Phố mang tên Thái úy Tô Hiến Thành, một người con của làng Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Trong “Lịch triều”, ở mục “Người phò tá có công lao tài đức” đời Lý, Phan Huy Chú đã nêu tên 4 người, trong đó có tên của Tô Hiến Thành. Sử chép, lúc nhỏ ông đã tỏ ra là người có trí lực, tài kiêm văn võ. Năm 1159, xứ Ngưu Hống và Ai Lao xâm lấn nước ta, ông được cử đi dẹp và thắng trận. Năm 1161, ông lĩnh 2 vạn binh đi tuần miền Tây Nam và vùng ven biển, trấn áp giặc cướp, giữ yên cương vực. Ở giai đoạn này, công lao lớn nhất của ông là việc tổ chức khai hoang lấn biển nhiều vùng ven biển thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa… ngày nay, vì vậy mà sau này dọc bờ biển miền Bắc có nhiều đền thờ ông (như ở bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa). Năm 1167, Chiêm Thành tấn công nước ta, vua Lý Anh Tông khi đó đã cử Tô Hiến Thành đi Nam chinh và ông tiếp tục cầm quân chiến thắng, tạo cho vị thế của quốc gia Đại Việt dưới thời Lý Anh Tông trở nên lớn mạnh với các nước lân bang.
Phố Tô Hiến Thành ngày nay nổi danh với những ngôi nhà Pháp cổ và văn hóa ẩm thực. Ảnh: LÊ HIẾU
Sự nghiệp làm quan văn của Tô Hiến Thành cũng hiển hách không kém, nhưng phần lớn công lao lại tập trung ở giai đoạn cuối đời, khi ông trở thành đại thần phụ chính tài năng và đức độ cuối cùng của nhà Lý. Cuối đời, ông làm đến chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó bình chương quân quốc trọng sự (tể tướng). Khi vua Lý Anh Tông băng hà năm 1175, hoàng tử trưởng là Long Xưởng hư hỏng, vua có di chiếu lập hoàng tử Long Trát mới 1 tuổi lên ngôi (tức vua Lý Cao Tông), đã giao cho ông phụ chính. Nhưng do tuổi già sức yếu nên thời gian phò trợ ấu chúa của ông không được là bao. Năm 1179 khi vua mới 6 tuổi, Tô Hiến Thành ốm nặng và mất.
Trong ghi chép “1.000 năm Thăng Long-Hà Nội” của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Tô Hiến Thành là một danh nhân kiệt xuất về chính trị, quân sự và văn hóa của đất nước. Tô Hiến Thành được ghi nhận công lao trong công cuộc xây dựng nền văn hóa của thời đại. Ông còn được coi là một vị đại thần trong văn hiến, được quốc sử trân trọng khi ghi chép.
Hiện nay, nhiều địa phương tôn vinh Tô Hiến Thành làm Phúc thần; nhiều nơi thờ ông làm Thành hoàng, còn quê hương Hạ Mỗ ở Đan Phượng thì tôn ông làm Chủ thần điện Văn Hiến đường. Văn bia ở Văn Hiến đường, dựng vào năm Bảo Đại thứ 3 (1928) còn ghi rằng: “Công trạng của Ngài còn mãi với đất nước, ân trạch của Ngài còn mãi với xóm thôn, anh linh của Ngài còn mãi trong trời đất”.
Còn ở Hà Nội, năm 1945 tên phố Tô Hiến Thành được đặt thay tên phố Fures. Điểm dừng ngày nay của người dân Hà Nội và du khách khi tới phố Tô Hiến Thành là những quán ăn nổi tiếng với các món ăn truyền thống, nức tiếng Hà Nội, như: Phở gà bà Lộc, bánh cuốn bà Hoành, bún thang… và cả những nhà hàng với món ăn Tây.
CHÂU XUYÊN