Họa sĩ Văn Giáo mất ngày 10-1-1996, tháng 10 năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của ông, gia đình đã dày công tìm kiếm, sưu tầm các tác phẩm của cố họa sĩ này để xuất bản một tuyển tập tranh hoàn chỉnh và trưng bày tại triển lãm “Văn Giáo trên những nẻo đường”, diễn ra từ ngày 6 đến 14-10, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Đây được coi  như một cuộc tổng kiểm kê gia tài nghệ thuật và là nén tâm nhang tưởng nhớ về người họa sĩ đã dành trọn cuộc đời cho nghệ thuật.

Cả đời theo đuổi đề tài Bác Hồ

Cố họa sĩ Văn Giáo là một tác giả gần như dành cả cuộc đời cho đề tài Bác Hồ. Vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều họa sĩ nhưng ông là người đầu tiên vẽ chân dung Người trực tiếp trong khung cảnh không khí cách mạng ở Hà Nội khi đó. Đây là một thể loại tranh chân dung nhân vật lãnh tụ vẽ theo tiêu chí thẩm định “Giống cho đời nay và đẹp cho đời sau”, đòi hỏi cao bản lĩnh về hình.

Bức tranh "Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập" của cố họa sĩ Văn Giáo. 

Ông đã trực tiếp đến sống và vẽ tại những nơi Bác Hồ từng sống và làm việc như: Quê hương xứ Nghệ, Pác Bó, Cao Bằng. Vì có điều kiện được trực tiếp tiếp xúc, nói chuyện với Bác nên các tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh rất có hồn và chạm đến trái tim của đông đảo người dân Việt Nam, ghi dấu ấn sâu đậm vào kho tàng mỹ thuật cách mạng nước nhà. Bằng phương pháp trực họa giàu cảm xúc và lòng đam mê không mệt mỏi dành cho hội họa, ông đã đi khắp nơi để ghi lại nhiều khoảnh khắc có giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những ký họa lịch sử của cố họa sĩ Văn Giáo không chỉ là những ghi chép mà còn là những tác phẩm hoàn chỉnh về chân dung con người Việt Nam. Tất cả được vẽ với sự rung cảm, trải nghiệm sâu sắc, chân thực tạo nên nét độc đáo, đặc trưng và tiêu biểu trong hội họa của ông. Suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, cố họa sĩ Văn Giáo có cuộc sống rất giản dị. Đồng hành cùng ông trên chặng đường nghệ thuật là chiếc ba-lô, cặp vẽ và đôi dép lốp, ông luôn có mặt ở những nơi đầu sóng, ngọn gió với niềm lạc quan, yêu thương vô hạn với đất nước và con người Việt Nam để sáng tác.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Anh Văn Giáo quả là một họa sĩ tài ba của dân tộc. Phòng tranh làm cho người xem sống lại những ngày tháng hào hùng của đất nước. Qua các bức tranh đầy sức sống và rất đẹp, có thể thấy tâm hồn sôi nổi và đầy tâm huyết của người nghệ sĩ…”

Ghi lại thời khắc lịch sử của dân tộc bằng hội họa

Đồng hành cùng dân tộc qua hai cuộc chiến vĩ đại, cố họa sĩ Văn Giáo đã miệt mài ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của đất nước bằng cả trái tim say đắm với đất nước, con người Việt Nam và lòng đam mê nghệ thuật. Vì thế, toàn bộ sáng tác của ông là một dòng chảy biến thiên theo lịch sử không ngừng nghỉ. Mỗi tác phẩm là một lời kể chuyện tâm tình về quê hương, là những khắc hoạ ghi lại các thời khắc lịch sử bằng những ký hoạ trong các cuộc chiến đấu khốc liệt giành độc lập của dân tộc Việt Nam, là chân dung những con người bình dị cho tới những nguyên thủ quốc gia. Bằng phương pháp trực họa giàu cảm xúc và lòng đam mê nghệ thuật, người họa sĩ này đã đi khắp nơi để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc bằng hội họa.

leftcenterrightdel
 "Tìm gặp người thân".
Có thời điểm, hành trình sáng tác của cố họa sĩ Văn Giáo là suốt chiều dài miền Trung: Từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Tuy Hoà... Đặt chân đến những nơi này, ông đã vẽ triền miên trong niềm say mê bất tận. Miền đất khô cằn đầy nắng gió, những người du kích lăn lê bò toài tập ném lựu đạn, hô xung phong diệt giặc…đã tạo cảm hứng cho người nghệ sĩ này sáng tác và thăng hoa trong nghệ thuật. Một số tác phẩm với chất liệu bột màu được ra đời như: Phá hoại ở Phú Phong, Cảnh kháng chiến ở Tuy Hòa, Lớp học bình dân, tranh cổ động Đoàn kết chống xâm lăng...được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đó.
 

Đi sâu vào đời sống chiến đấu, sản xuất, mạch sáng tác của họa sĩ Văn Giáo không ngừng nghỉ. Một cây bút chì, một hộp màu nước, màu bột, một cặp vẽ bất ly thân như những họa sĩ chiến trường ngày đó, cùng với sự lao động nghệ thuật hết mình, ông và các đồng nghiệp đã vẽ phác họa các khía cạnh sinh động của trận chiến với các hoạt động huấn luyện, diễn tập, chiến đấu, tìm cảm đồng chí, đồng đội, tình quân dân...

leftcenterrightdel
 "Hơ áo chiến sĩ". 

Cố họa sĩ Văn Giáo tham gia chiến dịch biên giới 1950, chiến dịch Đồng bằng Trung du 1952, 1953 và sự kiện giá trị nhất mà ông được tham gia là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ông đã ghi lại những thời khắc lịch sử khi Việt Nam giành quyền tự chủ từ người Pháp.

Những tác phẩm của họa sĩ Văn Giáo vẽ thời kỳ này chủ yếu trên chất liệu bột màu. Tác phẩm của ông đã thể hiện nhiều mặt của cuộc kháng chiến chống Pháp, góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Hàng nghìn tác phẩm bình dị của người họa sĩ tài hoa này được ra đời trong khói lửa chiến tranh, chứa đựng nhân cách cao đẹp của người nghệ sĩ chân chính, hết lòng phục vụ Tổ quốc.

KHÁNH HUYỀN