Người anh hùng đi vào lịch sử với biệt tài bơi lội “Nhập thủy như nước bình địa hỹ” (đi dưới nước ung dung, tự tại như trên đất bằng), cứ như vậy, Yết Kiêu đã đi vào lịch sử, dân gian qua những câu chuyện cổ tích của bà, của mẹ; trở thành huyền thoại bất hủ ngợi ca trí dũng, mưu lược, tài năng và đức độ của một gia tướng dưới trướng của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Yết Kiêu đã lập công lao lớn vào chiến thắng lẫy lừng trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (đặc biệt là cuộc kháng chiến lần 2 và lần 3), giữ vững nền độc lập tự do của dân tộc, đặt nền móng vững chắc trong việc huấn luyện đội thủy quân của triều đình Đại Việt, tạo tiền đề cho ngành đặc công nước của Việt Nam sau này được hình thành và phát triển.

Một cảnh trong vở chèo “Thần tướng Yết Kiêu”.

Có thể nói vở chèo “Thần tướng Yết Kiêu” là một trong những “điểm sáng” tại Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022. Vở diễn thể hiện hình tượng nhân vật lịch sử xuyên suốt, một người lính xuất thân từ dân gian, cảnh nhà nghèo khó bần hàn, cha mất sớm, mẹ góa con côi nương tựa vào nhau. Khi đất nước có giặc ngoại xâm Yết Kiêu sẵn sàng xung phong tòng quân dẹp giặc, khi hòa bình lập lại, được triều đình “luận công ban thưởng”, Yết Kiêu không màng đến công danh, bổng lộc, chức tước, quyền vị; không cầu xin gì cho riêng mình, “chỉ cúi xin cho dân ấp Hạ Bì được tự do hành nghề chài lưới, từ đầu sông ra cửa bể, không bị chức dịch bản địa xua đuổi. Dân ấp Hạ Bì đi đánh cá vùng nào, được hương hào vùng đó cấp cho ba thước đất để cắm sào, phơi lưới; không may họ có chết thì cũng có chỗ để chôn cất, không phải vùi xác mình dưới lòng biển khơi...”.

Chỉ vậy thôi, đã đủ để thấu hiểu tấm lòng của Yết Kiêu đối với quê hương, đất nước. Với thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc “lúc hòa bình là người dân, khi có chiến loạn lại trở thành người lính”, vở diễn đã thể hiện triết lý sâu sắc của muôn đời, đó là: Chiến tranh của nước Việt xưa nay đều là chiến tranh nhân dân. Nếu không có nhân dân thì dù có binh hùng, tướng có mạnh cũng khó có thể làm nên chiến thắng. Đặc biệt cảnh quân dân nhà Trần đóng cọc trên sông Bạch Đằng đã tạo khí thế lao động hăng say, sự đồng tâm hiệp lực giữa triều đình và nhân dân để có được cảnh toàn thắng trên sông Bạch Đằng vào năm 1288, một trong những trận thủy chiến được đánh giá là “chấn động thế giới”. Tác giả đã rất tinh tế trong cách xây dựng hình tượng nhân vật trung tâm Yết Kiêu, tạo tư tưởng chủ đề và tính giáo dục sâu sắc cho vở diễn, răn dạy con người dù ở hoàn cảnh nào cũng cần đứng về phía nhân dân, bảo vệ nhân dân và chính nghĩa.

Vở diễn đã tạo được những giây phút hồi hộp, hấp dẫn, gay cấn bởi những trò diễn trên sân khấu. “Mượn tích xưa để nói chuyện ngày nay”, qua đó thể hiện những nhân tình thế thái, những ứng xử cuộc đời đầy nhân nghĩa, nhân văn... Bên cạnh những lớp diễn thơ mộng, trữ tình thể hiện nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ mẹ già và người yêu thương nơi quê nhà là những lớp diễn mưu trí, sắc sảo và quyết đoán của Yết Kiêu khi đối diện trước kẻ thù. Tất cả đã thể hiện một Yết Kiêu rất uy dũng nhưng cũng rất đời thường.

Một cảnh trong vở chèo “Thần tướng Yết Kiêu”. 

Sau khi đi sứ trở về, mặc dù được công chúa nước Nguyên đem lòng yêu mến nhưng Yết Kiêu quyết từ chối để “giữ trọn lời thề với người đã khuất…” và thực tế lịch sử đã chứng minh, cả cuộc đời danh tướng Yết Kiêu không lấy vợ. Đền thờ Ngài, ngôi đền Quát bên dòng sông Đò Đáy tại xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương quanh năm nghi ngút khói hương, đó chính là tấm lòng của nhân dân nước Đại Việt xưa, nước Việt Nam hôm nay và muôn thuở con cháu mai sau dành cho người anh hùng dân tộc. Ngài mãi sống trong nhân dân và non sông đất nước, mãi trường tồn trong cổ tích dân gian Việt Nam.

Bên cạnh các yếu tố: Kịch bản, đạo diễn, diễn viên thì các yếu tố khác như: âm nhạc, mỹ thuật sân khấu, phục trang, ánh sáng... cũng quan trọng không kém. Ở vở diễn này, nhạc sĩ đã tạo được những nét nhạc ấn tượng trong từng lớp diễn; kịch tính ở những lớp xung đột, cao trào; trữ tình, thiết tha khi diễn tả tình yêu… Nét nhạc dành riêng cho mối tình giữa Yết Kiêu và Thảo là nét nhạc trầm buồn đầy lưu luyến, tiếc thương; nét nhạc mênh mông, vời vợi như dòng chảy thời gian, mỗi khi Yết Kiêu nhớ mẹ, nhớ quê, nhớ người mình yêu thương... Âm nhạc của vở đã tạo ấn tượng đặc biệt, như mạch chảy ngầm của tình yêu Yết Kiêu dành cho quê hương, đất nước. Sự thành công của vở diễn còn là là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các diễn viên, nhạc công. Điều này đã tạo nên một bản diễn chặt chẽ, mạch lạc và logic. Dàn diễn viên của nhà hát chèo Hải Dương với những gương mặt đầy triển vọng như: NS Quang Phúc (vai Yết Kiêu), NSƯT Hồng Tươi (vai mẹ Yết Kiêu), NS Thái Quỳnh (vai Thảo), NS Bùi Thiện (vai cụ Lẫm) NSƯT Mạnh Thắng (vai Hưng Đạo Đại Vương), NS Quang Minh (vai Ô Mã Nhi), NS Văn Sen (vai anh Khoai)... đều diễn xuất nhập tâm, thể hiện đúng phong thái và tính cách nhân vật, góp phần quan trọng vào thành công chung của vở diễn.

Thiết kế mỹ thuật đặc biệt ấn tượng, sắc nét với không gian đa chiều; sân khấu luôn được chuyển động và tham gia vào mâu thuẫn, xung đột đã góp phần tạo hiệu quả cao cho những cảnh giàu kịch tính. Ngoài phông hậu, cảnh cứng của vở được tận dụng và xử lý triệt để: xoay mặt trước là những cánh buồm mềm mại hiền hòa tượng trưng cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của quân dân nhà Trần; xoay mặt sau là những cánh buồm dữ tợn loang nổ vết máu, tượng trưng cho quân giặc Nguyên Mông; kết hợp âm thanh, ánh sáng và diễn xuất của diễn viên đã thể hiện sự đau thương, khốc liệt của chiến tranh... Đây là một thiết kế mỹ thuật có dụng ý nghệ thuật, tạo hình tượng nghệ thuật và chủ đề tư tưởng xuyên suốt, đem lại cảm xúc thẩm mĩ cho người xem.

Hy vọng kết quả tại Liên hoan chèo toàn quốc năm 2022 dành cho vở diễn “Thần tướng Yết Kiêu” và nhiều vở diễn có chất lượng nghệ thuật khác sẽ làm nức lòng khán giả yêu nghệ thuật chèo truyền thống của dân tộc Việt Nam.

BÙI TÙNG