Điều này không chỉ có ở nước ta mà có ở hầu khắp các nước trên thế giới. Nhiều người lấy hiện tượng tiêu biểu là nhà văn Pháp đương đại Patrick Deville (đã đến Việt Nam hai lần) - tác giả của nhiều tiểu thuyết hư cấu nổi tiếng về sau chuyển sang viết thể phi hư cấu và rất thành công với Yersin: Dịch hạch và thổ tả (nhân vật chính là bác sĩ - nhà khoa học nổi tiếng Alexandre Yersin gần gũi với Việt Nam). Đồng thời ông cũng là trường hợp tiêu biểu cho những câu trả lời tại sao lại chuyển sang viết và để có được tác phẩm phi hư cấu cần những điều kiện gì.
Sách phi hư cấu có nhiều thể, là hồi ký, nhật ký, tự truyện, tùy bút... Ví dụ hồi ký của các tướng lĩnh như: Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà…; của các nhà văn, nhà thơ: Tô Hoài (Cát bụi chân ai, Chiều chiều), Nguyên Hồng (Những nhân vật ấy đã sống với tôi), Anh Thơ (Từ bến sông Thương), Nguyễn Hiến Lê (Hồi ký), Huy Cận-Xuân Diệu (Hồi ký song đôi)… và các chính khách nước ngoài như: B.Clinton, B.Obama, V.Putin…; là nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc. Là các tự truyện của chính người viết như: Ngẫu hứng Trần Tiến; NSND Kim Cương: Sống cho người, sống cho mình; Ca sĩ Ái Vân: Để gió cuốn đi… Gần đây nổi lên là các bút ký, ký sự, tùy bút, ghi chép: Tôi là một con lừa (Nguyễn Phương Mai); Học để thay đổi thế giới - Nhật ký 300 ngày ở Havard (Trương Phạm Hoài Chung). Thể du ký cũng phát triển thật mạnh mẽ, như: Xách ba lô lên và đi (Huyền Chip); Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ; Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á (Đinh Hằng); Nước Ý, câu chuyện tình của tôi (Trương Anh Ngọc); Con đường Hồi giáo (Nguyễn Phương Mai); Hạt muối rong chơi (Nguyễn Phan Quế Mai)… Trong số này có cuốn thực sự có chất lượng cao, để lại ấn tượng tốt nơi bạn đọc.
Nhưng tạo ra sự quan tâm của dư luận là các tiểu thuyết tư liệu lịch sử, như: Hồi ức lính của Vũ Công Chiến, Quân khu Nam Đồng của Bình Ca. Đặc biệt là Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh, sau khi nhận giải cao ở trong nước và khu vực, mới đây đã ra mắt phiên bản tiếng Anh. Cuốn này sở dĩ được chú ý vì đã tái hiện trung thực, sinh động sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn trong bốn tháng cuối cùng của chiến tranh, từ tháng 1 đến tháng 4-1975. Nhưng cái chính là cuốn sách đã góp phần lý giải tại sao Mỹ lại thua ở Việt Nam, điều mà cho đến nay nhiều người Mỹ không hiểu nổi, thậm chí còn gọi đó là “hội chứng” của lịch sử nước Mỹ hiện đại. Trong bối cảnh ấy thì cuốn sách một phần làm thỏa mãn họ. Cho nên sự xuất hiện của 20 tài liệu nguyên bản tuyệt mật của phía Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ in trong phần phụ lục mang tính tham khảo lại được nhiều độc giả Mỹ coi là nội dung chính của tiểu thuyết.
Có người gọi ba cuốn trên (Hồi ức lính, Quân khu Nam Đồng, Biên bản chiến tranh…) là tiểu thuyết phi hư cấu, nếu vậy thì thật mâu thuẫn vì “tiểu thuyết”, xét về bản chất là sáng tạo ra một cuộc sống khác, do vậy tất yếu phải hư cấu nên khái niệm “tiểu thuyết” không thể đi cùng “phi hư cấu”. Gọi là “tiểu thuyết tư liệu lịch sử” thì chặt chẽ hơn.
Lại có ý kiến cho rằng, làm nên giá trị của văn xuôi phi hư cấu là tính chính xác và trung thực. Thực ra đó chỉ là đặc trưng để phân biệt với văn xuôi hư cấu. Phẩm chất của nó phải là sự chân thành và tài năng người viết. Chân thành kể lại nội dung, không tô vẽ, thêm bớt với động cơ cá nhân. Còn tài năng? Là sự sáng tạo, nằm trong quy luật sáng tạo chung của nghệ thuật. Nhưng do đặc thù của văn xuôi tư liệu mà sáng tạo thể hiện chủ yếu ở phía hình thức là sắp xếp cấu trúc, là cách kể và lời kể thật sự sinh động, hấp dẫn, lôi kéo và bình luận để làm bật ra bản chất của sự kiện, sự việc. Tái tạo lại hiện thực để làm bật ra ý nghĩa của hiện thực, đó là thiên chức của văn xuôi phi hư cấu.
NGUYÊN THANH