Đại thắng mùa xuân năm 1975 kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời mở ra thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc. Văn học nghệ thuật bước vào chặng đường phát triển mới, chặng đường nhân dân ta về cơ bản trở lại cuộc sống học tập, lao động thường nhật.

Song, do những vấn đề khách quan và chủ quan, chúng ta phải đối mặt với tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, hậu quả của chiến tranh triền miên cộng với chính sách cấm vận của Mỹ và phương Tây; tiếp đó là những chủ quan, khinh suất, quan liêu, duy ý chí trong xây dựng kinh tế đất nước đã dẫn đến sự khủng hoảng, trì trệ về mọi mặt. Văn học Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó. Tư tưởng xây dựng nền văn hóa mới, con người mới được đặt ra, được đôn đốc liên tục, nhưng do những điều kiện trên, về cơ bản, văn học vẫn có xu thế mang nặng tàn dư giáo điều, lạc hậu, tránh né sự thật, ngợi ca một chiều.

Vấn đề trên, hơn ai hết, các nhà văn, các nhà lãnh đạo văn nghệ, cả một số nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước đều thấy rõ.

Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) với chủ trương đổi mới toàn diện, từ kinh tế, chính trị đến tư tưởng, xã hội, văn hóa… Đương nhiên văn học nằm trong những điều kiện chuyển biến ấy.

Tiếp sau Đại hội VI của Đảng là Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị, cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với giới văn nghệ sĩ năm 1987 đã mở ra cho văn học nghệ thuật cơ hội lớn, đặc biệt là tinh thần đổi mới, tư duy nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng sự thật. Phải khẳng định rằng, kể từ bước ngoặt này, vai trò, trách nhiệm của người cầm bút, đặc biệt là tính chân thực của văn học đã được đề cập đến một cách toàn diện và khẩn trương, liên tục.

Văn học Việt Nam với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam tiếp tục được đặt ra, được gợi mở, định hướng và đã có thành tựu nhất định.

Tiểu thuyết Việt Nam trong bối cảnh văn hóa mới đã thể hiện những ưu thế đặc biệt trong khả năng thâm nhập và khám phá đời sống con người, đặc biệt là nhân cách con người Việt Nam sau năm 1975. Cũng khoảng thời gian này, sự hòa nhập, giao lưu khá toàn diện với văn học hiện đại thế giới trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu đã dường như kích hoạt mạnh mẽ tới văn học Việt Nam, đặc biệt là loại hình tiểu thuyết.  

Phải thấy rõ một điều, tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1975, cùng với cảm hứng sử thi, cảm hứng thế sự, cảm hứng đời tư đã có bước hình thành và trưởng thành liên tục, tạo dấu ấn trong đời sống văn học nghệ thuật. Đây có thể hiểu là một dấu hiệu tất yếu của sự hòa nhập với văn học hiện đại trên thế giới. Sự hòa nhập này, chỉ riêng ở tiểu thuyết đã là một thành tựu của văn học Việt Nam trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam. Sự chuyển biến mạnh mẽ này đã và đang xóa đi những ranh giới giữa văn học Việt Nam với khu vực và châu lục. Có thể nói, tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1975 đã góp phần chủ đạo trong việc tạo ra sức vóc của nền văn học Việt Nam, là những căn cước chính thống để mở cánh cửa văn học ra thế giới.

Các tiểu thuyết sau năm 1975, đặc biệt sau Đổi mới 1986 đã đề cập và mổ xẻ sâu sắc nhân cách con người Việt Nam một cách toàn diện, đã chạm tới những giới hạn cuối cùng của nhân tính. Đó là một loạt tiểu thuyết: Mùa lá rụng trong vườn của nhà văn Ma Văn Kháng; Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường; Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Hai nhà của nhà văn Lê Lựu; Cõi người rung chuông tận thế của nhà văn Hồ Anh Thái; Dòng sông mía của nhà văn Đào Thắng; Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư… đã cho thấy sự đa thanh, đa sắc của số phận con người, nhân cách con người được hiện lên ở đủ các cung bậc trong tiểu thuyết Việt Nam. Đó là những đóng góp thiết thực của đội ngũ các nhà văn Việt Nam với văn học, với nhân dân.

Trong cuộc sống đầy sôi động, mới mẻ, phức tạp, khó lường của thời bình, những vấn đề mới về con người luôn được đặt ra, đặc biệt là các nhà văn trong các tiểu thuyết sau Đổi mới 1986. Đó là nhân vật Giang Minh Sài trong tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu với những bi kịch đến tận cùng từ chính hiện thực cuộc sống. Cuộc đời Giang Minh Sài với đầy rẫy những bi hài của một con người bị đè nén, bị giết mòn. Nhà văn luôn muốn hướng tới một cuộc sống bình thường, một cuộc sống trong đó cá nhân được tôn trọng, cá tính được phát huy sâu sắc hơn nữa trong mối quan hệ hài hòa, thống nhất với tập thể. Thời xa vắng như một tiếng nói hòa trong tiếng nói chung của con người Việt Nam trong con người nhân loại. Chính Lê Lựu đã mở ra một cánh cửa lớn cho tiểu thuyết Việt Nam sau Đổi mới. Đó là các nhân vật chính chất chứa những tâm trạng rất phức tạp, đầy vết thương trong các tiểu thuyết: Đám cưới không có giấy giá thú; Đồng bạc trắng hoa xòe; Mùa lá rụng trong vườnCôi cút giữa cảnh đời của nhà văn Ma Văn Kháng.  

Có thể khẳng định, các vấn đề mà tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1975 đặt ra luôn mang hơi thở nóng bỏng của cuộc sống. Nóng từ thực tế ngổn ngang, bộn bề, trắng đen lẫn lộn trong những biến động không ngừng. Chính vì vậy, những mảng tối, những bóng đen đã được ngòi bút các nhà văn chĩa thẳng thừng, đưa chúng ra ánh sáng một cách không khoan nhượng như trong các tiểu thuyết của Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Mạnh Tuấn, Đào Thắng… Điều đó cũng là một hiện thực khách quan mang tính tất yếu. Đất nước vừa trải qua các cuộc chiến tranh tàn khốc nay trở về với cuộc sống bình thường đã nảy sinh những điều không bình thường, đã biểu hiện những mạch ngầm không bình yên. Đời sống kinh tế thị trường luôn là một thứ thuốc thử cực mạnh về năng lực và phẩm hạnh của con người. Chính từ hiện thực cuộc sống vô cùng sôi động và khắc nghiệt đã tạo nên văn học với những trang văn vừa dữ dội, vừa vạm vỡ, nhất là tiểu thuyết.

Rõ ràng, nhân cách con người Việt Nam trong đó có nhân cách nhà văn Việt Nam đã và đang ngày càng hoàn thiện hơn, tiến bộ hơn, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại. Từ bối cảnh lịch sử toàn cầu, văn hóa và văn minh toàn cầu, sự vận động của văn học nghệ thuật thế giới trong đó có văn học nghệ thuật và tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1975 đã minh chứng rõ nét và liên tục điều này, hay nói cách khác, tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1975 đã có những đóng góp nhất định trong việc hoàn thiện và xây dựng nhân cách con người Việt Nam.

Từ thực tiễn văn học trong đó có thực tiễn tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1975, chúng ta thấy rõ một điều, những trăn trở, suy tư, đóng góp của văn học với việc hoàn thiện và xây dựng nhân cách con người Việt Nam bao giờ cũng là việc làm dài lâu, liên tục, không ngưng nghỉ, đòi hỏi các thế hệ con người Việt Nam, trong đó có các nhà văn viết tiểu thuyết, phải tiếp tục có những nỗ lực, niềm tin lớn, luôn đồng hành, cần lao với Tổ quốc và nhân dân.

PHÙNG VĂN KHAI