Tôi đã nương theo những câu thơ của Xuân Diệu để về với Hạ Long thêm một lần nữa. Xứ biển đất trời thật thanh bình, dịu dàng, biển đảo ngời lên nét cẩm tú, tráng lệ. Năm 2009, chàng trai 29 tuổi là tôi lần đầu thấy biển. Cả một vùng biển đảo nhấp nhô kì vĩ như bức khảm xà cừ lộng lẫy hiện ra trước mắt. Phút giây ấy tôi đã choáng ngợp, ngất ngây trước vẻ diễm tuyệt, muốn thâu tất cả vào mắt, muốn ôm trọn đất-nước-biển-trời vào lòng. Nơi này đẹp hơn tất thảy những gì tôi đã thấy trên tranh ảnh, những thước phim hay trong tưởng tượng.

Hơn 20 ngày dự trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức đủ cho tôi thêm hiểu, thêm yêu về miền người, miền đất phía Đông Bắc Tổ quốc. Chúng tôi, 39 tác giả trong và ngoài Quân đội đã đến với những người lính-đồng đội tôi ở các đơn vị thuộc Lữ đoàn 170, 147, 126 và Tổng công ty Đông Bắc để sẻ chia, thấu hiểu, mong có thể viết được gì đó về những khó khăn, vất vả, sự hy sinh thầm lặng, những chiến công, cả những góc khuất trong đời sống cá nhân, nhất là phía sau lưng-nơi hậu phương của họ.

Những tác phẩm thấm đẫm hơi thở mặn mòi của biển, dạt dào cảm xúc yêu thương và sự lắng đọng từ tâm hồn người viết đã lần lượt ra đời. Cuộc chia tay sau 3 tuần gắn bó làm nhiều người rưng rưng xúc động, có nỗi nghẹn ngào, có cả những dòng nước mắt. Và trại viết năm ấy, giữa Hạ Long thơ mộng, đã trở thành dấu mốc văn chương của nhiều tác giả trẻ, cũng là nơi bắt đầu cho những tình bạn khắp mọi miền đất nước... Với tôi, đó là sự khởi đầu cho một hành trình gắn bó với nghiệp chữ nghĩa, là nơi mà từ đó tôi nghĩ nhiều hơn về những người bạn văn chương.

 Minh họa: Anh Khoa

Mùa đông năm 2011, tôi trở lại Hạ Long lần thứ hai. Nhưng đây là lần trở lại khá đặc biệt. Tôi và những người bạn vừa tiễn một đồng đội về với đất mẹ. 32 tuổi, to cao, trắng trẻo, đẹp mã như một người lính Hồng Quân trong những bộ phim Liên Xô của ba, bốn thập niên về trước, Khanh-bạn tôi đã không thắng nổi căn bệnh ung thư Sarcoma quái ác. 5 năm ra trường, để lại cha mẹ già, người vợ là cô giáo trẻ và cô con gái 7 tuổi, Khanh Nam tiến, thực hiện nhiệm vụ cao cả của một người lính biên phòng là đi bảo vệ vùng cương thổ phía Đông Nam Bộ của Tổ quốc. Ngày ra đi, đồng đội tôi, cha mẹ, vợ con của anh mong lắm một ngày về. 5 năm dồn lại trong dăm tháng phép, và lần này là lần trở về mãi mãi. Vợ anh từng kể, mỗi lần anh về phép hai bố con mất một khoảng thời gian dài để quen nhau, rồi khi con quấn quýt bố thì cũng vừa lúc bố hết phép. Đã có nhiều ngày nhớ chồng, thương con, thương mình, chị giấu nước mắt vào trong. Rồi có khi không giấu được nỗi tủi nỗi buồn, nước mắt cứ thế trào ra, đến khi con gái bi bô hỏi: “Mẹ ơi, sao mẹ lại khóc?”, chị lại vội gạt nước mắt, thủ thỉ cùng con: “Mẹ có khóc đâu, cát bay vào mắt mẹ đấy, Cún ơi...”. Nghĩa trang xứ biển bời bời gió và vi vút thông xanh, thanh âm nào từ biển, từ gió, từ cây như nức nở? Vợ con Khanh dường như đã không còn nước mắt nữa, nước mắt họ đã chạy dọc quãng đường từ Tây Ninh về xứ biển này rồi. Sau khi đắp xong mộ phần cho bạn, chúng tôi đứng lặng giữa gió và khói hương vấn vít.

Buổi chiều ấy, chúng tôi đã ngồi thật lâu trong một quán nước bên bờ vịnh để nhớ về những kỷ niệm với bạn... Những ngày tháng thao trường lục quân nắng cháy da, mưa thối đất. Những giờ học vất vả, căng thẳng, kịch tính nhưng cũng đầy đam mê, hứng khởi bên sườn núi Ba Vì. 5 tháng thực tập vùng núi Tây Bắc sốt rét run người, ruồi vàng đốt tím đen tím đỏ từ đầu đến chân. Những đêm liên hoan văn nghệ rộn ràng, náo nhiệt. Ngày ra trường tràn đầy hăm hở, quyết tâm vẫn thấy trong tim đôi chút lao xao... Mọi thứ đã lùi xa, bạn mang vào đất. Và chúng tôi thì giữ lại, tất cả những phút giây ấy, cả những gì thuộc về trai trẻ thanh xuân, đẹp đẽ nhất của bạn. Có giọt nước mắt nào đã rỏ xuống và gió biển kịp ùa về xóa đi. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người lính cũng không nên khóc, thực sự không nên khóc, bạn bè tôi ơi! Tôi nghe lòng mình thốt lên câu ấy.

Sáng ngày thứ hai, Thái, người bạn thân của tôi từ thời học trường làng mới sắp xếp được lịch để dẫn tôi khám phá lòng vịnh. Thái gắn bó với mảnh đất xinh đẹp này đã 20 năm, vợ là người gốc Vân Đồn. Sau biến cố của gia đình, mẹ vợ Thái đưa ba người con vào đất liền sinh sống, học tập, bà sợ những cơn bão biển sau sự ra đi của chồng. Bố vợ Thái cùng ba ngư dân khác đã không về trong một chuyến ra khơi. Ông nằm lại đâu đó ngoài vùng biển xa, hằng năm, vào đầu tháng Bảy âm lịch, gia đình bên vợ Thái lấy ngày ông bắt đầu chuyến đi biển cuối cùng trong đời để cúng giỗ. Vợ chồng Thái có một cửa hàng điện tử, địa bàn phục vụ là toàn thành phố Hạ Long. Hai đứa con một gái một trai, đứa nào cũng bụ bẫm, trắng trẻo, ngoăn ngoẳn ăn, ủn ỉn lớn.

Mùa thu, khách du lịch thưa hơn so với dịp hè. Nhưng tôi vẫn gặp không ít những tốp du khách trên các con thuyền đang len lỏi giữa những đảo đá xinh đẹp. Tôi muốn lên núi Bài Thơ để ngắm toàn cảnh của Hạ Long nhưng Thái và cả người đàn ông chủ thuyền bảo hiện giờ đã cấm hoạt động trèo núi của du khách. Tôi nói với ông là hình như Hạ Long có rất nhiều truyền thuyết, lại từng có một cuộc thi viết sáng tác truyền thuyết về Hạ Long. Ông bảo: “Đúng thế, nhưng chỉ có một truyền thuyết từ xa xưa, tôi nghe các cụ kể lại như này...”. Ông nhà thuyền bảo câu chuyện này là bà nội ông kể cho anh em ông nghe...

Thuở xa xưa, nước ta thường bị giặc ngoại xâm đánh chiếm. Lần đó, để giúp người dân nước Việt thoát khỏi họa xâm lăng, Ngọc Hoàng phái Rồng Mẹ và đàn Rồng Con ngăn bước tiến của đoàn thuyền giặc. Rồng Mẹ và Rồng Con đã tạo thành bức tường đá ngăn cản, lại phun lửa thiêu rụi chiến thuyền của lũ giặc hung ác. Sau đó, thấy biển trời diễm tuyệt, cây cối tốt tươi, đất đai trù mật, con người thuần hậu, Rồng Mẹ và đàn Rồng Con đã ở lại nơi đây. Thế nên vịnh có tên là Hạ Long... Và mỗi hang động đều gắn với một truyền thuyết, gửi gắm biết bao yêu thương, niềm tự hào, khát vọng của người dân xứ sở này với biển đảo quê hương.

Là một người lính, mỗi lần đến đây, tôi không khỏi bồi hồi nhớ về những trận thủy chiến rạng rỡ của người Việt chúng ta trên sông Bạch Đằng, trên vịnh Hạ Long. Lòng vịnh đã vùi lấp bao xác quân thù, quân lương, khí giới của quân xâm lược, cũng là vùi lấp tham vọng bành trướng của chúng. Một trong những trận thủy chiến lừng lẫy nhất là trận đánh do Nhân Huệ vương, tướng quân Trần Khánh Dư chỉ huy đã tiêu diệt các tùy tướng, binh lính, thuyền bè, khí giới, quân lương của Trương Văn Hổ tại khu vực Hạ Long-Vân Đồn vào xuân năm Mậu Tý 1288. Trận đánh này, theo nhiều sử gia có ý nghĩa quyết định đến sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 3 của quân dân Đại Việt.

Bây giờ, để khai thác tối đa những ưu thế của Hạ Long, hệ thống điện đã được kéo ra hầu hết các hang động, tàu thuyền phục vụ du khách cũng nhiều lên, với đủ loại theo nhu cầu của khách. Và rất nhiều công trình xây dựng hoành tráng mọc rải rác trên bờ vịnh. Có lẽ tôi là người ưa tĩnh lặng và thích tìm những vẻ đẹp tự nhiên chăng, nên lòng cứ thầm tiếc nuối nét nguyên sơ, hoang vắng được thay thế bởi những ồn ào, xô bồ, náo nhiệt.

Bữa tối hôm ấy, trong căn hộ rộng rãi, tiện nghi của vợ chồng Thái không xa bờ vịnh, tôi được tiếp những món đặc sản của Hạ Long mà vợ bạn tỉ mẩn, hì hụi chuẩn bị từ chiều. Chả mực, hàu nướng, sá sùng xào cần tỏi, ốc ngón tay hấp gừng và không thể thiếu rượu nếp Hoành Bồ. Thưởng thức những món ngon, tinh túy của đất trời, biển cả trong tình bè bạn, bao ký ức ấu thơ như những bông hoa biển chưa khi nào tàn phai cứ mỗi lúc thêm sáng rỡ trong câu chuyện của chúng tôi. Đêm ấy, tôi và Thái đã thực sự được trở về một quãng tươi non, đẹp lộng lẫy nhất trong đời.

Và quá nửa đêm, khi trở về căn phòng trọ cách nhà Thái dăm trăm bước chân, dưới ánh trăng huyền hoặc, tôi đã nghe từng đợt, từng đợt những tiếng lao xao, rì rào, như lời tự tình của gió biển không ngừng thổi.

Tùy bút của QUANG MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.