Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta bước vào giai đoạn ác liệt. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thanh niên Nguyễn Văn Tào khi ấy vừa tròn 18 tuổi đã cùng các thanh niên trong làng viết đơn bằng máu, xung phong vào chiến trường. Sau thời gian huấn luyện tập trung, chiến sĩ Tào được biên chế về Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, hành quân vào chiến đấu tại Mặt trận B5 (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày nay).
Tại đây, với tinh thần dũng cảm, mưu trí, gan dạ, chiến sĩ Nguyễn Văn Tào không ngừng trưởng thành về mọi mặt, cùng đồng đội trải qua nhiều trận đánh lớn như: Đường 9-Nam Lào, tiến công cứ điểm làng Vây, Khe Sanh, cao điểm 420, cao điểm 615, Ba Lòng... Trong đó, điển hình là trận tiến công cứ điểm làng Vây rạng sáng ngày 7-2-1968 (làng Vây là một tập đoàn cứ điểm thuộc hệ thống phòng thủ Khe Sanh của địch nằm ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Trận đánh này Đại đội 5 của Nguyễn Văn Tào cùng với đội hình của Sư đoàn 304 đã giành thắng lợi lớn, được cấp trên đánh giá cao, cá nhân Nguyễn Văn Tào vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba.
 |
Ông Nguyễn Văn Tào chia sẻ kinh nghiệm trồng cây dược liệu tại trang trại với cán bộ Ban CHQS huyện Trực Ninh. |
Những lần về Nam Định, tôi cũng đã có dịp được gặp và nghe về gương dũng cảm của Nguyễn Văn Tào qua ông Nguyễn Khắc Mẫn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304-nơi Nguyễn Văn Tào trưởng thành từ người chiến sĩ lên làm Chính trị viên đại đội. Ông Mẫn kể: “Từ trong chiến đấu, anh Tào dần chứng tỏ được năng lực, phẩm chất của bản thân, lập được nhiều chiến công, được đồng đội và cấp trên ghi nhận.
Nhờ vậy mà chỉ 3 năm sau ngày nhập ngũ, anh ấy đã được cấp trên thăng quân hàm tới 3 lần, từ Binh nhì lên Thiếu úy rồi Trung úy với các chức vụ: Tiểu đội trưởng, Chính trị viên phó và Chính trị viên đại đội. Với tinh thần quả cảm, gan dạ trong chiến đấu, vốn thông minh, sự nhanh nhẹn sẵn có, anh Tào còn được cấp trên lựa chọn cử đi học ở Liên Xô, nhưng thật bất ngờ anh Tào đã kiên quyết “chống lệnh”. Trước sau vẫn chỉ có câu nói: “Cho dù cấp trên có kỷ luật tôi cũng chấp nhận, chỉ xin cho tôi được ở lại chiến đấu cùng anh em!”. Sau những lần bị thương, nhiều lần cấp trên đề nghị đưa anh Tào về tuyến sau điều trị, nhưng anh vẫn kiên quyết bám chiến trường, bám trận địa, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 chiến đấu. "Cả đời quân ngũ, tôi chưa từng thấy ai "lỳ" như anh ấy!”, ông Nguyễn Khắc Mẫn nói.
Sau khi bị thương nặng, bị mất một bên chân, phải chuyển về tuyến sau điều trị và đến cuối năm 1973 thì ông Tào được xuất ngũ trở về địa phương. Tuy mất đi 81% sức khỏe nhưng cựu chiến binh Nguyễn Văn Tào với nghị lực phi thường đã biến vùng ruộng trũng quanh năm hoang hóa bên ngã ba sông (sông Hồng phân lưu với sông Ninh Cơ) thành trang trại nông nghiệp sạch, nhiều năm liền cho giá trị kinh tế cao, nhiều lần được biểu dương tại các hội nghị điển hình tiên tiến.
Bài và ảnh: CHU ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ quyết thắng xem các tin, bài liên quan