Bốn năm một lần, 32 đội bóng hay nhất hành tinh sẽ tranh tài trong kỳ World Cup với giấc mơ nâng chiếc cúp vàng danh giá của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) có khắc tên quốc gia vô địch dưới đáy. Tuy nhiên, đội vô địch chỉ được giữ chiếc cúp nguyên bản trong thời gian rất ngắn, sau đó phải trả lại FIFA và nhận cúp bản sao mạ vàng. Bản gốc của cúp vô địch sau đó được gửi về xưởng đúc GDE Bertoni.

Vừa qua, chiếc cúp vô địch World Cup cuối cùng cũng đã cập bến Qatar trước khi khởi tranh giải đấu năm nay vào ngày 20-11, sau “chuyến lưu diễn” vòng quanh thế giới kéo dài 51 chặng, bao gồm các chặng dừng chân ở tất cả 32 quốc gia đã vượt qua vòng loại World Cup 2022.

Chiếc cúp có tuổi đời gần nửa thế kỷ

Thực tế, chiếc cúp vàng World Cup được trao cho các nhà vô địch ngày nay không phải phiên bản đầu tiên của FIFA. Trong những kỳ World Cup đầu tiên, FIFA sử dụng chiếc cúp đặt tên theo cựu Chủ tịch FIFA Jules Rimet, người đã công bố nó. Cúp Rimet cuối cùng thuộc về Brazil tại World Cup 1970 ở Mexico, sau chiến thắng 4-1 trong trận chung kết lịch sử với đội tuyển Italia.

leftcenterrightdel
Cúp vàng đầu tiên tại World Cup có thiết kế khác và mang tên Rimet. Ảnh: The National.

Từ đó, FIFA quyết định tạo ra một chiếc cúp mới, bằng việc phát động một cuộc thi quốc tế nhằm tìm kiếm thiết kế đẹp nhất. Cuối cùng, chiếc cúp vàng được chọn là một sản phẩm của nhà điêu khắc người Italia Silvio Gazzaniga (1921-2016), vượt qua 53 tác phẩm khác từ 17 quốc gia trên khắp thế giới. Chiếc cúp thật được làm rỗng từ 5kg vàng 18 carat với đế có đường kính 13cm. Đội đầu tiên được chạm vào là đội tuyển Tây Đức tại World Cup 1974.

Nhà điêu khắc Silvio Gazzaniga từng tiết lộ, chiếc cúp có hai cầu thủ đang giơ cao tay trong niềm vui chiến thắng. Hình ảnh ấy chứa đựng thông điệp về sự năng động, sức mạnh, tốc độ, tinh thần thể thao và nỗ lực tìm kiếm chính mình trên đỉnh vinh quang của thế giới. Ngoài ra, chính ông Eugenio Losa – người thành lập xưởng đúc GDE Bertoni vào năm 1938 - đã gợi ý thêm chi tiết quả địa cầu trên đỉnh cúp cho tác giả.

leftcenterrightdel
Nhà điêu khắc Silvio Gazzaniga là tác giả của chiếc cúp vàng World Cup hiện tại. Ảnh: The Sun. 

Sau khi được trao cho nhà vô địch và được khắc tên vào đế, chiếc cúp sẽ được trao trở lại để GDE Bertoni khôi phục đưa nó trở lại hình dáng ban đầu, trước khi trao trả FIFA lưu giữ ở bảo tàng nhằm chuẩn bị cho kỳ World Cup tiếp theo. “Đó luôn là cảm giác đặc biệt khi chiếc cúp nguyên bản trở về, ngay cả khi chúng tôi nhìn thấy bản sao mỗi ngày”, bà Valentina Losa, Giám đốc điều hành xưởng đúc GDE Bertoni chia sẻ.

Đến nay phần đế của chiếc cúp World Cup nguyên bản đã có 12 cái tên gắn với 12 thời điểm vô địch kể từ khi cúp vàng FIFA phiên bản mới được sử dụng. Chuẩn bị cho lần khắc cái tên đội vô địch vào vị trí thứ 13 tại World Cup 2022, FIFA bắt đầu lo lắng đến World Cup 2030 thì cái đế chật chội đấy sẽ kín hết và không biết 4 năm sau đó thì cái tên ở vị trí thứ 16 sẽ đặt ở đâu.

Quy trình chế tác bản sao cúp vàng World Cup

Bên cạnh đó, xưởng đúc GDE Bertoni cũng chịu trách nhiệm tạo ra một bản sao cúp vàng để đội tuyển vô địch giữ lại sau mỗi kỳ World Cup, với các bước thực hiện không khác gì tạo ra chiếc cúp nguyên bản.

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
Các bước tạo hình cho bản sao cúp vàng World Cup đều rất tỉ mỉ. Ảnh: Al Jazeera. 

Đầu tiên, một khối đồng được đổ vào khuôn có hình dạng và thiết kế như cúp vàng thật. Sau đó, thành phẩm được lấy ra khỏi khuôn đúc, nghệ nhân dùng máy để đục, giũa bỏ phần kim loại thừa. Ở phần chế tác hoàn toàn bằng thủ công, nghệ nhân sử dụng đục tay và búa nhỏ để tinh chỉnh, hoàn thiện những chi tiết cần thiết nhất rồi được đưa đi đánh bóng. Phần đỉnh có hình dạng hai người đỡ quả địa cầu được chăm chút nhất.

Tiếp đến, chiếc cúp được đưa qua bộ phận điện giải. Một quá trình làm sạch bằng siêu âm kết hợp với dung môi thích hợp nhằm loại bỏ dầu mỡ, bụi bẩn… Sau đó, nghệ nhân cho cúp vào một cái lồng, nhúng vào bể mạ vàng rồi rửa sạch trong nước cất, tạo độ sáng lấp lánh.

leftcenterrightdel

Nghệ nhân đưa bản sao cúp vàng World Cup vào bể mạ vàng. Ảnh: Al Jazeera.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân tiến hành làm sạch và kiểm tra thành phẩm. Ảnh: Al Jazeera. 

Ở công đoạn cuối, đá cẩm thạch màu xanh lá cây Malachite được cẩn vào hai vòng dưới phần chân đế và được sơn phủ lớp sơn mài Zapon để bảo quản. Cúp được sấy khô, làm sạch một lần nữa và kiểm tra lần cuối cùng trước khi sẵn sàng đem đến trận chung kết World Cup. Toàn bộ quá trình làm cúp mất khoảng 3 tháng. 

Sau quá trình ba tháng kết hợp giữa thủ công và các công nghệ khoa học, chiếc cúp được sấy khô, kiểm tra lần cuối trước khi cho xuất hiện trước công chúng tại các kỳ World Cup. 

leftcenterrightdel
Các nghệ nhân của xưởng đúc GDE Bertoni và bản sao của những chiếc cúp mà họ đã tạo ra qua nhiều năm. Ảnh: Al Jazeera.

Ngoài cúp vàng World Cup, xưởng đúc GDE Bertoni còn là nơi được “chọn mặt gửi vàng” để sản xuất huy chương vàng World Cup cũng như nhiều cúp khác như các giải vô địch quốc gia ở châu Âu, Champions League hay Europa League.

leftcenterrightdel
Clip giới thiệu về quy trình làm ra bản sao cúp vàng World Cup. Nguồn: Euronews.

NGÂN KHÁNH (theo Euronews, Al Jazeera)