Cát nói với chồng những điều ấy trong lúc anh đang gặm đầu gà. Ban đầu Duy không để ý đến những lời vợ nói vì còn bận tận hưởng cái mào gà thâm sì. Nhưng rồi đột nhiên Duy dừng lại hỏi vợ bằng đôi môi bóng nhẫy “em nói thật đấy à?”. Sau cái gật đầu của Cát anh bỗng phá lên cười “để xem được bao lâu”. Chắc hẳn anh đang nghĩ đến vài quyết định khác trong đời Cát. Như lần quả quyết đòi đi tập yoga. Mua sắm quần áo, thảm tập, nộp học phí cả năm cho một trung tâm thể dục thể thao. Cát nhất định phải có thân hình đẹp như thần vệ nữ. Bao nhiêu là quyết tâm cuối cùng cũng chỉ đủ cho vài ba buổi tập. Giờ lại đến món ngồi thiền với cả ăn chay. Duy cười ha hả kể với mấy cô bạn thân của Cát về ý định của vợ mà anh nghĩ là dở hơi. Cát không hiếu thắng phân bua như những lần khác, chỉ ước nếu không vướng tụi nhỏ thì có khi sẽ khăn gói lên chùa.

Cát không nghĩ sâu xa rằng đó là một kiểu giác ngộ mà nó giống như sự về nguồn. Tựa như đến một thời điểm nào đó con người ta bỗng sợ những bon chen xô bồ trong đời sống thực tại. Không còn tha thiết tìm vui nơi khác mà quay về với chính mình. Cát ngồi thiền trong tâm thế thoải mái. Nhưng tâm trí Cát không thể dừng mọi thao tác vận hành tâm thức cũng như những tạm niệm. Tâm trí Cát bị hút vào lỗ đen với ma lực khủng khiếp. Lúc ấy Cát như người đã bị bắt mất linh hồn chỉ còn lại thể xác trong tư thế ngồi Bán Kiết Già. Ở một thế giới khác Cát rơi tõm xuống bờ sông mùa cạn nước. Mẹ đang gánh nước để tưới ngô trên đồng. Những luống ngô héo queo vì nắng nóng. Cát chui trong vườn mía nhìn đôi vai mẹ cũng đang muốn rũ xuống như những chiếc lá ngô. Đứng từ dưới bờ sông cũng có thể nhìn thấy dáng bố Cát đi ngất ngưởng trên đê. Nếu gió mạnh có khi xô ngã được cơn say của bố. Mẹ tính năm bằng những mùa lúa mùa ngô. Năm của bố được tính bằng mùa rượu sắn, mùa rượu ngô, mùa rượu gạo. Mẹ cõng mùa trên vai đầm đìa những giọt mồ hôi. Bố cõng mùa say bằng nước mắt. Đã có lúc Cát nghĩ nếu nước mắt bố tưới sống được những cây ngô thì còn hữu ích. Đằng này…

Mẹ sinh được mình Cát thì bị bệnh phải cắt cả hai buồng trứng. Bố là con trai độc đinh nên có trách nhiệm nối dõi tông đường. Việc mẹ không thể sinh thêm con cũng có nghĩa bố không làm tròn trách nhiệm đối với dòng họ, tổ tông. Thứ quan niệm cổ hủ của cả xã hội thời ấy kéo đời bố chúi vào chai rượu. Lúc say bố hay dí vào trán Cát nói bằng hơi rượu:

- Giá mày là con trai có phải đời bố đỡ khổ không?

- Để làm gì hả bố? Sao bố cái Hoa, cái Thắm cũng nói với chúng y như vậy?

- Để bố mẹ già còn có người chăm sóc, chết còn có người chống gậy, ngày giỗ còn có đứa thắp hương. Vịt giời như mày nuôi lớn lại bay đi. Được trò trống gì, nhờ vả gì cơ chứ.

- Thì sau này bố mẹ già con cũng chăm sóc được chứ sao.

Bố phẩy tay cười khan. Mẹ sống lầm lũi qua những cơn say của bố. Mấy tải ngô, bồ thóc cũng vơi dần vì bố xúc đi nấu rượu. Tiền mẹ ki cóp từng đồng dắt trên mái nhà, buộc ni lông vùi trong đống tro, giấu trong đầu giường hay kẽ tường bố đều tìm lấy. Mẹ có biết cũng chỉ dấm dúi khóc. Mẹ tiếc của khóc to bố trừng mắt là im bặt, nước mắt nuốt vào trong. Vớ vẩn là bố dọa đi lấy vợ khác đẻ lấy thằng nối dõi tông đường. Bốn từ “nối dõi tông đường” cũng chẳng khác nào một thứ thuế hạnh phúc. Đóng đủ thì vui. Thiếu thì dập vùi tan nát. Thời của mẹ đàn bà hiền như những dải khoai. Sống chỉ cúi đầu xuống bùn để che chở, bao bọc búp non. Có nhiều lần vừa bắt đầu ngồi thiền Cát đã thấy mình ngã sõng soài trên chiếc lá khoai môn. Màu xanh mềm như lớp lụa ấy từng che nắng cho Cát những buổi trưa đi học về. Từng thay lá sen gói cốm đầu mùa. Từng là mái nhà của những chú gà con. Và từng chứng kiến nỗi đau đớn tột cùng khi gã bạn rượu của bố đè Cát ra hãm hiếp. Bố lúc ấy ở đâu? Câu hỏi ấy như một viên sỏi vừa bật ra khỏi cổ họng trong tiếng hực khan của Cát. Mẹ vẫn đang khom lưng vét những gầu nước dưới sông mùa cạn. Mẹ đâu biết con gái mình cũng đang rũ xuống như những cây ngô. Trong tư thế tọa thiền Cát từ từ gục xuống, như những chiếc lá khoai trong buổi trưa hôm ấy.

leftcenterrightdel
Minh họa: Minh Ngọc. 
Có thật sự là Cát đang thiền? Dưới góc độ yoga thiền là dòng chảy của tâm trí. Là trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy, hoàn toàn đắm chìm trong nghĩ nghĩ về ý thức vũ trụ. Nhưng Cát thì khác. Dòng chảy tâm trí của Cát có lẽ đang chảy ngược. Về những ngày ngoảnh đi đâu cũng thấy những ánh mắt găm chặt vào mình. Cát từng tìm mọi cách chạy trốn ánh mắt soi mói của người đời. Nhưng lại va phải ánh mắt đỏ như hòn than của bố. Để rồi ngã gục vào ánh mắt đầy bão dông của mẹ. Trong nhà nhìn đâu cũng thấy hận thù. Ngoài hàng rào thì găm đầy những nhấp nháy mỉa mai.

                                                * * *

Dạo này bà giúp việc hay làm các món chay bằng khoai môn, khiến Cát nhớ đến ngày giỗ đầu của mẹ. Mâm cúng không có gì ngoài bát canh khoai môn nấu với muối trắng và đĩa cua đồng rang mặn. Mẹ mất vì bị cảm lạnh sau khi uống rượu say. Can rượu mà bố đổi bằng những đấu thóc cuối cùng trong nhà mẹ đã giằng lấy tu một hơi hết sạch. Sau đám tang của mẹ, bố không bao giờ động vào giọt rượu nào. Sống lặng lẽ như bụi cỏ dại. Những người bạn rượu khi xưa không lui tới nữa. Người từng hãm hiếp Cát đã bỏ làng ra đi biệt tích. Bởi sau khi tỉnh rượu bố từng cầm dao đến tận nhà tìm hắn trả thù. Bố không khóc nữa nhưng dáng ngồi như tan chảy thành từng giọt. Đó là giọt sầu hay là giọt rượu mà bố đã ngâm đời mình suốt gần hết đời người? Cát cũng không biết nữa. Với bố, Cát vừa thương vừa hận. Như lúc nhìn bố ngồi giữa đêm sương là vừa muốn chạy ra kéo bố vào lại vừa muốn bỏ mặc. Lúc bố ốm ngồi đút thìa cháo mà lòng trào lên cơn giận. Phải chi bố không say thì cửa nhà đã không tan nát. Mẹ còn sống và Cát đã có một tuổi thơ yên bình như bao đứa trẻ khác. Đã không phải sống trong sự ám ảnh về một buổi trưa sặc sụa men rượu và nỗi đau thể xác xuyên thấu cả ấu thơ.

Một buổi sáng thức dậy Cát bỏ làng ra đi. Nếu không đi Cát sợ mình sẽ chết chìm trong sự giày vò, ám ảnh. Gần 20 năm qua, Cát đến một thành phố xa xôi tìm cách rũ bỏ gốc gác và quá khứ của mình. Từ một con nhỏ phụ bàn trong quán cơm sườn, Cát bươn chải mưu sinh đủ đường để có tiền học nghề và trở thành một bà chủ spa xinh đẹp. Thỉnh thoảng Cát về thăm nhà thắp hương cho mẹ, dúi cho bố ít tiền rồi vội vã ra đi. Bố hình như khóc dù Cát không nhìn thấy giọt nước mắt nào.

                                         * * *

Cát bước ra khỏi căn phòng bỏ những cánh sen vương vãi trên sàn. Cát không muốn ngồi thiền khi tâm mình còn chưa thật sự rũ bỏ được quá khứ. Vậy mà Cát từng nghĩ mình có thể sống mà không cần phải chạy trốn bất cứ điều gì. Nhưng hóa ra quá khứ không biến mất mà nó chôn chặt trong lòng chờ cơ hội trỗi dậy. Có thể vì Cát chưa bao giờ chịu cởi bỏ ẩn ức để thanh thản sống với những điều thực tại. Cát nói với chồng muốn đưa con về quê một chuyến, có thể vài ngày cũng có thể sẽ lâu. Suốt trên chặng đường đi thằng nhỏ không chịu ngồi yên phút nào. Nó hỏi đủ thứ khiến Cát không kịp trả lời. Cát xa quê lâu rồi nên quên cả mùi của bông lúa cọng rơm. Quên mất tiếng hót của bầy chim chiền chiện. Quên mất mùi phù sa dưới con sông Hồng mẹ từng khom lưng gánh từng thùng nước. Ngô mùa này xanh quá không héo rũ như những vụ ngô đời mẹ. Thằng nhỏ bảo:

- Quê đẹp vậy mà trước kia mẹ cứ nói mẹ không có quê hương. Cô giáo con bảo ai cũng có ít nhất một nơi để trở về. Mẹ nhỉ?

- Lúc một tuổi ông dắt con tập đi trên đường làng này đấy. Cũng vào độ mùa thu.

Cát bỗng nhớ lần dẫn con về thăm ông ngoại. Thằng bé nhanh biết nói đã có thể gọi “ông ơi” ngọng nghịu. Ông dẫn cháu đi mua bóng bay ở quán tạp hóa ngoài đầu làng. Thằng bé lẫm chẫm tập đi, thích thú nhào lại những bụi hoa dại ven đường. Tiếng ông, tiếng cháu cười vang cả đoạn đường quê còn vương rơm rạ. Đến khi về đến nhà thằng bé nhào vào lòng mẹ cũng là lúc Cát mang con đi. Trong ánh hoàng hôn nhập nhoạng Cát thấy mắt bố trũng sâu ầng ậc nước. Xe đi một đoạn nhìn qua gương chiếu hậu Cát vẫn thấy cha già đứng như thân cây khô rạc. Thằng bé giờ đã vào lớp một mà Cát mới đưa nó về thăm ông ngoại lần thứ hai. Mấy Tết rồi Cát ở nhà chồng, chỉ thăm hỏi bố bằng những cuộc điện thoại bập bõm câu được câu không. Có thể vì sóng. Cũng có thể vì chiếc điện thoại Cát mua cho bố gần chục năm nay giờ sắp hỏng rồi. Nghĩ lại tự nhiên Cát thèm khóc quá.

Căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa lùm cây. Một cột khói mỏng manh xuyên qua tầng xanh bay lên trời. Giờ này chắc bố đang nấu cơm chiều. Thằng nhỏ mở toang cánh cổng sắt ọp ẹp gọi vang “ông ơi”. Từ trong bếp ông ngoại lần mò đi ra mang theo cả khói bếp vướng đầy trên tóc. Run run vui mừng ông cháu ôm nhau như chưa hề cách xa tháng năm đằng đẵng. Cát ngồi xuống bậc thềm dụi mắt giả vờ than “bố đun củi ướt hay sao mà khói khiếp”. Nhìn chiếc dây phơi gỉ sét, vài chiếc áo sờn cũ phất phơ. Nhìn sân nhà trơn trượt rêu xanh. Nhìn cỏ dại mọc lan vào tận sân. Nhìn dáng bố gù như bông lúa, như lưỡi liềm, như trăng khuyết mà Cát muốn than trời. Yêu thương đến nghẹn tim mà sao suốt bao nhiêu năm qua Cát cứ gò mình như sắt đá. Giờ thì Cát có thể ngồi đây thanh thản và nhẹ nhõm. Tựa như một giấc thiền sâu…

Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG