Bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, lưu giữ trong tâm hồn công chúng nhiều thế hệ. Đây là bài thơ ngắn, gồm 8 câu, mang những nét đặc trưng tiêu biểu cho phong cách thơ Nguyễn Đình Thi: Thể tự do, phóng khoáng, coi trọng “nhịp điệu bên trong” của tâm hồn người viết hơn các khuôn mẫu thể loại và vần điệu vốn có phần xơ cứng của thơ ca cổ điển.

Bài thơ bắt đầu bằng một sự tình cờ. Nhân vật trữ tình tôi “gặp em” trong một không gian thiên nhiên rộng rãi, mênh mông, khoáng đạt ở cả chiều cao (trên cao lộng gió) và chiều rộng (rừng lạ ào ào lá đỏ). Phút gặp gỡ tình cờ ấy, thậm chí cả may mắn, lại nói lên biết bao điều. Đó là sự gặp gỡ giữa một người con trai và người con gái. Vạn vật xưa nay đều thế, âm dương trái dấu sẽ hút nhau. Việc nhìn thấy một người con gái trẻ trung, khỏe mạnh giữa núi rừng bao la sau những chuyến hành quân dài mệt mỏi, nguy hiểm luôn đem lại cảm giác hứng khởi, những xúc cảm giới tính trong sáng, tinh khôi cho người lính. Đó còn là sự gặp gỡ giữa rừng sâu của hai người đồng hương, cùng chung dòng máu Việt.

Ảnh minh họa / qdnd.vn 

Tha hương ngộ cố tri vốn là một trong những niềm vui sướng, hạnh phúc nhất của đời người. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi nhân vật trữ tình trong bài thơ xúc động dạt dào, như thấy cả hình bóng quê hương qua dáng đứng hiên ngang, quật cường “Vai áo bạc quàng súng trường” của người em gái. Đó cũng là sự gặp gỡ giữa những người đồng chí, đồng đội. Mỗi người một nhiệm vụ. Người em gái ở tiền phương làm nhiệm vụ dẫn đường cho đoàn quân băng qua dải Trường Sơn tiến về phía trước. Và sau cùng, tất cả sự gặp gỡ đó đều hướng đến cái đích lớn lao: Sự gặp gỡ về lý tưởng.

Đó là lý tưởng cao đẹp của cả một dân tộc, một thế hệ đang chung sức chiến đấu cho một Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Lý tưởng ấy được cụ thể hóa, biểu hiện bằng một lời chào, một lời hẹn (ngầm trong đó là một ước ao thầm kín) trước khi chia tay của nhân vật trữ tình đối với người em gái: “Chào em, em gái tiền phương/ Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn”. Việc gặp gỡ rồi chia tay của hai nhân vật trữ tình đều diễn ra nhanh chóng, chớp nhoáng với nhịp độ hối hả của cuộc hành quân. Chính tính bất ngờ, ngẫu nhiên của cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật trữ tình trong bài thơ lại làm nổi bật lên niềm tin, sự đồng điệu về tâm hồn, lý tưởng của họ nói riêng và lớp lớp người Việt nói chung. Mỗi chiến sĩ có một nhiệm vụ khác nhau, một con đường đi khác nhau. Nhưng mọi nhiệm vụ mà người lính thực hiện, mọi con đường người lính đi qua đều hướng về Sài Gòn, hướng về mục tiêu “giải phóng thành đô”, thống nhất nước nhà.

Như vậy, nhìn một cách tổng quan, tứ thơ “Lá đỏ” đi từ cái bất chợt, tình cờ đến cái tất yếu; đi từ cảm xúc riêng tư cá nhân đến cảm hứng chung của cả dân tộc. Sự phóng khoáng, bay bổng trong thi hứng và nhịp điệu đã làm tôn lên cái chặt chẽ trong tư duy và chiều sâu triết lý của bài thơ. Đấy chính là điều làm nên sức sống lâu bền của “Lá đỏ” nói riêng và đời thơ Nguyễn Đình Thi nói chung.

NGUYỄN ĐÌNH THI

Lá đỏ

Gặp em trên cao lộng gió

Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường

                như quê hương

Vai áo bạc quàng súng trường.

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa.

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn.

("Tuyển tập Nguyễn Đình Thi", tập 3, Nhà xuất bản Văn học, 1997) 

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.