Trước hết hãy nói về thất bại của chủ nhà Qatar. Trận thua Ecuador cho thấy trình độ quá cao và sự khắc nghiệt của World Cup. Đội bóng non trẻ vùng Vịnh từng đoạt ngôi vương châu Á, song đã bị choáng ngợp trong lần đầu được tham dự trước mưu lược, kinh nghiệm dày dạn của đội bóng Nam Mỹ. Nhưng hãy ngừng phê phán, dè bỉu sự ngây thơ, loay hoay của họ. Tân binh ra trận chuyện đó là lẽ thường. Vả lại, mục tiêu của Qatar khi đăng cai World Cup không đặt cao chuyện thành tích bóng đá mà bao quát nhất là giới thiệu đất nước miền sa mạc thời hiện đại như một thương hiệu thu hút thế giới. Tổ chức tốt World Cup có nghĩa là họ có thể làm được nhiều điều hơn nữa. Kiểu làm bóng đá đổ tiền đi tắt ăn nhanh thì có lẽ là vô tiền khoáng hậu, chẳng ai học nổi và cũng không nên học.

 Niềm vui của các cầu thủ Nhật Bản sau trận đấu với Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Để phát triển bóng đá, Saudi Arabia, quốc gia gần gũi với Qatar còn có tiềm lực nhiều mặt vượt trội nhưng đã chọn cách đi từng bước. Cũng phải đến kỳ tham dự World Cup thứ 5 này Saudi Arabia mới lập được chiến tích đánh bại Argentina để cả thế giới phải ngả mũ thán phục. Chiến tích ấy có thực lực đáng nể của họ. Dù không có cầu thủ nào đá ở châu Âu song giải vô địch quốc gia của họ có chất lượng cao. Năm nay, Saudi Arabia đứng đầu vòng loại cuối cùng World Cup khu vực châu Á, vượt trên cả Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Oman để đoạt vé chính thức. Người Việt Nam biết rõ sức mạnh của họ đến đâu khi đội tuyển chúng ta thua cả hai lượt trận. Đội U.23 của họ cũng vô địch châu Á trong mùa hè vừa qua.

Khác với Saudi Arabia và Qatar, Hàn Quốc và Nhật Bản có nhiều cầu thủ đá tại châu Âu, nhiều nhất là tại Đức. Hai kỳ World Cup liên tiếp tuyển Đức bị hai đội bóng Đông Á đánh bại đều có dấu giầy của những cầu thủ đang thi đấu tại trời Âu này. Song nên nhớ việc mở cửa đón nhận thầy tài, quân giỏi trong nhiều chục năm qua đã làm bóng đá các quốc gia này nâng cấp rõ rệt. Các câu lạc bộ (CLB) của họ có mặt thường xuyên và chinh phục các giải đấu châu lục. Không có cái nền đó không có cầu thủ đáng được các CLB châu Âu tuyển mộ, không sản sinh ra được những tướng tài.

Quá trình World Cup với các nền bóng đá đi sau là rất dài gắn với các bước phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, thể thao của mỗi quốc gia. Hai kỳ đăng cai Olympic của Nhật Bản, một kỳ đăng cai World Cup của Hàn Quốc và Nhật Bản cùng nhiều giải đấu quốc tế khác là những tầng nấc nâng chất lượng cho bóng đá hai quốc gia này. 

Người Việt Nam đặc biệt quan tâm đến bóng đá của Nhật Bản và Hàn Quốc bởi nhiều lẽ: Có quan hệ gắn bó sâu đậm nhiều mặt, có sự tương đồng về văn hóa, về tố chất con người đá bóng. Đặc biệt những người thầy mà tiêu biểu là huấn luyện viên Park Hang-seo đã giúp bóng đá Việt Nam nâng tầm. Chúng ta cũng đã từng nêu lên phương hướng học Nhật Bản, rồi Hàn Quốc, song thực tế chưa diễn ra như mong muốn. Cầu thủ Việt Nam chưa sẵn sàng đến với các giải đấu trên đất bạn. Số ít ỏi từng đi đều chưa thành công. Không được sống và đá ngay trong lòng các CLB của họ làm sao hiểu biết, học hỏi cho đến nơi đến chốn. Nhưng việc này là khó và dài lâu. Trước mắt là cần nhiều hơn những người thầy và cầu thủ giỏi, kinh nghiệm từ hai nền bóng đá này cũng như từ nhiều quốc gia bóng đá phát triển khác. “Du học”, “du đấu sân nhà” là bệ phóng cơ bản cho bóng đá nước nhà cất cánh. Bóng đá châu Á đang đi lên, niềm tin của chúng ta vào chính mình cũng được nhân lên.

THƯỜNG NGUYỄN