Giúp gần 500.000 người thu nhập thấp có nhà

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến tháng 12-2016, trên cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 71.150 căn hộ, tương đương với khoảng 3,7 triệu mét vuông, tổng mức đầu tư khoảng 25.900 tỷ đồng, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500 nghìn người thu nhập thấp, công nhân lao động tại đô thị và khu công nghiệp. Nhà ở xã hội đã thực sự nâng cao đời sống cho nhiều người thu nhập thấp.

Qua khảo sát tại Hà Nội, Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy các khu nhà ở xã hội đều có chất lượng tốt, diện tích vừa phải, giá cả hợp lý, rất lý tưởng cho những đối tượng thu nhập thấp, những người sống độc thân, những cặp đôi mới kết hôn. 

leftcenterrightdel
Khu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá (TP Hà Nội). Ảnh: TUẤN HUY 

Tại Khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội)-là một trong những khu đô thị thực hiện tốt chính sách về nhà ở xã hội, chủ đầu tư đã dành đủ 20% quỹ đất dự án khu đô thị theo đúng quy định để phát triển nhà ở xã hội (doanh nghiệp đầu tư bất động sản phải dành 20% đất dự án để thực hiện nhà ở xã hội). Chị Nguyễn Thu Hà-cư dân khu nhà ở xã hội Đặng Xá-vẫn chưa hết bồi hồi khi có căn hộ tại đây, sau hành trình tìm nơi an cư gian nan kéo dài đến 10 năm của gia đình. Từ tỉnh khác tới Hà Nội, trong 10 năm đầu gia đình chị phải thuê nhà trọ. Tiền tích lũy của hai vợ chồng chị không thấm vào đâu so với giá nhà tại Thủ đô. Năm 2011, khi dự án Khu đô thị Đặng Xá mở bán giai đoạn 1, chị Nguyễn Thu Hà bắt đầu biết đến chính sách nhà ở xã hội. Sau khi tham khảo gia đình chị quyết định mua căn hộ gần 70m2 với giá bán lúc đó khoảng 700 triệu đồng, được ngân hàng cho vay 70% theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ, lãi suất ổn định 5% trong vòng 10 năm. "Nhờ mức giá căn hộ thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại, rồi lại được vay tiền, với lãi suất ổn định, lại được trả dần hằng tháng nên áp lực tài chính không quá lớn, nên chúng tôi mới dám mua nhà”, chị Nguyễn Thu Hà chia sẻ. Tại Khu đô thị Đặng Xá, trong 5 năm, Tổng công ty Viglacera (Bộ Xây dựng) đã triển khai 3 giai đoạn xây dựng nhà ở xã hội, với gần 3.500 căn hộ tương đương khoảng 10.000 nhân khẩu. Căn hộ tại đây có diện tích từ 35,8m2 đến 69,5m2, giá bán trung bình chưa đến 9 triệu đồng/m2, với căn diện tích 35,8m2 thì tổng trị giá căn nhà chỉ hơn 300 triệu đồng.

Tại các khu nhà ở xã hội Cát Tường và Kinh Bắc ở TP Bắc Ninh, chúng tôi thấy người dân tại những nơi này cũng rất thoải mái trong các nhà ở xã hội. Chị Đặng Thị Lan, làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ, là cư dân tại khu nhà ở xã hội Cát Tường, cho biết, căn hộ của chị có diện tích 53m2, giá bán là 6,9 triệu đồng/m2; như thế, cộng cả thuế, giá căn hộ chỉ hơn 400 triệu đồng. Không những thế, chị cũng được ngân hàng cho vay đến 70% giá trị căn hộ theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nên chỉ cần có hơn 120 triệu đồng là đã mua được nhà.

Nhu cầu nhà ở còn quá lớn

Nhà ở xã hội được định nghĩa là nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cho các đối tượng được quy định của Luật Nhà ở thuê hoặc thuê mua (người thuê nhà ở sau một thời gian quy định thì được mua và được công nhận sở hữu đối với nhà ở đó) theo quy chế do Nhà nước quy định tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 của Chính phủ. Một số đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội là: Công chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang chưa có nhà ở ổn định, người có thu nhập thấp... được mua, được cho thuê, cho thuê mua với giá rẻ hơn so với giá thị trường. Hiện nay, mức giá nhà ở xã hội dao động khoảng 7-13 triệu đồng/m2, tùy theo địa phương và dự án.

Thực tế, trong giai đoạn đầu khi một số dự án nhà ở xã hội được mở bán, không ít người dân còn e ngại do phải làm thủ tục xác nhận thu nhập, tình trạng chỗ ở, cũng như phải qua xét duyệt của cơ quan chức năng, rồi những lo ngại về chất lượng nhà. Nhưng khi thấy hết những ưu đãi, những lợi ích và chất lượng của các khu nhà ở xã hội thì nhu cầu mua ngày càng tăng cao, cung không đủ cầu. Như tại dự án nhà ở xã hội Ecohome (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô làm chủ đầu tư, ở giai đoạn đầu có 930 căn hộ, chủ đầu tư tiếp nhận khoảng 1.400 hồ sơ đăng ký mua nhà. Khi thực hiện giai đoạn 2, số căn hộ tăng lên 980 căn, số hồ sơ đăng ký mua nhà lên đến 2.000 hồ sơ.

Tại TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có 14 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, với quy mô hơn 5.100 căn hộ. Một số dự án nổi bật có thể kể đến như: Chung cư Đông Hưng II (quận 12), Khu chung cư 171A Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), Chung cư Nguyễn Thượng Hiền (quận Gò Vấp)...

Thế nhưng, theo Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp chưa đáp ứng đủ nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Bởi lẽ, so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, khoảng 250.000 căn hộ thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.

Góp phần cứu thị trường bất động sản

Sự vận động của thị trường bất động sản thời gian qua vẫn được gắn với những cụm từ như "bong bóng" bất động sản, tăng trưởng "nóng"... Điều đó phản ánh một thực tế là thị trường bất động sản đã quá chú trọng vào phân khúc nhà ở cao cấp, trung cấp mà chưa quan tâm nhiều đến nhà ở giá rẻ, nhà cho người thu nhập thấp. Giai đoạn 2009-2012, thị trường bất động sản chứng kiến tình trạng "đóng băng", rất ít giao dịch mua bán, lượng hàng tồn kho lớn. Một nguyên nhân chính theo TS Lê Bá Chí Nhân, chuyên gia kinh tế, là do xu hướng đầu tư quá lớn vào căn hộ cao cấp hào nhoáng, khiến thị trường bất động sản mất cân đối trầm trọng. Đại bộ phận người dân chỉ có mức thu nhập khiêm tốn 6-7 triệu đồng/tháng, ít người thu nhập đến 100 triệu đồng/tháng để mua nhà 5-6 tỷ đồng. Trong khi với những người thu nhập thấp, nhu cầu nhà ở lại vô cùng lớn nhưng họ không có đủ khả năng chi trả để mua nhà dẫn đến thị trường "đóng băng", nhà xây ra nhưng ít người mua.

Việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đã góp phần quan trọng vào việc tái cấu trúc thị trường bất động sản, khắc phục lệch pha cung-cầu, giúp cho thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. Phát triển nhà ở xã hội được đánh giá là hướng đi đúng vào phân khúc nhà ở có nhu cầu lớn nhất của thị trường, kích thích doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này. Nhà giá cao không bán được buộc doanh nghiệp phải nhìn nhận lại xu hướng đầu tư của mình, chuyển sang làm nhà giá rẻ. Có những chủ đầu tư phát triển một khu đô thị mới, trong đó phải dành 20% để xây dựng nhà ở xã hội. Quỹ đất có sẵn, nhu cầu luôn dồi dào nên họ đẩy nhanh việc xây dựng nhà cho người thu nhập thấp.

Thời gian vừa qua, có xu hướng các doanh nghiệp bất động sản đăng ký chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội. Nếu như trước đây, đầu tư vào nhà ở xã hội, nhà giá rẻ chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, hiện nay, đã có sự tham gia của cả doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ như tại Bắc Ninh, Công ty CP Cát Tường trước đây chỉ làm các nhà ở thương mại phân khúc cao, nay đã chuyển sang nhà ở xã hội. Có những đơn vị trước đây chỉ tham gia ở phân khúc trung, cao cấp, nay cũng đã đầu tư xây dựng những dự án nhà giá rẻ (chưa đạt tiêu chí nhà ở xã hội theo quy định). Mới đây, Tập đoàn Vingroup công bố ra mắt dòng sản phẩm bất động sản đại chúng, với mức giá bình quân chỉ từ 700 triệu đồng, được quy hoạch theo mô hình khu đô thị khép kín với hạ tầng tiện ích và dịch vụ đồng bộ. Trong giai đoạn đầu, dự án sẽ được đồng loại triển khai tại 7 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nha Trang. Dự kiến, Vingroup sẽ xây dựng từ 200.000 đến 300.000 căn hộ loại này trong vòng 5 năm tới.

Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp ngày càng gia tăng. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, từ nay đến năm 2020, để giải quyết chỗ ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị cần khoảng 1 triệu căn hộ, tương đương với khoảng 50 triệu mét vuông. Một số địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội lớn là Hà Nội hơn 110.000 căn; TP Hồ Chí Minh: 134.000 căn; Đà Nẵng: 11.500 căn; Đồng Nai: 36.700 căn; Bình Dương: 41.250 căn… Các địa phương trên cả nước đang tiếp tục triển khai 191 dự án nhà ở xã hội, với quy mô xây dựng khoảng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỷ đồng. Nắm bắt được nhu cầu này sẽ là chìa khóa không chỉ giúp doanh nghiệp bất động sản tiêu thụ sản phẩm mà còn giảm sức ép về nhà ở cho xã hội.

QUANG PHƯƠNG - MẠNH HƯNG - TRƯỜNG GIANG - HÙNG KHOA

--------------------------
(Còn nữa)