Trẻ trung trong giai điệu lẫn tính cách

Mỗi lần trò chuyện, tiếp xúc với nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến, ai cũng dễ dàng nhận thấy ông luôn sung sức, trẻ trung, yêu đời và tràn đầy nhiệt huyết. Dù đã bước vào tuổi xấp xỉ 70 nhưng có lẽ do có thời gian dài công tác đoàn thanh niên nên ông vẫn giữ được “tinh thần đoàn” trong con người mình. Ông thích tụ tập bạn bè, học trò âm nhạc để cùng trao đổi chuyên môn và tiếp thu từ giới trẻ những phong cách âm nhạc mới. Sự hào hoa, thanh lịch của người Hà thành đã ngấm vào ông, để rồi ai gặp ông cũng cảm mến và có thể kết thân ngay được.

Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến có một tình yêu lớn với âm nhạc do được người cha - nguyên là diễn viên Đoàn Ca múa Quân đội (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) truyền dạy, hối thúc, động viên. Ông đến với âm nhạc khá sớm, khi lần lượt học piano rồi sang accordion và trong quá trình học tập tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), ông đã theo học cả sáng tác. Điều đáng mừng nhất là những môi trường công tác như Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam hay Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đều giúp ông giữ được mạch cảm xúc cho sáng tác.

Nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến - tác giả của bài hát "Bài ca sinh viên". Ảnh: NVCC 

Nhắc đến nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến hẳn nhiều người vẫn nhớ đến người chỉ đạo nghệ thuật của Nhóm Sinh viên 9-1 nức tiếng xa gần, với nòng cốt là 6 sinh viên đang học tại các trường đại học ở Thủ đô. Họ đã đi biểu diễn ở khắp mọi miền đất nước để cổ vũ, động viên tinh thần của sinh viên, thanh niên nói chung trong công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Những cuộc biểu diễn đã thực sự là “bữa ăn tinh thần” không thể thiếu với giới sinh viên thời ấy giờ, thổi bùng trong thế hệ trẻ tinh thần văn hóa, văn nghệ. Được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người trẻ đã giúp ông thai nghén ra ca khúc “Bài ca sinh viên”.

Cho đến nay dù đã 39 năm, nhưng ca khúc “Bài ca sinh viên” vẫn được giới sinh viên yêu thích khi phản ánh được khát vọng, ước mơ, hoài bão của sinh viên Việt Nam. Ca khúc với nét nhạc trẻ trung, sôi động, lời ca ý nghĩa, giàu ý tứ văn học đã mang đến cho sinh viên sự phấn khởi, hào hứng và vững niềm tin vào con đường mình đã lựa chọn. Thông điệp mà ca khúc mang lại là thanh niên không có con đường nào khác là cống hiến cho dân tộc, đất nước và nhân dân - đó là lý tưởng cao đẹp của thanh niên thế hệ mới.

Hà Nội - nguồn cảm hứng bất tận

Những cuộc sinh hoạt âm nhạc tại Hội Âm nhạc Hà Nội vẫn thấy nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến thường xuyên có tác phẩm mới được giới thiệu. Ông sáng tác khá đa dạng về chủ đề quê hương đất nước, thanh niên, tình yêu và đặc biệt là Hà Nội, mà tiêu biểu nhất là “Nắng chiều đông Hà Nội”. Ca khúc với nhiều kỷ niệm về quá khứ hào hùng nhưng rất bình dị của chính tác giả và cũng mang theo nỗi niềm của những người cùng thế hệ với ông. Tác giả đã cố gắng mô tả lại Hà Nội bằng âm nhạc với nét đậm đà của văn hóa truyền thống, của một thành phố hội nhập năng động với thế giới qua các hình ảnh Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, Hồ Gươm, Hồ Tây, góc phố cổ thơm mùi hoa sữa và người bán hoa lặng lẽ giữa nhịp sống ồn ào, tấp nập.

Theo nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến, Hà Nội có lẽ là địa danh có nhiều sáng tác âm nhạc nhất. Mỗi bài hát là một lát cắt về Thủ đô, với những nét đặc trưng riêng có, mang theo cảm xúc, nỗi niềm đậm sâu của tác giả. Riêng ông, mặc dù đã có nhiều bản tình ca về tình yêu đôi lứa nồng nàn, tha thiết, song ông vẫn chưa có bản tình ca dành tặng Thủ đô. Đó cũng là trăn trở của ông suốt bấy lâu nay. “Dù được đi rất nhiều nơi nhưng tôi thấy Hà Nội của mình vẫn đẹp nhất, mà chỉ cần đi xa là nhớ, là mong. Hà Nội chắc chắn còn là “mảnh đất màu mỡ” để các nhạc sĩ thỏa sức sáng tạo”, ông chia sẻ.

Dẫu làm nhiều công việc bên ngoài, như sáng tác hay dàn dựng cho các đoàn nghệ thuật thì nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến vẫn là người thầy đào tạo âm nhạc, với học hàm phó giáo sư. Hiện nay khi đã nghỉ công tác quản lý, ông vẫn tiếp tục giảng dạy bậc trên đại học tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Nhiều học trò của ông đã trở thành những tên tuổi của nền âm nhạc nước nhà như ca sĩ Ngọc Anh, Lệ Quyên, Quang Hà..., nhiều học trò của ông là các thầy, cô giáo, nhà quản lý văn hóa nghệ thuật ở các địa phương. Đặc biệt, với Hà Nội, ông đã đào tạo ra nhiều thế hệ nhà giáo, ca sĩ đã và đang chung tay góp sức vì nền sư phạm, âm nhạc của Thủ đô.

NGÔ KHIÊM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.