Có những buổi trở mình thức sớm. Trong mơ màng nằm chờ tiếng kèn gọi, cũng nao nao nhớ một thời quân ngũ…
Ngày ấy, lửa chiến tranh đang rần rật hai đầu đất nước. Lệnh tổng động viên khu vực rồi tổng động viên toàn quốc phát ra. Bao thanh niên đang học dở lớp cuối cấp 3, xếp bút nghiên lên đường. Hàng trăm kỹ sư, bác sĩ lên đường… Mình đang trên bục giảng cũng gác giáo án. Lên đường!
Nhớ thời huấn luyện. Một đại đội có 3 trung đội, mỗi trung đội có 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội có 12 tân binh. Ở quây quần trong một khu doanh trại. Ngày ấy, báo thức buổi sáng chỉ có tiếng còi của trung đội trưởng trực ban. Cũng 5 giờ sáng mùa hè, cũng 5 giờ 30 phút mùa đông, tiếng còi rít lên, 2 ngắn 1 dài… lính ở các nhà túa ra, nhanh chóng vào hàng, nhanh chóng điểm danh. Và, nhanh chóng chạy đều theo hiệu lệnh… Còi! Tiếng còi quen đến mức hôm nào nghe báo thức mà tiếng còi lanh lảnh, chói tai, lính vừa buộc dây giày vừa xì xầm: Trung đội trưởng đêm qua nhớ nhà rồi! Hôm nào nghe tiếng còi thứ 3 dài ra, ngân vang, lính cười bảo đêm qua trung đội trưởng vừa đọc thư của người yêu !…
Thế rồi lên biên giới. Ở tiểu đoàn nào hoặc qua trung đoàn nào cũng nghe báo thức bằng tiếng kẻng. Kẻng đều là các vỏ quả bom của thời chống Mỹ còn lại. Kẻng to bằng chiếc xô đựng nước, dài bằng nửa chiếc đòn gánh. Kẻng một hồi 3 tiếng là báo thức. Một hồi chín tiếng là họp lãnh đạo cấp trung đội trở lên. Ba hồi ba tiếng là họp tiểu đoàn bộ. Ba tiếng gõ liên thanh là báo động… Đã làm lính anh nào cũng phải nhớ nằm lòng các tín hiệu kẻng. Năm năm quân ngũ, tiếng kẻng ngấm vào giấc ngủ, đến nỗi sau này ra quân, về nhà… khi nghe tiếng vung nồi rơi “keng” xuống nền bếp mà cũng bừng tỉnh giấc, vùng dậy ngơ ngác chạy ra sân.
Lại nhớ những ngày lên cắm chốt sát biên giới. Đi đâu cũng bùng nhùng dây thép gai. Ra suối tắm chỉ từng tốp. Ba anh đi một hàng dọc, người sau lựa đúng vào chân người đi trước, tránh mìn. Tắm, hai anh lội xuống nước, còn một anh thì bồng súng gác trên bờ. Ngày cũng như đêm sống trong nhà âm- tức là hầm bê tông rộng, có lợp lá phía trên. Báo thức không có kẻng, chẳng có còi, mà chỉ là cái vỗ nhẹ vào chân. “Bộp, bộp” và tiếng tiểu đội trưởng thì thầm: “Dậy, dậy thôi!”. Thế mà nhớ, nhớ đến hàng chục năm sau.
 |
Minh họa: Lê Hải. |
Lính đói, vì đến giờ ăn, trời mưa to, hậu cứ chưa mang cơm lên được.
Lính ghẻ, vì ít tắm và ở ẩm.
Lính nhớ nhà!
Lính nghĩ ra đủ chuyện. Chuyện gì cũng được, miễn vui miễn khỏe mà giữ chốt. Nào bẫy con cheo, con rúi, nào đẵn trúc làm sáo, nào tiễn mai làm điếu cày. Và, sao chè búp nữa. Lính tỉ mẩn đến cỡ: Đập hai đầu con ốc sên, rút ruột ốc ra. Lấy vỏ ốc chụp vào búp chè trên cây. Búp chè lớn lên, chạy ngoằn ngoèo trong vỏ ốc. Khi búp chè nhô ra ở đít con ốc, lính ngắt búp chè mang về. Khi đập vỏ ốc ra, búp chè trắng nõn nà, cuộn xoắn lại, nếu kéo dài ra phải được bằng gang tay. Búp ấy được những tay lính lão luyện sao, ướp. Khi trên chảo gang, đã thơm đến cộn ruột gan. Chỉ cần 5, 7 búp chè ấy cho vào hãm nước sôi, được ấm chè uống vào, ruột gan quắn tít lại mà đê mê, nhớ đến hết đời… Chè chốt đã có “thương hiệu” một thời...
Bạn cùng trang lứa, nhóm đi biên giới Tây Nam lác đác trở về. Mấy bạn lên Tây Bắc có người nằm lại ở Hà Tuyên, quanh điểm cao 1509.
Còn mấy người, giờ, hằng năm vẫn gặp mặt. Được chục năm đầu, rồi cũng thưa người dần. Có người không đi công tác cũng kiếu-bảo- đang ở xa. Có người hơi ốm, làm như ốm nặng! Rồi giờ giấc nữa, nhiều người chẳng bao giờ đúng hẹn.
Có lần mình bảo: Ngày ở lính gian khổ thế mà gần nhau thế! Bạn bảo: Ờ, chiến tranh mà! Chiến tranh có quy luật riêng của nó!
Rồi cả bọn trầm ngâm. Một bạn lên tiếng: Ngày trong quân ngũ, có ai chậm chạp, sai giờ hẹn thế này đâu? Sai hẹn thế, hợp đồng tác chiến có mà đi đứt!!!
Một bạn cự nự: Ông có vẻ thích cuộc sống quân ngũ nhỉ?
Mình không bênh ai, đành nói: Cái gì cũng có hai mặt của nó! Riêng cái tác phong quân ngũ, dậy sớm đúng giờ là mình vẫn duy trì được!
- Ông để báo thức mà dậy đều đặn được à? Giỏi!
- Không! Mình theo tiếng kèn của quân đội.
- À, nhà ông gần doanh trại bộ đội. Nói làm gì!
Mình lẩn thẩn bảo: Giá mà cái tiếng kèn ấy vang đến tất cả nhà các bạn thì chắc các bạn cũng dậy sớm như mình thôi!- Cả hội cười ồ.
Giá mà… Ôi! Giá mà…
Thôi, còn chút lối sống của một thời sôi động, của thời trai trẻ mà ai cũng thấy sống đẹp với nhau ấy- là tự mình rèn mình thôi!
Trong mơ màng nửa tỉnh nửa thức ấy, bỗng tiếng kèn lồng lộng vang lên!
Vội vùng dậy, vội xỏ giày, chạy ra sân, miệng lại hô to: “Dậy, dậy thôi!”- mà chẳng biết gọi vào ai.
Văng vẳng tiếng hô “Một, hai, ba! Một, hai, ba…” của đoàn lính trẻ đang chạy đều trong đội ngũ. Bất giác, mình cũng nhấc nhịp chân chạy theo: "Một, hai, ba… Một, hai, ba…".
Tản văn của ĐỖ HÀN