Tham dự Tọa đàm có gần 200 nhà văn hội viên và lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật thành phố Hà Nội.
11 bài tham luận gửi đến tọa đàm là những công trình nghiên cứu công phu, bám sát đời sống văn học của thành phố Hà Nội từ sau năm 1975 đến nay. Dưới sự điều hành của các nhà văn: Bùi Việt Mỹ, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội; GS, TS Trần Đăng Suyền; PGS, TS Trần Thị Trâm, các báo cáo viên trình bày tham luận tại tọa đàm đã làm rõ những vấn đề văn học của thành phố Hà Nội trải dài 50 năm qua.
 |
Nhà văn Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội phát biểu khai mạc tọa đàm. |
Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Hà Nội sau khi điểm lại những thành tựu văn học Hà Nội 50 năm qua, đã nêu rõ 7 vấn đề còn tồn tại mà Trung ương Đảng đã nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới", mà văn học Hà Nội cần phải khắc phục, để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Linh Khiếu chia văn học Hà Nội từ sau năm 1975 làm 3 giai đoạn. Đó là giai đoạn 1975-1986, tác phẩm của các nhà văn có chung cảm hứng chiến thắng, người lính và chiến tranh, đề cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phong trào thi đua lao động sản xuất xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn 1986-2000 là giai đoạn văn học đổi mới, đa dạng, mới mẻ, xu hướng thay đổi hình thức, cấu trúc thơ. Từ năm 2001 trở lại đây là giai đoạn phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin, đặt cho văn chương những yêu cầu mới về hội nhập; xuất hiện những trào lưu cách tân thơ…
 |
Các nhà văn tham luận tại Tọa đàm về văn học Hà Nội từ sau năm 1975.
|
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng đề cập đến khoảng cách các thế hệ nhà văn. Nhà văn Trần Thị Trâm bàn về thơ của các nhà thơ nữ Hà Nội. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nêu ý kiến về phong cách và sự dấn thân của nhà văn.
Ngoài ra, ban tổ chức tọa đàm còn nhận được các tham luận của các nhà văn Đỗ Ngọc Yên, Nguyễn Thị Minh Bắc… với sự tâm huyết và bàn những vấn đề sâu sắc của văn học Hà Nội.
"Tọa đàm về văn học Hà Nội từ sau năm 1975 là một trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025). Tọa đàm đã nêu lên những vấn đề mới cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận trong thời gian tới. Kết quả tọa đàm là một điểm nhấn, góp phần tạo động lực phát triển văn học, nghệ thuật ở thành phố Hà Nội. Trong thời gian tới, văn học Hà Nội cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư và có những quyết sách phù hợp, cụ thể của thành phố Hà Nội, trong đó vấn đề quan trọng nhất là phát triển đội ngũ, nâng cao trình độ nhà văn và chất lượng tác phẩm của các nhà văn…", nhà văn Trần Đăng Suyền cho biết.
HƯƠNG HỒNG THU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.