Ăn vội bữa cơm tối, tôi vụt chạy ra khỏi cổng theo âm vang của tiếng trống ếch. Đường làng không có đèn điện, nhưng tôi được ánh trăng dẫn đường. Sau bài tập duyệt đội hình ở xóm, tôi lao vào những trò nghịch ngợm cùng lũ bạn, dọa ma, bắn súng nước hay những trò chơi "hiền lành" như trốn tìm, bịt mắt bắt dê. Lại có lúc chúng tôi rủ nhau bí mật leo cây hái quả nhà hàng xóm rồi co chân chạy. Nhưng có hôm không may, chúng tôi bị bà hàng xóm tóm gọn và bị ăn roi. Vết sẹo ở bắp chân tôi là hậu quả của một lần trượt ngã vì trèo cây nhà hàng xóm, đến bây giờ vẫn chưa mờ. Lần đó, ông ngoại băng bó cho tôi, bàn tay ông chai sần và khéo léo.
Đêm rằm, sân kho là nơi đông đúc nhất. Kết thúc màn đốt lửa trại vui nhộn, chúng tôi được xem phần thi văn nghệ, múa võ, múa lân giữa các xóm. Sau nhiều ngày tập luyện bở hơi tai, chúng tôi reo hò la hét vang trời cổ vũ. Ai ai cũng muốn giành giải để mang về niềm vui cho xóm mình. Phần thưởng chỉ là những hộp bánh, kẹo, đèn lồng. Năm nào “xôm” thì được thưởng bộ trống ếch mới. Chờ phá cỗ, lũ trẻ nằm dài trên bãi cỏ ngắm trăng. Không biết từ khi nào, ánh trăng như người bạn thân cùng chúng tôi chia sẻ buồn vui.
Nhưng vui nhất phải kể đến những ngày tôi và đám bạn được ông ngoại dạy cho cách làm đèn ông sao. Chúng tôi hào hứng nghe ông nói về kỹ thuật làm đèn, rồi hì hục thực hiện theo. Đứa thì chặt tre, đứa vót khung, đứa trang trí đèn. Hay những lúc ngồi há miệng nghe ông kể chuyện về chị Hằng, chú Cuội rồi mơ mơ màng màng về cuộc sống trên cung trăng. Ông tôi đã mất vì tuổi già, nhưng những kỹ thuật làm đèn hay câu chuyện của ông vẫn luôn được chúng tôi ghi nhớ. Thời gian dần trôi qua, tôi và lũ bạn có cuộc sống và công việc riêng. Chúng tôi rời quê học hành, kiếm sống nơi đô thị hay các khu công nghiệp xa xôi. Nhưng mỗi khi có dịp ngồi hàn huyên, đứa nào đứa nấy lại tranh nhau kể chuyện xưa.
Trung thu ở quê bây giờ cũng có nhiều đổi thay. Nhiều người đón Trung thu bằng việc tụ tập cờ bạc, ăn uống linh đình. Đám em tôi lao vào quán internet chơi games, hút thuốc hay tập tọng rượu chè. Nếu ông ngoại còn, hẳn bọn chúng sẽ "ăn no đòn". Nhưng những cái xấu đó không làm mất đi cái vui, cái đẹp của ngày hội trăng rằm. Các bác trưởng thôn đến từng nhà vận động cha mẹ góp tiền tổ chức Trung thu cho bọn trẻ. Các anh chị đoàn viên, thanh niên cùng tụi nhỏ dựng trại, tập múa lân, rước đèn. Một vài đứa bạn tuổi thơ của tôi, bây giờ trở thành những "kẻ đầu trò" dạy bọn trẻ làm đèn ông sao, tỉa gọt hoa quả, làm bánh trái, trang trí cỗ Trung thu.
Sắp Trung thu rồi mà trời Hà Nội vẫn mây nặng sầm sì. Đôi lúc trăng đầu tuần ló lên, ấy là lúc tôi nôn nao nhớ. Lần gần nhất mình được chơi Trung thu ở quê là khi nào nhỉ? Chợ Trung thu Hà Nội cơ man là các thứ đồ chơi làm tôi hoa mắt dưới ánh điện loa lóa. Chọn một đôi bánh Trung thu đem về góp vui dưới ánh trăng quê, thắp hương cho ông ngoại.
HỮU TRƯỞNG