ lao động nữ có thu nhập dưới 3 triệu đồng/tháng chiếm đến 31,3%; từ 4,1 đến 5 triệu đồng/tháng chiếm 28,6% và chỉ có khoảng 2% có thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Nếu tính riêng ngành dệt may, con số còn thấp hơn. Còn theo nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), công nhân dệt may có hơn 80% là nữ, thu nhập chỉ khoảng 3,5-4 triệu đồng/tháng. Số tiền này hiện đang thấp hơn mức sống tối thiểu, nên có tới 70-80% công nhân phải làm tăng ca để có thêm thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho biết: Các khoản tiền khác mà doanh nghiệp tạo ra như tiền hỗ trợ xăng xe, tiền nuôi con, nhà ở… chiếm khoảng 20-25% tổng thu nhập của công nhân. Nếu không có những khoản này thì đồng lương của công nhân ngành dệt may rất thấp nên phần lớn công nhân đều chấp nhận tăng ca. Thậm chí, đây còn được coi là sự “cứu cánh” để tồn tại.
Hầu hết nữ công nhân dệt may phải thuê nhà ở trong những khu nhà trọ chật hẹp, tồi tàn, ẩm thấp, ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Hy vọng đủ tiền mua nhà, dù là nhà ở xã hội của họ dường như quá xa vời. TP Cần Thơ là một trong số ít địa phương quan tâm, có kế hoạch và đề án xây dựng nhà ở công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Trà Nóc 1, 2 và Thốt Nốt từ cách đây 3 năm. Nếu mọi việc theo kế hoạch, thành phố sẽ giúp cho hơn 30.000 công nhân có nhà ở. Thế nhưng, vì nhiều vướng mắc do cơ chế, thiếu vốn, đến nay, đề án vẫn chưa thành hiện thực dù UBND TP Cần Thơ đã giao việc xây dựng nhà ở công nhân cho 3 đơn vị làm chủ đầu tư.
Ít cơ hội học hành, phát triển nghề nghiệp
Do đặc thù công nhân dệt may chỉ được đào tạo nghề ngắn hạn và đảm nhiệm một công đoạn trong quá trình làm ra sản phẩm nên khi thất nghiệp, họ buộc phải trở lại quê làm ruộng hoặc kiếm tìm một công việc khác. Trong khi đó, đa số nữ công nhân phải làm việc với cường độ cao, điệp khúc “ăn - ngủ - đi làm” thường xuyên tái diễn. Điều này dẫn tới việc, mong muốn được giao lưu, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức mọi mặt của các lao động nữ càng trở nên bó hẹp.
Chị Nguyễn Thị H. (xin được giấu tên), đang làm may tại TP Biên Hòa, tỉnh Bình Dương cho biết, do đã gần 40 tuổi và làm việc liên tục với cường độ cao dẫn đến việc sức khỏe giảm sút, các thao tác của chị trở nên chậm chạp, làm ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Chị H. phải xin nghỉ và đi làm phu hồ, lúc xin đi rửa bát ở các nhà hàng ăn uống. “Tiếng là làm nghề may, nhưng gần chục năm, tôi chỉ biết làm mỗi một công đoạn”, chị H. chia sẻ.
Thu nhập khá cao và điều kiện sống ổn định đã giúp nữ công nhân may Công ty 76 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) luôn yên tâm gắn bó với công ty. Ảnh: Quang Thái.
Phần lớn nữ công nhân ngành may tuổi đời còn rất trẻ, trung bình từ 18-25. Hằng ngày, họ phải làm việc liên tục thậm chí có người từ 12-14 giờ nên sức khỏe giảm, nhan sắc cũng "tàn phai" rất nhanh. Nhiều người mong đi làm kiếm đồng vốn rồi về lấy chồng, nhưng khi bước chân ra khỏi nghề thì "sắc xuân" đã nhạt cộng với việc không có thời gian tìm hiểu nên có nhiều chị em đành trở lại quê nghèo chấp nhận những cuộc hôn nhân không như mong đợi.
Theo điều tra gần đây của Viện Khoa học Lao động-Xã hội, số lao động nữ ngành dệt may là người ngụ cư tại những địa phương có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương chỉ có 49,01% tốt nghiệp THPT và còn tới 5,56% mới tốt nghiệp tiểu học, thậm chí có 1,74% chưa tốt nghiệp tiểu học. Thế nhưng, cơ hội học tập, nâng cao trình độ của họ rất khó khăn.
Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thêm một thực tế: “Tuổi đời lao động của nữ công nhân may rất thấp. Doanh nghiệp chủ yếu tận dụng lao động độ tuổi dưới 40. Do phải ngồi nhiều nên họ thường mắc các bệnh nghề nghiệp như: Đau lưng, mắt kém và bị chủ doanh nghiệp sa thải. Điều này dẫn đến một thực tế xót xa khi chị em về quê thì không còn ruộng đất, có người còn chưa kịp lấy chồng. Tiền bảo hiểm xã hội thì phía doanh nghiệp đóng rất thấp, có nơi còn không có”.
Đến nay, đã qua 25 năm kể từ khi có các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đi vào hoạt động (từ năm 1990), một bộ phận công nhân đã đến tuổi hưu trí, trong đó có nhiều nữ công nhân. Theo quy định hiện hành, nhiều công nhân được hưởng lương hưu với mức tương đương… chuẩn nghèo của các thành phố lớn, chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Bà Vũ Thị The ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh là một ví dụ của thực trạng đó khi nghỉ hưu năm 2012 với mức lương hưu chỉ gần 800.000 đồng, sau được bù cho tương đương mức lương tối thiểu. Để xoay xở sinh kế, bà The đã xin lãnh đạo Công ty TNHH Mountech tham gia chuyển vật liệu may phát cho công nhân trong dây chuyền. Cùng bà có 10 người được công ty thông cảm nhận vào làm việc dù đã nghỉ hưu. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, khoảng 10 năm tới, công nhân ngành dệt may tuổi đời trên 40 bị “nghỉ hưu non” sẽ lên tới con số 2-3 triệu người. Đây được xem là gánh nặng tạo ra sức ép về việc làm rất lớn cho xã hội; rất cần phải có những dự báo và giải pháp sớm từ hôm nay.
Chỗ ở cho công nhân cũng đang là vấn đề bức xúc, Tiến sĩ Vũ Quang Thọ cho biết: “Do thiếu sót trong công tác quy hoạch, nhiều nơi không tính tới chỗ ở cho công nhân. Công đoàn đã yêu cầu doanh nghiệp xây dựng thêm ký túc xá song khó thực hiện do không còn đất. Tới nay, doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được gần 20% chỗ ở, số còn lại phải thuê trọ ở ngoài”. |
(còn nữa)
Nhóm Phóng viên Phòng Bạn đọc - CTV