Chất sử trong từng nét cọ
Đây là một trong những điểm nhấn nghệ thuật tiêu biểu thuộc chuỗi hoạt động “Sắc màu Thành phố Bác” do Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị thực hiện, được diễn ra từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút, các ngày 19-4, 26-4, 29-4 và 30-4, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Triển lãm là một sự kiện mỹ thuật đặc biệt, đồng thời là cuộc gặp gỡ xuyên thế kỷ giữa các thế hệ người Việt, từ các bậc tiền nhân dựng cọc dưới lòng sông đến người lính lái xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Lê Hữu Hiếu không đơn thuần là họa sĩ. Anh là người kể chuyện bằng hình ảnh, dẫn dắt khán giả vào hành trình hơn một nghìn năm dựng và giữ nước. Từ Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo đến những đoàn quân Giải phóng mùa Xuân 1975, các nhân vật lịch sử hiện lên không theo lối minh họa thông thường mà thông qua biểu tượng và ẩn dụ.
 |
Người dân quan tâm thông tin mô tả về mô hình “Thần Bảo Hộ”. |
Tại triển lãm, cụm tác phẩm được trưng bày, gồm: 27 tượng cao từ 3,3 đến 4,5m; một bộ tranh sơn mài khổ lớn dài 9,5m, cao 4m (gồm 18 tấm ghép lại) và 30 cọc gỗ khắc thơ Hịch tướng sĩ phủ sơn mài, cao từ 5,6 đến 9m, nặng tổng cộng khoảng 60 tấn. Điểm nhấn là mô hình “Thần Bảo hộ”, hình tượng trừu tượng từ tín ngưỡng đa thần Việt, làm từ gỗ mít ngâm bùn, sấy đốt, sơn đen bóng, biểu trưng cho sức mạnh Việt Nam bền bỉ như sắt thép.
Điều đáng chú ý là cách họa sĩ Lê Hữu Hiếu kết nối không gian văn hóa truyền thống với cảm thức thị giác đương đại. Một số tác phẩm kết hợp chất liệu sơn dầu, tranh in khắc và cả kỹ thuật số, tạo nên chiều sâu đa tầng. Đây không chỉ là hội họa mà là một hình thức giáo dục lịch sử đầy sáng tạo, cuốn hút giới trẻ.
“Em từng học bài "Hịch Tướng sĩ" trên giảng đường, nhưng hôm nay, nhìn thấy nó được thể hiện bằng nghệ thuật hội họa, em có cảm giác như đang chứng kiến một trang sử hào hùng đang sống dậy trước mắt mình vậy”, bạn Nguyễn Thị Vân Anh, sinh viên năm 4, chuyên ngành Marketing, khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh (HUFLIT) chia sẻ về bức tranh sơn mài "Hịch Tướng sĩ" tại triển lãm.
Họa sĩ Lê Hữu Hiếu chia sẻ, ý tưởng về tác phẩm này đã được ông ấp ủ suốt hơn 10 năm, kể từ lần đầu tận mắt thấy cọc Bạch Đằng. Sau hơn hai năm thực hiện, ông nói: “Tôi muốn tạo ra một tác phẩm nghệ thuật không chỉ tái hiện những dấu ấn lịch sử, mà còn khơi dậy nguồn sức mạnh vô tận từ cha ông, khởi nguồn từ dòng Bạch Đằng lịch sử”.
Trao truyền giá trị lịch sử
Bên cạnh những bức tranh là các bảo vật ký ức, như mô hình xe tăng treo ngược, tái hiện chiếc M24 Chaffee do Mỹ viện trợ cho Pháp năm 1953, từng tham chiến tại Điện Biên Phủ, nay được dựng ngược để tạo hiệu ứng thị giác mạnh mẽ. Chiếc xe mang sức nặng lịch sử, gợi lại bao ký ức thiêng liêng về sự hy sinh vì độc lập, tự do.
Một cựu chiến binh đặt tay lên vỏ xe tăng, như chạm vào một thời thanh xuân lửa đạn. Đứng thật lâu trước mô hình xe tăng, ông khẽ nói: “Ngày đó, tôi cũng từng lái xe phục vụ chiến trường. Nhìn mà thấy như quá khứ ùa về, bao đồng đội, bao ký ức trận mạc lại sống dậy trong từng tiếng máy nổ”.
 |
Các em nhỏ thích thú chụp ảnh lưu niệm với mô hình "Xe tăng treo ngược". |
Triển lãm đã tạo nên một không gian kết nối quá khứ hào hùng với hiện tại, nơi mọi thế hệ người dân thành phố và du khách có thể tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, cùng nhau tưởng nhớ, tri ân và truyền cảm hứng cho một tương lai xây dựng đất nước mạnh mẽ, thịnh vượng.
“Ban đầu con trai tôi thấy những cái cọc gỗ dựng lên trông rất thô sơ, không hiểu chúng có ý nghĩa gì. Nhưng khi đi sâu vào, quan sát kỹ từng bức tranh, đọc các bảng chú thích, bạn ấy dần hiểu được chiều sâu lịch sử và sự kỳ công của tác phẩm. Tôi và con trai cảm thấy thán phục và trào dâng niềm tự hào về hành trình gìn giữ từng tấc đất quê hương của dân tộc mình”, cô Nguyễn Thị Chiến, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Banh (phường Trường Thọ, TP Thủ Đức) chia sẻ.
Từ sông Bạch Đằng đến mùa Xuân 1975 là một hành trình dài, nhưng ở giữa những lát cắt ấy là điểm chung bất biến, khát vọng chiến thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Triển lãm của họa sĩ Lê Hữu Hiếu là món quà nghệ thuật gửi đến mùa Xuân đại thắng, góp phần giáo dục truyền thống, nuôi dưỡng lòng yêu nước và khơi dậy tinh thần dân tộc trong từng người trẻ hôm nay.
Bài và ảnh: KIỀU OANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.