Lẽ thường cái tài của ai đó càng nổi trội, càng xuất chúng thì càng dễ nhìn thấy, song cũng dễ bị những kẻ tiểu nhân, tài hèn đức mọn hay soi mói, gièm pha, thậm chí dễ bị thói đời nhỏ nhen ganh ghét, đố kỵ, vẽ rắn thêm chân. Còn ai đó có tài mà lại tự cao, tự đại, khoe khoang, thiếu sự khiêm nhường, chín chắn cần thiết thì đó chính là mầm mống của tai họa.

Trước cụ Nguyễn Du, nhiều vị tiền nhân đã nói lên sứ mệnh cao cả của giá trị tâm đức mới làm nên sự toàn vẹn, hoàn hảo của các bậc có sứ mệnh trị vì thiên hạ và các bậc kẻ sĩ là thành phần tinh hoa của xã hội. Platon, nhà triết học cổ đại Hy Lạp, người được coi là một trong những triết gia vĩ đại nhất của mọi thời đại, từng cho rằng: “Trí thức sẽ trở thành tai họa nếu mục tiêu không có đạo đức”. Cùng chung quan điểm với Platon, Marcus Tullius Cicero-một trong những triết gia và nhà hùng biện vĩ đại nhất thời La Mã cổ đại cũng cho rằng: “Tri thức đi lệch khỏi công lý có thể gọi là sự xảo quyệt hơn là trí tuệ”. Hơn một thiên niên kỷ sau, Rabelais (1494-1553), một nhà văn lớn của nước Pháp thời Phục hưng cũng từng nhấn mạnh: “Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự tàn rụi của tâm hồn”.

Như vậy, nhân cách của mọi bậc kẻ sĩ chân chính không thể không xuất phát từ cội nguồn của vẻ đẹp đạo đức, công lý và tâm hồn. Thế nên, không ngẫu nhiên mà từ thế kỷ 15, danh nho Thân Nhân Trung (1419-1499) đã có quan niệm vượt thời đại khi khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Chữ “hiền tài” ở đây bao hàm, hòa quyện giữa đức độ và tài năng, giữa phẩm hạnh và lẽ sống, giữa cống hiến và bổn phận.

Trở lại triết lý của Nguyễn Du. Khi nói “chữ tài liền với chữ tai một vần”, cụ Nguyễn muốn gửi thông điệp cho hậu thế, đó là khi tạo hóa đã ban phước cho ai tài năng thiên bẩm, người sở hữu tài năng ấy phải mang hết trí tuệ, tâm sức phụng sự, cống hiến cho xã hội thì cái tài ấy mới phát huy giá trị cao cả của mình. Nghĩa là, khi cái tài được hóa thân vào cái tâm, cái đức, cái nghĩa thì cái tài ấy mới có cơ hội phát huy, thăng hoa, tỏa sáng. Và chỉ khi nào cái tài đứng trên cái tâm vững chãi như thế chân kiềng “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” thì cái tài mới có khả năng ngự trị được “chữ tai”, tức là có thể phòng ngừa nguy cơ tai họa. Ngược lại, tài mà thiếu tâm, tài mà không đức độ thì “chữ tài” dễ chuyển thành “chữ tai”, tức là tài năng có nguy cơ thui chột và người tài có thể dính dáng, dây dưa, thậm chí gặp tai họa!

Ngẫm lời người xưa, nghĩ chuyện thời nay. Không ít quan chức có trình độ cao và năng lực lãnh đạo, quản trị tốt nhưng khi đứng trên đỉnh cao quyền lực một phần vì quá tự tin vào chữ tài của bản thân, phần khác lại không thường xuyên tôi rèn chữ tâm nên để cho chữ tai rình rập trước mắt mà chủ quan làm ngơ, để rồi khi đã “ngộ sự” thì cái họa ập đến không sao ngăn nổi. Thậm chí có cả những anh hùng một thời xông pha trận mạc, đánh Đông dẹp Bắc, lập công lẫy lừng, nhưng sau khi được thăng quan tiến chức lại không chú trọng tu thân tích đức nên tự mình chuốc họa, đưa thân vào vòng lao lý.

Vậy nên, đừng quên khắc cốt ghi tâm những lời khuyên răn chí tình chí nghĩa của các bậc tiền nhân, cũng là một cách để mỗi người, nhất là người tài tự phòng ngừa tai họa cho chính mình!

PHÚC NỘI