Vậy là tôi háo hức về quê bạn chơi, thực lòng không chỉ vì có cái thác nước, mà còn bởi đó là vùng đất của một cửa sông tràn ra biển. Nơi bắt đầu của một dòng sông luôn đầy bất ngờ khi so sánh với nơi chính dòng chảy ấy hòa vào một dòng chảy khác, hoặc đổ ra biển cả. Ví như khởi nguồn của các dòng sông lớn trên thế giới thường chỉ là một khe nước vô cùng nhỏ ở một nơi cũng hết sức bình thường.

Tôi cũng không tưởng tượng nhiều về cái thác nước quê bạn, bởi thác nước căn bản không khác xa nhau là mấy, có chăng chỉ ở độ cao và sự hùng vĩ riêng. Và một yếu tố khá quan trọng nữa là hành trình đến thác. Có những thác nước đẹp và đến đó rất dễ. Nhưng có những thác nước thì phải lặn lội rừng sâu núi cao mới chiêm ngưỡng được nó. Thông thường, những thác nước như vậy luôn hiếm có người sẵn sàng chịu gian khổ và hiểm nguy để cảm nhận tận cùng vẻ đẹp vĩ đại của chúng.

leftcenterrightdel
Minh họa ANH KHOA.

 

Vậy nhưng, điều tôi ít ngờ nhất lại xảy ra: Thác cạn.

Một chút bối rối. Thác cạn, nghĩa là mùa mưa vẫn chưa về. Những tảng đá chạy dọc con suối lớn đổ từ đỉnh thác xuống từng chìm trong khúc hoan ca cuộn trào sôi sục của nước, thì nay nằm trơ khấc giữa nắng gió. Một vài loài hoa rừng điểm vàng, điểm tím giữa muôn xanh lá, giữa tiếng ve sầu rền rĩ, vừa khiến không khí ong ong ngột ngạt vừa gây buồn ngủ. Có một cái gì đó bỗng dưng lặn tận sâu hút trong những ý nghĩ bủa vây. Vậy là tôi đang đứng dưới một dòng thác cạn, điều mà tôi có thể miêu tả bằng một cụm từ chân thực: “Thác đổ… từng giọt”.

Tôi thích cảm giác của hồi ức, khi những con thác buông dài trắng xóa từ một khe núi cao ngất vô danh nào đấy đổ xuống hun hút mây mù trắng sữa la đà trên những vạt rừng xanh thậm của mùa mưa Hà Giang năm nào. Cảm giác huyền ảo không thể nắm bắt của dòng nước đổ từ trên cao ấy thực sự khiến tay chân bức bối, kiểu như muốn đi mà không thể đến, muốn nắm giữ nhưng không thể chạm tay.

Mùa hè năm trước, tôi đi dọc vành đai biên giới phía tây Nghệ An. Trên một cung đường ven sông Nậm Nơn, tình cờ tôi gặp một người lính biên phòng. Anh hỏi tôi đang làm gì. Tôi nói tôi đang ngắm dòng sông. Khi đó, từ khoảng cách tôi đứng, dòng sông hút sâu xuống tận thung lũng, cách xa cái ngấn nước mà mới đây thôi cỏ chỉ kịp nhú xanh bên đường. Người lính biên phòng kể cho tôi nghe về dòng sông. Anh nói cách chỗ chúng tôi đứng không xa từng có một thác nước tuyệt đẹp. Khi đó, đứng tại đây người ta có thể nghe thấy tiếng thác reo. Từ khi người ta ngăn dòng Nậm Nơn làm thủy điện, vẻ đẹp của dòng thác ấy vĩnh viễn biến mất.

Tự dưng thôi nhớ thương dòng thác mà tôi chưa từng biết mặt. Con thác tuyệt đẹp ấy đã ngậm tiếng hát của mình vào dòng sông ngầu đỏ đang lặng lẽ chảy dưới thung sâu kia. Có nhiều con thác tuyệt đẹp trên đời đã biến mất khi con người ngăn dòng chảy.

Thác khô! Giữa trưa mùa hạ oi nồng, tôi đứng trên đỉnh thác khô ngắm bãi biển mờ xa phía chân trời. Làng mạc và cửa sông nhỏ bé ẩn hiện qua từng chùm lá kim của rừng thông đang mùa lấy nhựa. Những cây thông đeo trên mình những vết thương sâu hoắm, lặng lẽ tiết nhựa, thứ hóa hổ phách triệu triệu năm về trước từng lưu giữ một phần ký ức của địa cầu.

Tôi nhớ thông tin về một dòng thác khô tận nước Mỹ xa xôi. Các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng thác Dry Falls ở Mỹ là thác nước lớn nhất trên thế giới từng tồn tại với chiều cao gấp hai lần và rộng gấp ba lần thác nước Niagara ngày nay. Mười lăm ngàn năm trước, những biến động địa chất đã thay đổi dòng thác ấy. Nó chỉ còn lại một phần vô cùng nhỏ bé của thác nước lớn ngàn năm kia.

Đứng trong lòng con thác khô, tôi nhớ về những thứ tôi từng nắm giữ, từng buông tay và từng vuột mất. Không như dòng thác cạn này, có thể chỉ một cơn mưa lớn ngày mai sẽ bắt đầu một mùa mưa mới, và thác lại đổ trắng một dải rừng xanh. Nhưng tôi, những thứ đã mất đi cho tôi cảm giác của hồi ức. Cảm giác đó phải chăng là để tôi trân trọng hơn những gì mình đang có…

Tản văn của PHẠM THANH THÚY