Mỗi khi tôi gặp

Quằn quại những hình nhân

Quằn quại những linh hồn

Quằn quại những nỗi đau

Hỡi trời xanh! Trời xanh, có thấu?

Nỗi đau này từ chất độc da cam

Vẫn đang còn hiện hữu ở Việt Nam!

Nỗi đau này chôn sâu trong đất

Nỗi đau này hiện ra trên mặt

Nỗi đau này cháy ruột cháy gan

Nỗi đau này mấy kiếp truyền lan

Từ mẹ cha đến con cháu nối đời!

Cả loài người nên biết

Nỗi đau này

Chưa thôi

Cứ dai dẳng

Trên đất nước chúng tôi.

Hãy chung tay

Xoa dịu nỗi đau

Của chất độc màu da cam man rợ

Hãy chung tay

Hàn gắn ngay

Những đắng cay còn nợ!

Quá đỗi xót xa

Xin chớ chần chừ!

            Tháng 3-2019

NGUYỄN ANH TRÍ

Nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo. 

Tiếng lòng của một lương y

Khi người đàn ông rơi lệ tôi nghĩ đó phải là nỗi đau tột cùng. Với người già, sự xúc động đâu dễ hiển hiện, bởi họ đã trải qua bao biến động cuộc đời. Thế nhưng chứng kiến những số phận quằn quại trong nỗi đau da cam, ông đã bật lên những tiếng thổn thức sau bao dồn nén nhói đau. Bài thơ “Thổn thức da cam” là tiếng khóc, tiếng nấc của một con người đáng kính-GS, TS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.

Tôi biết GS,TS Nguyễn Anh Trí trên cương vị là người hoạt động trong lĩnh vực y khoa. Với học hàm, học vị, danh hiệu, chức danh kể trên cũng đủ thấy tài năng, trí tuệ, tâm huyết của ông dành cho ngành huyết học Việt Nam. Không chỉ giỏi về chuyên môn, ông còn làm thơ, viết sách, sáng tác nhạc. Với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, bác sĩ Nguyễn Anh Trí dễ đồng cảm với bệnh nhân, với những mảnh đời khốn khó, trong đó có những nạn nhân chất độc da cam.

Tiếng thơ của Nguyễn Anh Trí chân thật, giản dị bởi được chắt ra từ chính hiện thực cuộc sống. Ông chia sẻ, bài thơ “Thổn thức da cam” ra đời từ chính những phận người bị di chứng da cam đi ngang qua đời ông: Họ ở quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình. Họ có mặt trong những dịp ông đi tiếp xúc cử tri, tặng quà tình nghĩa. Họ là bệnh nhân. Họ là những người lang thang bên lề đường... Ông đã viết trong tiếng thổn thức trào dâng, sau đó gửi bài thơ tặng Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vào tháng 3-2019.

Da cam, cái sắc màu quá đỗi bình thường trong cuộc sống. Nhưng với những nạn nhân của chất độc dioxin, đó là màu của đau thương, oan trái. Khi nhìn lên tấm bản đồ xưa, Nguyễn Anh Trí bỗng thảng thốt: “Thấy chi chít/ Những đường vạch ghi dấu/ Đường dải chất da cam/ Ứa máu!”. Bài thơ được mở đầu bằng hình ảnh đầy tính hiện thực nhưng có sức gợi. Trước mắt là hình hài Tổ quốc với những tên núi, tên sông, tên đất, tên rừng đẹp tươi. Thế nhưng những đường vạch chi chít ấy như những vết chém vào cơ thể lành lặn ứa máu. Đường dải da cam thành con đường máu đỏ ối, đau thương. Mỗi vệt ngang qua là một vùng đất chết, là thêm nhiều phận người cả đời mang nặng nỗi đau. 

Nhìn vào hiện thực đó sao không khỏi xót xa. Tác giả đã thổn thức, nghẹn ngào khi chứng kiến cảnh: “Quằn quại những hình nhân/ Quằn quại những linh hồn/ Quằn quại những nỗi đau”. Điệp khúc “quằn quại” réo lên liên hồi như những những lớp sóng lòng xô vào nhau ào ạt, nhói đau, quặn thắt. Một sự thật vô cùng khủng khiếp khi cái màu da cam biến con người thành những hình nhân dị dạng, đã hóa kiếp linh hồn về thế giới bên kia để lại nỗi đau hữu hình cho người ở lại. 

Tiếng thổn thức ngày càng dữ dội khi nhà thơ chứng kiến quá nhiều nỗi đau da cam: “Nỗi đau này chôn sâu trong lòng đất/ Nỗi đau này hiện ra trên mặt/ Nỗi đau này cháy ruột cháy gan/ Nỗi đau này mấy kiếp truyền lan/ Từ cha mẹ đến con cháu nối đời!”. Những điệp từ “nỗi đau” nối tiếp nhau như xoáy sâu vào cõi lòng. Nỗi đau da cam hiện nguyên hình lẫn vào không gian, dài theo thời gian, có sức tàn phá khủng khiếp, di chứng nhiều kiếp, nhiều đời. Từ nỗi đau ấy, nhà thơ kêu gọi nhân loại: “Hãy chung tay/ Hàn gắn ngay/ Những đắng cay còn nợ!”. Chúng ta đã mắc nợ những con người đã gánh thay nỗi đau. Thế nên hàn gắn vết thương ấy để không còn rỉ máu là trách nhiệm của những người hôm nay và cả thế hệ mai sau.

Là bác sĩ làm thơ về nạn nhân da cam, Nguyễn Anh Trí viết bằng tấm lòng lương y cộng hưởng cùng trái tim thi sĩ. Bài thơ theo thể tự do không bị bó buộc bởi câu chữ niêm luật để diễn tả những xúc cảm chân thực nhất. Những câu thơ xếp chồng lên nhau, những điệp khúc dồn dập, đứt gãy đã làm cho nhịp điệu bài thơ như những tiếng thổn thức, tiếng nấc đớn đau, nghẹn ngào. Bài thơ còn là lời đồng vọng của một tấm lòng tràn ngập yêu thương, với mong muốn góp tiếng nói đồng cảm và sẻ chia nhằm xoa dịu nỗi đau da cam vẫn còn tồn tại dai dẳng trên đất Việt.

 THƯ NGỌC