Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo do PGS,TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày, chỉ rõ: Dẫu sống xa Tổ quốc, dẫu là thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư, nhưng phần đông đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc, trong đó có giới trí thức, văn nghệ sĩ đều mang trong mình dòng máu Việt, văn hóa Việt, hồn cốt Việt, luôn hướng về quê hương. Công chúng của họ cũng không bó hẹp trong cộng đồng người Việt mà mở rộng ra nhiều nơi trên thế giới.
 |
Quang cảnh hội thảo. |
Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Văn nghệ sĩ Việt Nam càng sống lâu hơn ở nước ngoài, nỗi quan hoài về quê hương, cố quốc càng da diết; mong muốn hòa hợp, hòa giải ở phần đông là chân thành, tha thiết; nhiều người vẫn gắn bó sâu sắc với nguồn cội, với văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt; trăn trở về đất nước và con người, nhất là qua những biến đổi, biến động của đời sống đương đại; quan tâm, mừng vui trước những đổi thay lớn lao, sâu sắc ở quê nhà; tự hào là người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nguồn cội Việt Nam. Tổ chức, tham gia các sinh hoạt văn nghệ cộng đồng nhằm góp phần lưu giữ và lan tỏa văn hóa Việt. Hoạt động giao lưu, quảng bá, hợp tác giữa các hội, các đơn vị văn học, nghệ thuật ở trong nước với các tổ chức, cá nhân là văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài được tăng cường, mang lại kết quả rất đáng mừng. Không ít văn nghệ sĩ người Việt rất nổi tiếng ở nước ngoài, sau bao nhiêu năm xa quê, đã mong ước về lại quê hương như GS Trần Văn Khê, nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị và nhiều người khác…
 |
PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ phát biểu tại hội thảo. |
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài với diễn trình phát triển văn học, nghệ thuật qua các giai đoạn lịch sử, nhất là từ năm 1975 đến nay; nhận diện đội ngũ các văn nghệ sĩ; đi sâu vào từng loại hình văn học, nghệ thuật; các khu vực sinh sống, hoạt động văn nghệ; chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; chỉ ra ưu điểm, kết quả và hạn chế, bất cập, lý do của hạn chế, bất cập. Các tham luận cũng nêu những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; với lãnh đạo của nước sở tại để khuyến khích, tạo điều kiện cho việc phát triển văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc để tạo ra bước phát triển tốt hơn trong những năm tới.
 |
TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến điện ảnh Việt Nam trình bày tham luận. |
Trong phát biểu mang tính định hướng, gợi mở của GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hòa giải, hòa hợp dân tộc, thống nhất đất nước, về đại đoàn kết toàn dân tộc; coi người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; coi văn học nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Tất cả vì mục tiêu cao nhất là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
 |
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo |
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng mong rằng, qua Hội thảo này, văn học, nghệ thuật của đất nước, trong đó có văn học, nghệ thuật của người Việt Nam ở nước ngoài, sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn trên tinh thần dân tộc, khoa học, dân chủ, nhân văn. Đổi mới mạnh mẽ chủ đề, nội dung, phương pháp sáng tác; hoạt động lý luận, phê bình, dịch thuật; phát huy ưu điểm, kết quả, khắc phục hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tin, ảnh: HOÀNG HOÀNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.